Liên kết vùng: Loay hoay tìm lời giải
![]() | Đẩy mạnh liên kết vùng du lịch |
Mạnh ai nấy làm
Có lợi thế khi nằm trên con đường di sản miền Trung, sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh… tiềm năng phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng và Quảng Nam là rất lớn. Việc bắt tay liên kết phát triển du lịch giữa ba địa phương nói trên cũng đã được triển khai gần chục năm nay. Tuy nhiên, trong thực tế mối liên kết này vẫn còn rất lỏng lẻo, chưa giúp khai thác hết tiềm năng du lịch ở khu vực…
![]() |
Cần nâng cao vai trò của DN trong liên kết phát triển du lịch miền Trung |
Hoạt động liên kết du lịch của ba địa phương đến nay mới chỉ gói gọn trong các sự kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cùng tổ chức giới thiệu du lịch tại một số nơi như TP. Hồ Chí Minh hay Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, cả ba địa phương cùng đã xác định thị trường quốc tế chung là Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu; Phối hợp tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế... Tuy nhiên, tại những sự kiện này, thông tin, ấn phẩm giới thiệu về tiềm năng du lịch còn rời rạc, chưa thể hiện được tính liên kết. Đến nay, ba địa phương cũng chưa thống nhất được logo, slogan chung; bộ nhận diện thương hiệu, bộ thông tin về du lịch…
Đặc biệt, vai trò quan trọng của các DN du lịch - nhân tố then chốt trong các mối liên kết - lại bị xem nhẹ. Theo bà, Mary Mn Keon, Trưởng Nhóm tư vấn dự án “Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (dự án EU), phát triển du lịch liên kết giữa ba địa phương còn rất nhiều thách thức.
Trong đó, sự tham gia của DN trong xây dựng phát triển sản phẩm du lịch vùng còn quá mờ nhạt. Mặc dù vậy, để thực hiện hoạt động liên kết, nguồn kinh phí cả Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam bỏ ra không phải ít. Năm 2015, các địa phương này đã chi hơn 1 tỷ đồng, trong đó Đà Nẵng chi 285,6 triệu đồng, Thừa Thiên - Huế 112,2 triệu đồng, Quảng Nam 180,2 triệu đồng, còn lại xã hội hóa 439 triệu đồng.
Không những yếu về liên kết, theo các chuyên gia ngành du lịch, tuy được đánh giá là “trọng điểm du lịch miền Trung”, nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở ba địa phương vẫn còn thiếu và yếu.
Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng quy hoạch và phát triển du lịch (Sở Văn hoá – Thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế) đã thẳng thắn nhận định, hoạt động liên kết du lịch mới dừng ở trên giấy tờ, thực tế các địa phương vẫn cạnh tranh ngầm lẫn nhau nên hiệu quả liên kết cũng mới dừng ở mức báo cáo.
Còn theo ông Phan Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam, du lịch của ba địa phương trong thời gian qua thực ra mới chỉ là đi chung, chứ chưa phải liên kết…
Hình thành quỹ phát triển du lịch
Năm 2016, nhằm tiếp tục định vị thương hiệu du lịch vùng trở thành một điểm đến có thương hiệu trên bản đồ du lịch ở Việt Nam, cả ba địa phương sẽ tiếp tục liên kết để xúc tiến du lịch thông qua việc tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế như: hội chợ ITB Berlin 2016 và tổ chức roadshow giới thiệu du lịch 3 địa phương tại CHLB Đức; hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2016; hội chợ du lịch quốc tế ITE TP. Hồ Chí Minh 2016; hội chợ JATA Nhật Bản 2016.
Ngoài ra, ngành du lịch các địa phương sẽ tiến hành xuất bản các ấn phẩm, vật phẩm chung, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung; tổ chức hội chợ du lịch MICE, đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Úc, Thái Lan, Ấn Độ, Nga...) đến tham quan, khảo sát và viết bài về du lịch ba địa phương; đón và hỗ trợ các đoàn làm phim đến thực hiện phim giới thiệu du lịch vùng...
Theo đó, trong năm 2016 tổng kinh phí dự trù dành cho các hoạt động liên kết du lịch ở ba địa phương cũng khoảng 1 tỷ đồng, trong đó tham gia 4 hội chợ (2 hội chợ quốc tế trong nước và 2 hội chợ tổ chức ở nước ngoài) là 850 triệu đồng, số tiền còn lại dùng để in ấn phẩm, vật phẩm quảng bá du lịch chung cho ba địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng ngoài ngân sách địa phương, để liên kết du lịch thật sự vững chắc, có trách nhiệm với nhau cần phải thành lập quỹ du lịch chung của ba địa phương để tạo nguồn lực về tài chính thúc đẩy phát triển du lịch. Đề xuất này đã được cả ba địa phương hưởng ứng và đề nghị Tổng cục Du lịch sớm đệ trình lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có cơ chế hình thành quỹ phát triển du lịch.
Ông Vinh cũng cam kết và tin tưởng các DN du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng sẽ sẵn sàng tham gia cùng với chính quyền để xây dựng duy trì và phát triển quỹ. Tuy nhiên, rào cản hiện tại chính là chưa có bất kỳ văn bản nào về định hướng, chế tài cũng như hành lang pháp lý để có thể xây dựng quỹ.
Ngoài ra, để nâng cao vai trò của DN khi tham gia các chuỗi liên kết, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, các địa phương sẽ phải xây dựng chương trình, sự kiện du lịch thống nhất chung giữa các địa phương. Từ đó, giúp DN lữ hành, khách sạn chủ động trong việc thu hút khách; tập trung vào các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường tiềm năng, xây dựng được gói sản phẩm chung của cả ba địa phương. Tăng cường sự tham gia của DN, xây dựng quỹ phát triển du lịch, nâng cao chất lượng du lịch hơn nữa về dịch vụ, ăn uống, mua sắm, vận chuyển…
Theo các chuyên gia đến từ dự án của EU, phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung cần tập trung vào ba dòng sản phẩm chính gồm hệ thống các di sản, đường mòn sinh thái và cụm nghỉ dưỡng ven biển. Để thực hiện được yêu cầu này, cả ba địa phương cần ngồi lại với nhau nhằm tìm ra cách giải quyết đồng thời xây dựng các biện pháp quảng bá thương hiệu hỗ trợ cho phát triển ngành du lịch.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
