Lúng túng trong quy hoạch sông Hàn
Câu chuyện quy hoạch tổng thể cảnh quan hai bên bờ sông Hàn hiện đang trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của dư luận địa phương, mà cả du khách quan tâm đến Đà Nẵng.
![]() |
Nếu có phương án quy hoạch tốt sẽ nâng tầm giá trị sông Hàn – Đà Nẵng |
Trước thực tế cần có một kiến trúc cảnh quan tốt trong tương lai, Đà Nẵng đã thuê chuyên gia nước ngoài làm tư vấn để việc quy hoạch có tầm nhìn dài hạn về kiến trúc tổng thể, không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông cũng như việc tác động đến môi trường. Chính quyền thành phố cũng đã tổ chức lấy ý kiến của các ngành liên quan và rộng rãi trong nhân dân thông qua các website của Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch TP. Đà Nẵng.
Bởi thay đổi kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Hàn là một việc làm quan trọng, tác động sâu sắc không chỉ đến nhận thức, giá trị lịch sử, văn hóa mà còn cả tình cảm của người dân Đà Nẵng, nên những ý kiến phản biện luôn rất cần không chỉ cho phương án làm đẹp sông Hàn, mà còn rất hữu ích cho nhiều công trình khác sẽ xây dựng dọc hai bên bờ sông trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển hai bên bờ sông Hàn theo hướng hiện đại, năng động, tạo sức hút cho du lịch là quan trọng. Nhưng quan trọng nhất là phải thận trọng, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng sao cho hài hòa giữa sáng tạo trong quy hoạch, kiến trúc xây dựng với việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng.
Mới đây, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phối hợp các cơ quan chuyên môn có cuộc trao đổi cùng đơn vị tư vấn quy hoạch là Công ty Jina Architects.Co.Ltd (Hàn Quốc) trước những cảnh báo của dư luận về hướng đề xuất quy hoạch không hợp lý.
Theo đó, trong phương án của đơn vị tư vấn đưa ra lấy ý kiến của giới chuyên môn, các kiến trúc sư... quy hoạch hai bên bờ sông Hàn có 4 phân khu phát triển theo thiết kế của Jina như công viên sinh thái; khu vực phát triển năng động; công viên trung tâm và khu vực công viên cổng ngõ.
Cụ thể, công viên sinh thái được quy hoạch từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Rồng với không gian xanh rộng lớn. Công viên năng động từ cầu Rồng đến cầu sông Hàn là nơi bố trí nhiều công trình tiện ích như sân khấu biểu diễn ngoài trời, bể bơi nhân tạo ven sông, các công trình thương mại cao cấp, dịch vụ ăn uống, giải trí.
Khu vực công viên trung tâm từ cầu sông Hàn đến hết khu vực cảng sông Hàn cũ với nhiều ý tưởng như tạo những khu đất hình vảy rồng để tăng không gian cây xanh, bố trí cầu cảng du thuyền, khu vui chơi dành cho giới trẻ, biểu diễn nghệ thuật đường phố, đi bộ… đồng thời vẫn giữ được công năng là địa điểm thực hiện trình diễn pháo hoa quốc tế.
Cùng với đó, khu vực công viên cổng ngõ đoạn từ cảng sông Hàn cũ đến cầu Thuận Phước được bố trí một công viên nước kéo dài, thân thiện với môi trường sông nước là nơi trình diễn các sự kiện nổi trên mặt nước; trong đó điểm nhấn nổi bật là khu đảo nhân tạo nhằm tăng không gian cây xanh, khu vực công cộng...
Tuy nhiên, tại cuộc trao đổi, hàng chục câu hỏi của các cơ quan liên quan được đưa ra dành cho nhà tư vấn. Hầu hết các nội dung hỏi đều tỏ ra quan ngại trước những ý tưởng đề xuất của nhà tư vấn về việc xử lý hai bờ sông Hàn với những đường kè bê tông mới, công trình cao tầng nhô ra sông và các bến du thuyền, những yếu tố có thể tác động tiêu cực đến lưu vực dòng sông.
Một số điểm nhấn cảnh quan mà nhà tư vấn đề xuất như trực tiếp lấn sông để tăng diện tích cây xanh, theo các cơ quan chuyên môn, sẽ làm tăng mật độ kiến trúc hay nói cách khác là bê tông hóa bờ sông, làm cản trở dòng chảy và các yêu cầu giao thông đường thủy trên sông Hàn. Những vấn đề đó đã khiến nhà tư vấn tỏ ra khá lúng túng, đề nghị có thêm thời gian để xem xét lại và lấy thêm ý kiến điều chỉnh đề xuất của mình.
Một vấn đề khác, trong đồ án quy hoạch kiến trúc hai bờ sông Hàn lần này mới dừng lại ở một đoạn sông từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý, tập trung vào điểm nhấn cầu qua sông Hàn và cầu Rồng, chứ chưa đưa vào quy hoạch tổng thể toàn lưu vực sông Hàn.
Giới chuyên môn gợi mở với chính quyền địa phương cũng như nhà tư vấn, không nên tự giới hạn phạm vi đề xuất cảnh quan chỉ ở trung tâm Đà Nẵng, mà cần mở rộng ra dọc chiều dài sông Hàn để mở rộng tầm nhìn đô thị Đà Nẵng ra xa hơn, thoát khỏi cảnh tù túng trong tư duy kiến trúc ngắn hạn lâu nay.
Các chuyên gia nhìn nhận, nếu hai bên bờ sông Hàn được nghiên cứu quy hoạch và thiết kế kiến trúc đúng đắn sẽ nâng tầm giá trị các công trình, cũng như bất động sản liên quan lên gấp nhiều lần so với hiện nay.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
