Lâm sản vào EU: Muốn dễ dàng, hãy vươn lên top 1
Cấp phép theo DN
Theo nhiều lãnh đạo các hiệp hội gỗ mà phóng viên tiếp cận gần đây, hầu hết các DN xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam vào thị trường EU cho biết đã tìm hiểu và có nhận thức ngày càng tăng lên về Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản (FLEGT/VPA).
Điều này được xem là một tiến bộ vượt bậc so với một năm trước đây khi chỉ có 57% DN biết về FLEGT/VPA; 75% DN chưa biết các nội dung chủ yếu của hiệp định trong khi có 73% các DN này đang xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội, ngoại thất sang EU (theo báo cáo đánh giá thực tiễn và hiểu biết về FLEGT/VPA do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) phối hợp với VCCI tiến hành và công bố tháng 7/2014).
![]() |
Để cạnh tranh, các DN buộc phải dần quen với Hiệp định FLEGT/VPA |
Tuy nhiên, việc chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục các hoạt động kinh doanh khi FLEGT/VPA chính thức kết thúc đàm phán và có hiệu lực thì dường như chưa được các DN thực sự quan tâm, hay đúng hơn là các DN còn đang bối rối và băn khoăn vì nhiều nội dung còn chưa ngã ngũ.
Trong đó, một trong những yêu cầu mà phía EU đặt ra trong đàm phán là phải cấp phép theo lô hàng, nhưng điều này sẽ vô cùng khó khăn cho công tác cấp phép, cho các DN xuất khẩu Việt Nam cũng như cho chính các nhà nhập khẩu của EU.
Bởi theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) thì năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 165 nghìn lô hàng cho thị trường EU với giá trị khoảng trên 600 triệu USD và chỉ tập trung vào Giáng sinh và mùa xuân (tức tập trung xuất hàng vào quý IV năm trước và quý I năm sau).
Vậy thử tưởng tượng việc cấp phép sẽ dồn lên các cơ quan chức năng lớn thế nào và có thể nói là không thể làm được, đặc biệt nếu muốn thực hiện được kỳ vọng xuất khẩu vào thị trường này tới hàng tỷ USD trong những năm tới. Hơn nữa, việc cấp phép theo lô sẽ gây khó khăn khi có sự xê dịch trong thông quan giữa lô hàng đưa lên container và giấy phép.
Đơn cử, giấy phép cho phép 3 nghìn bộ bàn ghế nhưng xếp lên container chỉ được 2 nghìn bộ thì chưa tìm được cơ chế xử lý chênh lệch… Một cán bộ của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đang tham gia đàm phán FLEGT/VPA cho biết, đấy là những vấn đề mà khi đặt ra thì phía EU cũng không giải thích được vì chưa xảy ra trường hợp tương tự.
Bởi thế nên trong đàm phán, phía Việt Nam đang yêu cầu cấp phép theo DN. Hiện số DN xuất khẩu vào EU hiện nay chỉ khoảng 300, và nhất là khi các DN được phân loại thì công việc liên quan đến cấp phép được dự báo sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Do đó, việc kiên quyết và nỗ lực để đạt được thỏa thuận cấp phép theo DN là mong mỏi chung của các DN xuất khẩu gỗ.
DN cần tránh bị “bêu tên”
Được biết các cơ quan liên quan của Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng hệ thống phân loại DN để từ đó xác định loại DN, công bố trên website và công việc đánh giá, phân loại sẽ cập nhật thường xuyên để giúp đẩy nhanh quá trình cấp phép.
Ví dụ, các DN loại 1 là những DN tuân thủ tốt tất cả các nghĩa vụ về thuế, hải quan, lao động, nguồn gốc gỗ… thì khi nộp đơn hầu như là được cấp phép ngay. Các DN loại 2 là những DN đã có hiện tượng vi phạm ở thuế hay về nguồn gốc gỗ thì cơ quan hữu trách sẽ tiến hành xác minh lại, và khi xử lý rồi sẽ chuyển cho bên cấp phép. Tóm lại, DN chỉ cần có “lịch sử” tốt, không bị bêu tên thì việc cấp phép sẽ rất dễ dàng.
Theo bà Nguyễn Tường Vân - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo FLEGT/VPA, Tổng cục Lâm nghiệp, việc xây dựng được một hệ thống như vậy sẽ giúp hình thành nên một bộ lọc, giúp cho việc cấp phép nhanh chóng, đồng thời khuyến khích các DN tuân thủ tốt pháp luật.
Có lẽ đây cũng là cách thức giúp các DN Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh vấn đề cấp phép, nhiều vấn đề khác mà các DN Việt Nam cũng quan tâm hiện nay là phí cấp phép có lớn quá không?; hay ai chịu trách nhiệm cấp phép và các văn phòng cấp phép đặt ở đâu, có tiện lợi cho DN không?
Theo nhận định của ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng, việc cấp phép chắc chắn sẽ khiến chi phí của DN tăng lên bởi ngoài thủ tục, hồ sơ cấp phép (phải mất phí), thì DN cũng phải trả giá cao hơn để có được nguồn gỗ hoàn toàn hợp pháp.
Tuy nhiên, khi có “giấy thông hành” này thì một mặt, gỗ nhập khẩu vào EU sẽ tránh được các rủi ro như nguy cơ quay trở lại vì nghi ngờ không hợp pháp và phải giải trình, mặt khác giá sẽ tốt hơn cũng như sẽ được nhiều nhà nhập khẩu gỗ quan tâm hơn.
Do đó theo ông Diễn, về tổng thể, dù chí phí tăng lên, nhưng DN Việt Nam lại bán được giá cao hơn, nhiều đối tác để xuất khẩu hơn, hình ảnh thương hiệu cũng tốt hơn nên lợi ích mang lại cho DN sẽ nhiều hơn.
Để tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu gỗ, ông Diễn cho rằng các cơ sở cấp phép hoặc cần bố trí ở nhiều nơi, hoặc ít nhất phải xây dựng được hệ thống công nghệ tốt để DN có thể xin cấp phép trực tuyến, nhờ đó giảm thiểu ách tắc và chi phí cho DN. Bên cạnh đó, các thủ tục, hồ sơ cần được đơn giản hóa ở mức tối thiểu, và các DN cần được hướng dẫn đầy đủ để các công việc liên quan được giải quyết nhanh nhất.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
