Lấn chiếm đất rừng, khó thu hồi
Lấn chiếm đất rừng làm rẫy
Thời gian qua, phong trào trồng rừng ở Gia Lai được triển khai khá hiệu quả. Sau 3 năm triển khai kế hoạch số 1123 của UBND tỉnh Gia Lai về việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, tỉnh đã vận động được 17.232 hộ dân tự nguyện kê khai diện tích đất rừng lấn chiếm, tổng cộng hơn 31.509ha, trồng rừng được 18.098,7ha. Tuy nhiên, quá trình triển khai kế hoạch này vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.
Theo kết quả rà soát 3 loại rừng theo Quyết định số 53/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai và kết quả kiểm kê rừng năm 2014, toàn tỉnh Gia Lai có tổng diện tích đất lâm nghiệp 886.904ha. Trong đó, diện tích có rừng 623.280ha, diện tích đất chưa có rừng 263.623ha; có 178.717ha người dân đang sản xuất nông nghiệp trong đất quy hoạch lâm nghiệp.
![]() |
Xử lý lấn chiếm đất rừng để đảm bảo phát triển lâm nghiệp |
Cuối năm 2017, HĐND tỉnh Gia Lai ban hành Nghị quyết số 100/NQ-HĐND về kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Gia Lai 741.193ha. Trong đó, diện tích có rừng 597.186ha, diện tích đất chưa có rừng hơn 144.066ha, có 75.904ha người dân sản xuất nông nghiệp trong đất quy hoạch lâm nghiệp.
Để minh bạch trong công tác quản lý tài nguyên rừng, thời gian qua, chính quyền Gia Lai tiến hành rà soát, thanh kiểm tra việc quản lý, công tác quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp của các chủ rừng (bên được giao quản lý rừng). Qua đó, phát hiện một số xã được giao quản lý rừng để xảy ra sai phạm nghiêm trọng…
Đơn cử, tại huyện Chư Prông, nhiều diện tích rừng sau khi được UBND tỉnh Gia Lai giao cho chính quyền các xã quản lý đã bị mất do người dân phá rừng, lấn chiếm đất để làm rẫy. Trước tình hình này, UBND huyện Chư Prông tiến hành thanh tra toàn diện các xã Bàu Cạn, Thăng Hưng, Bình Giáo, Ia Vê, Ia Me, Ia Pia và Ia Púch. Tại các xã này, UBND huyện Chư Prông phát hiện đều để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy ở nhiều mức độ vi phạm khác nhau…
Theo kết quả thanh tra, từ năm 2014, diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp được giao quản lý tại UBND xã Ia Vê 1.501,37ha. Đến năm 2017, sau kiểm kê thực tế, diện tích này chỉ còn 1.166,32ha, bị giảm 344,05ha. Tương tự, diện tích rừng năm 2014 UBND xã Ia Me được giao 1.646,93ha và năm 2017 bị giảm 1.018,62ha. UBND xã Ia Pia được giao 843,17ha, đến năm 2017 giảm mất 466,28ha. UBND xã Bình Giáo được giao 1.048,8ha, đến năm 2017 mất 647,27ha; UBND xã Bàu Cạn được giao 79,19ha, đến năm 2017 bị giảm 8,48ha. UBND xã Thăng Hưng được giao quản lý 370,3 ha, đến năm 2017 bị mất 159,74ha. UBND xã Ia Puch được giao 60,47ha, đến năm 2017 để mất 44,89ha.
Nguyên nhân để mất rừng được UBND xã nói trên cho rằng, năm 2014, tỉnh Gia Lai triển khai công tác kiểm kê rừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đơn vị tư vấn chủ yếu sử dụng phương pháp giải đoán không ảnh (ảnh được chụp từ vệ tinh xuống bề mặt trái đất) nên có xảy ra sai số diện tích rừng trên địa bàn. Đến năm 2017, khi kiểm tra thực tế, diện tích này mới được đo đạc lại như con số hiện tại.
Một nguyên nhân khác cũng được UBND các xã trên đưa ra để lý giải cho việc mất rừng đó là do lực lượng cán bộ quản lý bảo vệ rừng cơ sở mỏng nên không bao quát được địa bàn dẫn đến việc người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.
Khó thu hồi
Trước tình trạng hàng trăm hecta rừng trên địa bàn bị mất, lấn chiếm do công tác quản lý lỏng lẻo, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của 7 tập thể và 6 cá nhân và hàng loạt cán bộ cấp huyện có liên quan. Đồng thời, yêu cầu các địa phương này tổ chức trồng lại rừng trên diện tích bị chặt phá, lấn chiếm.
Cùng đó, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông còn yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ kiểm lâm huyện phụ trách địa bàn; các công chức địa chính - xây dựng, địa chính - nông nghiệp, Trưởng Công an xã, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự các xã Bàu Cạn, Thăng Hưng, Bình Giáo, Ia Me, Ia Vê, Ia Pia và Ia Puch qua các thời kỳ do chưa tham mưu cho UBND các xã việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn.
Theo cơ quan chức năng, thực tế diện tích đất rừng bị lấn chiếm chủ yếu là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo. Người dân sản xuất nông nghiệp trên diện tích này từ lâu và đây là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình. Nhiều diện tích người dân đang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, điều… có giá trị kinh tế cao. Vậy nên rất khó vận động để người dân chuyển đổi sang trồng rừng.
Cùng với đó, nhận thức của người dân về phát triển rừng, các chính sách hưởng lợi từ việc trồng rừng còn hạn chế. Công tác rà soát, phân loại đối tượng lấn chiếm đất rừng gặp khó khăn do khó tiếp cận các đối tượng; diện tích đất rừng bị lấn chiếm lớn, phân bố ở những địa hình phức tạp và không có đầy đủ hồ sơ vi phạm được lập, không xác định được thời điểm chặt phá, lấn chiếm đất rừng. Kinh phí hỗ trợ trồng rừng còn hạn chế, trong khi mức đầu tư cho một chu kỳ trồng rừng cao…
Để công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng có hiệu quả, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, vận động lồng ghép trong các buổi họp dân; in tờ rơi có nội dung về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng và hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân...
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, thời gian tới, đơn vị tiếp tục vận động người dân tự nguyện kê khai toàn bộ diện tích đang sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp, phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 hoàn thành việc kê khai. Trên cơ sở kê khai, các đơn vị chức năng sẽ rà soát, đo đạc, định vị trong thực tế, phân loại đối tượng đang sử dụng để có kế hoạch giao quyền sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển lâm nghiệp, trồng rừng…
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
