Mở rộng cơ hội giao thương cùng Canada
Cuối tuần qua buổi tiệc “Tinh hoa Ẩm thực Canada” đã diễn ra tại Hà Nội cùng với việc giới thiệu những sản phẩm thực phẩm cao cấp của Canada đang được bán tại thị trường Việt Nam như thịt bò cao cấp AAA bang Alberta, tôm hùm và nhiều loại cá và hải sản, rượu vang Canada, bia thủ công, sy rô phong và táo. Trong tháng Mười một, thực khách cũng có thể thưởng thức những sản phẩm cao cấp đặc trưng của Canada tại các khách sạn và nhà hàng ở Hà Nội, như khách sạn Sheraton Hà Nội, Chuỗi nhà hàng Thế giới Hải sản, Hotpot Construction.
![]() |
Đây không chỉ là một trong những điểm nhấn trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Canada – Việt Nam mà cho thấy một hướng đi chủ động của Canada đối với hoạt động xuất khẩu vào Việt Nam trong những năm tới. “Chúng tôi rất hân hạnh được giới thiệu các sản phẩm thực phẩm ngon và chất lượng cao mà chúng tôi tin rằng người dân Việt Nam sẽ ưa thích. Canada có nhiều thế mạnh về thực phẩm và sự kiện này cũng giúp chúng ta kỷ niệm tình hữu nghị cũng như thúc đẩy cơ hội kinh doanh đem lại lợi ích cho cả hai nước”, bà Deborah Paul - Đại sứ Canada tại Việt Nam nói.
Điều này càng thấy rõ hơn trong xu thế xuất nhập khẩu của Canada vào Việt Nam. Trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN kể từ năm 2015, năm 2017 Việt Nam là điểm đến lớn thứ hai của sản phẩm nông nghiệp và hải sản Canada trong khối ASEAN với việc giá trị xuất khẩu đã đạt 1,05 tỷ đôla Canada (CAD), tăng gần gấp đôi so với năm 2016. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hải sản chiếm hơn một nửa tỷ trọng xuất khẩu của Canada sang Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Canada vào Việt Nam đạt 635 triệu CAD, chỉ bằng 97,2% so với cùng kỳ 2017, tuy nhiên, trong hai tháng 8 và 9 đều có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Hiện nay, hai nước đã cùng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khi Hiệp định này được thực thi, sẽ tăng cường đáng kể quan hệ thương mại song phương và khuyến khích đầu tư nước ngoài trực tiếp giữa hai nước.
Dự kiến CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Việt Nam sẽ tăng 271 triệu CAD, khoảng 16,8%. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Việt Nam gồm thực phẩm (tăng 52 triệu CAD) và hóa chất (tăng 33 triệu CAD).
Ở chiều ngược lại, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu ASEAN về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Canada và đứng thứ 5 trong các nước châu Á. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada vẫn là các mặt hàng truyền thống có lợi thế như: dệt may(đứng thứ 4 trong các nhà cung cấp); thủy sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; gỗ và sản phẩm; hàng nông sản với cá da trơn và tôm. 9 tháng đầu năm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ghi nhận mức tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017 giá trị đạt 2,226 tỷ USD. Đây cũng là một trong những thị trường xuất siêu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 10, Canada đứng thứ 14 về nguồn vốn FDI vào Việt Nam với 5,095 tỷ USD vốn đầu tư và 172 dự án còn hiệu lực.
Tuy vậy, thế mạnh của quan hệ kinh tế giữa hai nước không chỉ dừng lại ở những lĩnh vực lợi thế. Những bản ghi nhớ hợp tác tại chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua tại Canada cũng củng cố thêm những đường hướng hợp tác đầu tư mới như: Ý định thư hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Quỹ Nghiên cứu khoa học Québec, Canada; Gói hỗ trợ kỹ thuật cho các sân bay Việt Nam giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Canada; Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu giữa Trường đại học Kinh tế quốc dân, Việt Nam và Trường đại học Québec, Montréal; Biên bản ghi nhớ hợp tác về kinh doanh hệ thống phòng học ngoại ngữ đa phương tiện robotel smart class giữa Công ty TNHH Thương mại và Phát triển công nghệ Hoàng Thành và Tập đoàn Robotel, Canada.
Trong chuyến thăm tới Việt Nam năm 2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố “Quan hệ Đối tác Toàn diện” giữa Canada và Việt Nam. “Quan hệ đối tác toàn diện” đã đề ra một số lĩnh vực tăng cường hợp tác giữa hai nước, bao gồm chính trị và ngoại giao, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng an ninh, trao đổi văn hóa và giáo dục, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và thắt chặt quan hệ nhân dân giữa hai nước. Đây cũng là cơ hội cho kinh doanh mới cho các nhà đầu tư trong nước cũng như chuyển giao kỹ thuật và thu hút nguồn lực.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
