Làm tốt công tác cán bộ theo lời dạy của Bác
![]() |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muốn thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Trong công tác xây dựng Đảng, Người đã luôn coi công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định tới toàn bộ việc xây dựng lực lượng cách mạng.
Học tập và làm theo lời Bác, cán bộ, đảng viên Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn nhận thức rõ ràng, sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình đối với các nhiệm vụ được giao, từ công tác tổ chức, biên chế; quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến công tác tiền lương, chính sách đãi ngộ… để đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình đối với sự phát triển và lớn mạnh của NHNN nói riêng và toàn ngành Ngân hàng nói chung. Điều này được thể hiện như sau:
Đối với nhiệm vụ tham mưu sắp xếp cơ cấu bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Có thể nói trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc đổi mới, chỉnh đốn tổ chức bộ máy luôn là một công việc cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Người đã từng nói tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất (25/6/1952): “Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt; giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”.
Trong thời gian vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB) đã tham mưu và trình Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị để tiến hành sắp xếp, điều chỉnh cho phù hợp với quan điểm chung, nhất quán, kiên quyết xây dựng bộ máy gọn nhẹ, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ đó, tổ chức bộ máy của NHNN dần được kiện toàn, hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc NHNN được quy định rõ ràng, cụ thể, không chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ. Các đơn vị, vụ, cục, chi nhánh đã thực hiện ngày một tốt hơn chức năng tham mưu, giúp Thống đốc quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Các chi nhánh NHNN cũng đã phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động ngân hàng, tổ chức triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, của Ngành và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với nhiệm vụ tham mưu, quản lý biên chế và thực hiện chính sách tinh giản biên chế
Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, để dồn sức cho cuộc kháng chiến, giảm tải sự đóng góp của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra giải pháp hết sức cụ thể như “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp của nhân dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”. Người cũng chỉ rõ mối liên hệ giữa tổ chức bộ máy và biên chế: “Từ các bộ, ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và ngày càng phình ra. Vì vậy, sinh ra quan liêu, lãng phí. Một nhược điểm nữa là từ các cơ quan Trung ương đến các địa phương chưa thật nhất trí, trên dưới chưa thật thông suốt, đang còn khuynh hướng cục bộ, bản vị…”.
Nhận thức vấn đề quản lý và tinh giản biên chế là một nội dung khá nhạy cảm, cần sự đồng thuận, nhất trí cao, đồng thời để thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Vụ TCCB đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, trình Thống đốc NHNN quản lý biên chế theo hướng thận trọng, hiệu quả.
Một mặt, Vụ TCCB tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến đội ngũ công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; qua đó nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức và hành động, tạo nên sự đồng thuận, nhất trí cao trong quá trình triển khai. Mặt khác, Vụ đã đề xuất và trình Thống đốc thực hiện giao biên chế gắn với vị trí việc làm và khối lượng công việc phải xử lý, tính chất phức tạp của công việc. Trên cơ sở đó, những đơn vị thuộc khối nghiệp vụ hoặc những chi nhánh có khối lượng công việc lớn sẽ được ưu tiên giao biên chế cao hơn và ngược lại. Kết thúc giai đoạn 2015-2021, mặc dù tại một số đơn vị còn tồn tại những hạn chế và chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu, nhưng về tổng thể, NHNN đã chủ động, cân đối quản lý biên chế một cách tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời đảm bảo tuân thủ nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước.
Đối với nhiệm vụ quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tham mưu đề bạt, bổ nhiệm và tuyển dụng công chức, viên chức
Có thể nhận thấy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ có “tài, đức” luôn được Người đặc biệt coi trọng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng cũng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” .
Thực hiện theo lời dạy của Bác, Vụ TCCB đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu và trình Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN ban hành tương đối toàn diện các văn bản nhằm triển khai chính sách, quy định pháp luật về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Một số các mảng công tác quan trọng được tập trung như: công tác phân cấp, quản lý cán bộ; công tác đánh giá cán bộ; công tác quy hoạch, bổ nhiệm; vị trí việc làm và chuyển đổi vị trí việc làm; công tác tinh giản biên chế; chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức…
Trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, Vụ TCCB đã tham mưu để thực hiện một cách nhất quán, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, bám sát các hướng dẫn, quy định của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Các nội dung liên quan đến bổ nhiệm, quy hoạch, đánh giá cán bộ đều được bàn bạc, thảo luận dân chủ trong tập thể cấp ủy và lãnh đạo đơn vị, sau đó trình Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN xem xét, thảo luận và quyết định theo đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ.
Không những thế, Ban Cán sự Đảng còn phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan NHTW (đối với bổ nhiệm các cán bộ tại Cơ quan NHTW), Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương (đối với bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các NHTM Nhà nước), Ban Tổ chức tỉnh ủy (đối với bổ nhiệm lãnh đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố) trong việc nhận xét, đánh giá, giới thiệu cán bộ. Khi xem xét việc bổ nhiệm, không để xảy ra tình trạng độc đoán, mất dân chủ hay cục bộ địa phương, không có tác động hoặc bị tác động trong quá trình thực hiện bổ nhiệm cũng như không phát sinh các biểu hiện sai trái trong công tác cán bộ.
Công tác tuyển dụng nhân sự tại NHNN cũng đã được tham mưu và triển khai hoàn toàn minh bạch, khách quan theo kế hoạch tổng thể đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng được tiến hành trên cơ sở Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt và đối chiếu với nhu cầu thực tế tại từng đơn vị. Đồng thời, dưới sự phát triển của khoa học công nghệ mà yếu tố công nghệ thông tin cũng được ứng dụng và triển khai hiệu quả trên diện rộng thông qua hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính, đảm bảo tính minh bạch trong quy trình tuyển dụng, qua đó bổ sung được nguồn nhân sự chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các đơn vị. Chất lượng công tác tuyển dụng vì thế ngày càng được tín nhiệm và nâng cao.
Đối với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính ngày 20/2/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Cán bộ kinh tế - tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: Chí công vô tư, Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế - tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.
Người đặc biệt khẳng định, đối với cán bộ ngành tài chính, ngân hàng, những người “phụ trách nhiều tiền của” của nhân dân thì ngoài nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, việc bồi dưỡng “đạo đức cách mệnh” cũng là việc quan trọng không kém. Trong đó “Chí công vô tư, Cần, Kiệm, Liêm, Chính” là những phẩm chất cần có của mỗi người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ ngành tài chính, ngân hàng.
Thấm nhuần lời căn dặn của Người, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao toàn diện chất lượng cán bộ các cấp, các ngành, các lĩnh vực, trong đó có ngành Ngân hàng. Trong những năm trở lại đây, NHNN đã đặt ra định hướng chủ đạo là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của cuộc CMCN 4.0. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được cải cách, chú trọng vào hiệu quả, chất lượng hơn số lượng; đảm bảo gắn với vị trí việc làm; bám sát các yêu cầu mang tính cấp thiết, trước mắt và cả yêu cầu, định hướng phát triển trung dài hạn của NHNN; đồng thời có trọng tâm, trọng điểm là xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Việc tăng cường hợp tác đào tạo với các tổ chức trong nước và quốc tế cũng giúp củng cố và phát triển hoạt động đào tạo theo các thông lệ tốt trên thế giới, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Ngân hàng, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.
Năm 2020-2021 là giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động nặng nề của thiên tai, lũ lụt. Tuy nhiên, trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhất, những bài học của Bác về tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân với tổ chức, với quốc gia, dân tộc lại được phát huy và thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.
Sống, học tập và làm theo lời Bác, xây dựng tinh thần đoàn kết trong mỗi đơn vị, trong mỗi quốc gia và tình đoàn kết quốc tế sẽ tạo thành một sức mạnh tổng thể giúp chèo lái con thuyền đất nước vượt qua mọi thách thức, đi đến bến bờ thắng lợi, bởi lẽ "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công".
Tin liên quan
Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược
