Môi trường đầu tư qua lát cắt ngành thuế
![]() | Ngành thuế nỗ lực tạo đà cho doanh nghiệp |
![]() | Ngành Thuế mới đi được đoạn đầu trên chặng đường cải cách |
![]() | Ngành Thuế sẽ thanh tra, kiểm tra khoảng 18% số DN |
Mức độ hài lòng của DN về cải cách thủ tục hành chính thuế đã tăng từ 71% năm 2014 lên 75% trong năm 2016 vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà ngành thuế cần cải thiện để tăng điểm trong mắt cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, cũng là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bởi nhìn rộng ra, hoạt động của ngành thuế có liên quan mật thiết đến môi trường đầu tư của quốc gia.
DN hài lòng hơn với ngành thuế
Kết quả trên được rút ra từ báo cáo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Thuế công bố ngày 7/3.
Hơn 3.400 DN đã tham gia trả lời và hầu hết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính thuế đều được DN đánh giá là có sự cải thiện tích cực hơn so với năm 2014.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đơn cử như trong vấn đề tiếp cận thông tin, khảo sát năm 2016 cho thấy tỷ lệ DN gặp vướng mắc là 55%, đã giảm đáng kể so với con số 70% của năm 2014. Hay như trong vấn đề thực hiện thủ tục hành chính thuế, tỷ lệ DN gặp phiền hà trong năm 2016 là 41%, đã giảm so với năm 2014 là 49%. Với nỗ lực của cơ quan thuế, việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử đã đem lại lợi ích thiết thực cho DN, được cộng đồng DN đánh giá khá cao.
Báo cáo cũng cho thấy, cơ quan thuế đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng công tác thanh, kiểm tra thuế trong năm vừa qua, trong đó tập trung vào thanh tra, kiểm tra các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Cùng với đó, 79% DN hài lòng với kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan thuế.
So với khảo sát trước đây, nhiều DN đã có những cảm nhận tích cực hơn đối với tác phong làm việc, trình độ chuyên môn cũng như tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ công chức thuế. Có 53% DN đánh giá tốt/rất tốt, cán bộ thuế hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu và tuân thủ đúng quy trình giải quyết công việc, tăng 9% so với 2014.
Mặc dù vậy, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tỷ lệ 75% DN hài lòng với cải cách thủ tục hành chính ngành thuế đã cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để ngành này cải thiện chính mình. Đơn cử như trong vấn đề thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, thời gian được đánh giá là quá dài, lên tới 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn thuế thì cơ quan thuế mới bàn hành quyết định.
Đối với vấn đề thanh tra, kiểm tra thuế, theo phản ánh của DN là diễn ra quá nhiều, đồng thời trong quá trình thanh tra DN phải chi thêm nhiều khoản cho cán bộ thuế để không bị “hành”, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Vẫn còn tới 36% DN cho biết, cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh, kiểm tra thuế của cán bộ thuế có xu hướng suy diễn bất lợi cho DN.
Gợi mở chính sách
Qua lát cắt ngành thuế, nhiều vấn đề chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư đã được gợi mở. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, có thể thấy xu hướng là các DN có quy mô doanh thu càng cao, tỷ lệ gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế càng cao. Cụ thể nếu như 39% DN có quy mô doanh thu dưới 1 tỷ cho biết có gặp phiền hà khi thực hiện thủ tục hành chính thuế thì với các DN có doanh thu 1 – 10 tỷ, 10 – 20 tỷ con số này là 42%.
Nhóm DN có doanh thu 50 – 100 tỷ là 40% còn DN có doanh thu trên 100 tỷ thì tỷ lệ này lên đến 49%. Đồng thời, khảo sát vẫn ghi nhận tình trạng DN càng lợi nhuận thì tần suất đón đoàn thanh tra, kiểm tra càng cao. “Đây là vấn đề đáng quan tâm trên môi trường đầu tư, bởi đáng nhẽ DN làm ăn bài bản chuyên nghiệp thì thanh tra kiểm tra phải giảm, như vậy mới tạo động lực cho DN làm ăn lớn”, ông Tuấn phân tích.
Bên cạnh đó, còn xu hướng đáng lo ngại là 34% DN thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thanh kiểm tra thuế, tỷ lệ này đã tăng so với năm 2014 là 32%. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, càng những DN mới thành lập thì tỷ lệ chi trả không chính thức càng cao. Cụ thể nếu như 18% DN thành lập trước năm 1990 cho thấy có hiện tượng này thì với những DN thành lập mới từ 2010 trở lại đây, 36% cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế.
Cơ quan đại diện cho cộng đồng DN cũng lưu ý, mục tiêu của Chính phủ là thành lập đến 1 triệu DN vào năm 2020, trong đó tập trung vào 2 nhóm chính là chuyển hộ kinh doanh sang hoạt động theo loại hình DN, và khuyến khích phong trào khởi nghiệp, đều có liên quan chặt chẽ đến ngành thuế. Vì vậy các chính sách cũng như thủ tục hành chính thuế cần được thay đổi kịp thời để đáp ứng được yêu cầu này.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG chỉ ra thực tế là, đối với các DN đang hoạt động, chi phí chi trả cho các đại lý thuế làm dịch vụ kiểm tra hoàn thuế thông thường ở mức 5%-10% giá trị đề nghị hoàn thuế, thậm chí có trường hợp cá biệt lên đến 35%. “Như vậy rõ ràng ở đâu đó, thủ tục thuế vẫn còn phức tạp và là rào cản, khiến DN gặp khó khăn để tuân thủ”, ông Thời thẳng thắn nói.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán Pricewater house Coopers Việt Nam lo ngại, chính sách quản lý thuế của Việt Nam được thiết kế không hợp lý. Bà Vân phân tích, luật thuế và kế toán hiện nay được dùng chung để điều chỉnh tất cả các mô hình DN, trong khi mô hình của DNNVV vô cùng đơn giản, trình độ cán bộ thuế chưa cao nên rất khó cập nhật và hiểu thấu đáo các quy định thuế, còn các DN lớn lại có bộ máy nhân sự tốt, hoạt động phức tạp nên cần có chính sách thuế phức tạp để quản lý chặt. Song luật thuế và kế toán lại áp dụng chung cho tất cả các đối tượng nên quá phức tạp cho các DNNVV, nhưng lại chưa đủ rộng để quản lý các DN lớn.
“Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đều có 2 chính sách thuế trong đó áp dụng cho DNNVV đơn giản hơn rất nhiều so với DN lớn”, bà Vân lưu ý. Vì vậy bà khuyến nghị việc cải cách thủ tục hành chính thuế phải đi liền với cải tổ chính sách thuế.
Ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam đánh giá, chính sách thuế của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, kết nối thông tin giữa cơ quan thuế và các cơ quan liên quan vẫn còn chưa toàn diện.
Cuối cùng, ông Danh cho rằng một số thủ tục hành chính thuế vẫn chưa được công khai và tin học hoá, do vậy DN sẽ khó chủ động trong việc kê khai, tính, nộp thuế, khiến chi phí cơ hội tăng lên do phải chờ đợi hướng dẫn của cơ quan thuế. Vì vậy, ngành thuế hiện nay vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ để thực hiện được các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 19 hàng năm nhằm cải thiện môi trường đầu tư.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
