Mở rộng chia sẻ dữ liệu để quản lý thuế hiệu quả
Dữ liệu quý đối với ngành thuế
Theo ông Đào Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế), thời gian qua để triển khai các quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020 của Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và hệ thống NHTM tham gia cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế cho cơ quan thuế.
Kết quả thí điểm tại 5 NHTM, gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV và MB cho thấy từ tháng 6/2021 đến hết tháng 3/2022, ngành thuế đã chủ động cung cấp dữ liệu về mã số thuế và thông tin tài khoản người nộp thuế đã đăng ký kê khai với cơ quan thuế để các ngân hàng đối soát. Các ngân hàng cũng đã xây dựng phần mềm tiếp nhận thông tin mã số thuế, hồ sơ của người nộp thuế và kết xuất thông tin số hiệu tài khoản thanh toán theo chuẩn định dạng do Tổng cục Thuế cung cấp. Cả 5 NHTM triển khai thí điểm đều đã hoàn thành việc truyền nhận dữ liệu lần đầu và đang tích cực phối hợp với Tổng cục Thuế xây dựng ứng dụng tự động để cung cấp dữ liệu định kỳ.
![]() |
Các cơ quan chức năng phối hợp tra soát thông tin người nộp thuế để đảm bảo thu đúng, thu đủ |
Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2022, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận thành công trên 45,4 triệu tài khoản, trong đó các tổ chức (doanh nghiệp, tổ chức khác và cá nhân kinh doanh) là gần 2,5 triệu tài khoản và cá nhân là xấp xỉ 43 triệu tài khoản. Đây là nguồn dữ liệu rất quý với cơ quan thuế để phục vụ hiệu quả công tác quản lý thuế và hỗ trợ truy thu các khoản thuế do người nộp thuế lẩn tránh, gian lận trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, một số NHTM tại TP.HCM cho biết, hoạt động cung cấp thông tin tài khoản để đối soát với cơ quan thuế không quá khó khăn. Quan trọng nhất là các bên liên quan phải tuyệt đối đảm bảo bảo mật các thông tin dữ liệu của chủ tài khoản. Vấn đề này đã được quy định khá cụ thể trong Luật Tổ chức Tín dụng 2010 (Khoản 4, Điều 14) và Nghị định số 117/2018 (Điều 4) cũng như các quy định của NHNN.
Các thông tin ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế chỉ bao gồm nội dung mang tính xác minh; các thông tin về nội dung tài khoản như số dư tiền gửi, lịch sử thanh toán đều được tuyệt đối bảo mật. Các chủ tài khoản ngân hàng (cả tổ chức và cá nhân) khi đã được cơ quan thuế và ngân hàng mở tài khoản xác nhận định danh sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc khai nộp thuế trên các nền tảng điện tử, không phải đăng ký kê khai với Tổng cục Thuế. Trong khi đó, các ngân hàng cũng có thể tận dụng việc tra soát mã số thuế khách hàng để rà soát và làm sạch dữ liệu thông tin về tài khoản của các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó quản lý và kiểm tra chéo được trên hệ thống.
Cơ chế trách nhiệm cần rõ hơn khi nhân rộng
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sau khi tổng kết giai đoạn thí điểm 9 tháng tại 5 NHTM, hiện nay ngành Thuế đã rất sẵn sàng cho việc nhân rộng hoạt động kết nối cung cấp thông tin người nộp thuế với các TCTD còn lại. Ngay trong quý II/2022, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với NHNN, gửi văn bản đến các NHTM để triển khai giai đoạn 2 đối với hoạt động thu thập thông tin tài khoản người nộp thuế. Đa số các doanh nghiệp đều rất ủng hộ việc này.
Cùng với đó, có ý kiến cho rằng, việc bảo mật thông tin khách hàng và giới hạn các nội dung thông tin chia sẻ, Bộ Tài chính, NHNN và Bộ Tư pháp cần có sự thống nhất về quy định giữa các Luật Tổ chức tín dụng, Luật Quản lý thuế, Luật An ninh mạng và các luật liên quan.
Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chéo giữa ngành thuế và ngân hàng cũng cần tính đến tính hiệu quả trên thực tế. Bởi hiện nay, tình trạng lách thuế đối với loại hình bán hàng trực tuyến khá phổ biến. Nếu không có giải pháp kiểm soát sâu hơn thì rất khó thu đúng, thu đủ.
Liên quan đến quản trị rủi ro, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Khoa Luật Kinh tế, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, khi triển khai trên diện rộng hoạt động ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế cần có các quy định rõ ràng về đối tượng, tiêu chí khách hàng mà ngân hàng phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Từ đó xác định phương thức cung cấp, quy trình phê duyệt của cơ quan thuế khi yêu cầu NHTM cung cấp thông tin khách hàng tránh “lạm quyền” và “gây ra những lo lắng cho khách hàng”.
Theo bà Thoa, hiện nay các cơ sở pháp lý liên quan đến cơ chế xử lý mâu thuẫn trong quá trình phối hợp cung cấp thông tin giữa ngân hàng với cơ quan thuế cũng chưa được cụ thể hóa, các cơ chế giải quyết khiếu nại, bồi thường cũng như chế tài trong các trường hợp làm lộ thông tin, cung cấp hoặc tiếp nhận thông tin không đúng thẩm quyền còn chưa được làm rõ. Vì vậy, khi triển khai nhân rộng hoạt động này các quy định pháp lý cần được bổ sung và hoàn thiện.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
