Lạng Sơn: Ngành Ngân hàng đồng hành cùng phát triển kinh tế địa phương
Tích cực các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Lạng Sơn là một vùng đất cửa ngõ “phên giậu”, địa đầu của Tổ quốc, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời; luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Mặc dù bối cảnh nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu cũng như tình hình kinh tế - xã hội trong nước, song nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, cùng với định hướng phát triển kinh tế Lạng Sơn, các cấp, ngành đã và đang đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Là “huyết mạch” của nền kinh tế địa phương, ngay từ đầu năm, NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023. Qua đó đánh giá kết quả thực hiện năm 2022, quán triệt các chi nhánh TCTD trên địa bàn các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN của NHNN Việt Nam và các văn bản của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2023.
![]() |
Các ngân hàng trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp |
Đặc biệt, trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai thực hiện các các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng, giải pháp tín dụng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế.
Cụ thể, NHNN Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tăng cường các giải pháp tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; cử lãnh đạo dự Hội nghị đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Qua đó, nắm bắt thực trạng tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và thông tin các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng.
Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; giảm mặt bằng lãi suất trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường và định hướng của NHNN. Đến nay, lãi suất của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được duy trì ổn định, tiếp tục giảm phù hợp với thị trường và định hướng của NHNN.
Tính đến thời điểm tháng 11/2023, mặt bằng lãi suất huy động vốn trên địa bàn đã giảm xuống mức 5% - 5,8%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 0,5 - 1,0%/năm so với đầu năm 2023. Từ nay đến hết năm 2023, các ngân hàng tiếp tục thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay (áp dụng theo từng lĩnh vực, loại cho vay,...) nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Ngoài ra, các chi nhánh TCTD trên địa bàn cũng tích cực rà soát lại quy trình, thủ tục cho vay và các loại phí, lệ phí đang áp dụng; tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; đẩy mạnh thực hiện các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và địa phương theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022, Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn, nghiêm túc thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
![]() |
Hoạt động giao thương trên địa bàn luôn được hỗ trợ tích cực từ ngân hàng |
Kết quả, tính đến nay, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 176,7 tỷ đồng, với 22 khách hàng được hỗ trợ, số tiền hỗ trợ lãi suất là 2,7 tỷ đồng. Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN là 636 tỷ đồng, với 55 khách hàng…
Không chỉ tập trung hỗ trợ khách hàng, NHNN Chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Đến 31/10/2023, nợ xấu toàn địa bàn chiếm 1,33% tổng dư nợ.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số
Cùng với các cấp, các ngành hướng tới kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, ngành Ngân hàng Lạng Sơn đã tổ chức triển khai nghiêm túc có hiệu quả các văn bản của Chính phủ, của ngành và địa phương về chương trình chuyển đổi số và hoạt động TTKDTM. Nhờ đó, hoạt động thanh toán trên địa bàn diễn ra ổn định, nhanh chóng, an toàn và chính xác, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các TCTD tích cực phổ biến, tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại trên nền tảng số, mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng (như chuyển tiền nhanh 24/7, sử dụng mã QR, ví điện tử; mở tài khoản trực tuyến, gửi tiết kiệm online….
Đồng thời, các ngân hàng cũng tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông phổ biến, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời cho khách hàng về quy trình thủ tục, thao tác thực hiện và các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt khoảng 72%. 10 tháng đầu năm 2023, doanh số thanh toán qua POS đạt 2.915 tỷ đồng, tăng 623,3% so với cùng kỳ năm 2022...
Ngoài ra, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai công tác phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, điện, nước, giáo dục, bảo hiểm, chi trả dịch vụ an sinh xã hội triển khai các giải pháp về thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Phối hợp với các trường học triển khai thu học phí qua tài khoản, lắp đặt các thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán mã QR,...
![]() |
Thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh tạo nhiều tiện lợi cho người dân |
Tại các cơ sở y tế phục vụ việc thanh toán viện phí được nhanh chóng, thuận tiện, toàn bộ nguồn thu viện phí do cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán cho các cơ sở y tế trên địa bàn đã được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng; dịch vụ thu hộ ngân sách nhà nước, thu tiền điện, tiền nước qua ngân hàng đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh, 11 huyện, thành phố đã tiến hành chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM.
Về hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trên cơ sở văn bản thỏa thuận thanh toán biên giới đã ký kết với các Chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc thực hiện triển khai hoạt động thanh toán biên mậu. Tổng doanh số thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.026 triệu USD (chiếm khoảng 21,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn), tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong thời gian tới, NHNN chi nhánh tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Cấp uỷ, Chính quyền địa phương và của NHNN Việt Nam; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm hoạt động thanh tra, giám sát có hiệu quả theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, hoàn thành công tác thanh tra theo kế hoạch; Chỉ đạo các chi nhánh NHTM chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu đảm bảo số liệu khách quan, thực chất; tiếp tục tăng cường công tác xử lý nợ xấu, kiểm soát chất lượng tín dụng.
Về phía các TCTD sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, hạn chế tín dụng đen…
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
