Lãi suất toàn cầu "cao hơn trong thời gian dài hơn"
RBA cần thêm thời gian để đánh giá hiệu ứng chính sách Fed giữ nguyên lãi suất, phát tín hiệu lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn |
Đồng nhất quan điểm
Lãi suất có thể "cao hơn trong thời gian dài hơn" hiện là quan điểm chính thức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), NHTW Châu Âu (ECB), NHTW Anh (BOE), cũng như nhiều NHTW khác trên toàn thế giới.
Được cho là phản ứng khá chậm chạp, các NHTW tại các nền kinh tế tiên tiến đã phát động chiến dịch tăng lãi suất nhanh và mạnh chưa từng có trong lịch sử để chống lại lạm phát. Hiện lạm phát tại nhiều nền kinh tế phát triển đã giảm khá mạnh từ mức cao nhất trong nhiều thập kỷ vào giữa năm ngoái, tuy nhiên nó vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà các NHTW cho là lành mạnh. Chẳng hạn lạm phát tháng 8 tại Mỹ là 3,7%, còn tại khu vực đồng tiền chung euro là 5,2%.
Vì vậy nhiệm vụ của các NHTW là thuyết phục thị trường tài chính rằng họ vẫn chưa thể kết thúc cuộc chiến chống lạm phát của mình bằng cách sớm cắt giảm lãi suất.
“Chúng tôi sẽ cần giữ lãi suất đủ cao trong thời gian đủ lâu để đảm bảo rằng chúng tôi hoàn thành công việc”, Thống đốc BOE Andrew Bailey cho biết hôm 21/9 sau khi cơ quan này quyết định giữ lãi suất ở mức 5,25%.
![]() |
Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản |
Trước đó một ngày, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng đã đưa ra thông điệp tương tự. Theo đó, mặc dù vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% -5,50% sau khi kết thúc cuộc họp diễn ra trong hai ngày 19-20/9, nhưng Fed nhấn mạnh rằng họ sẽ vẫn cứng rắn trong cuộc chiến lạm phát mà họ thấy sẽ kéo dài đến năm 2026.
Thậm chí Chủ tịch ECB Christine Lagarde mới đây còn cho rằng, không thể loại trừ khả năng tăng thêm lãi suất. Các NHTW của Na Uy và Thụy Điển cũng phát đi tín hiệu rằng họ có thể tăng lãi suất trở lại, trong khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng đưa ra triển vọng tăng lãi suất hơn nữa mặc dù lạm phát tại nước này đã giảm về còn 1,6%.
NHTW Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận xu hướng diều hâu của mình; trong khi NHTW Nam Phi, dù giữ nguyên lãi suất trong tháng 9, nhưng các nhà hoạch định chính sách cho rằng vẫn tiếp tục có rủi ro đối với triển vọng lạm phát.
Lãi suất đã đạt đỉnh?
Pierre Wunsch - Thống đốc NHTW Bỉ và thành viên hội đồng quản trị ECB, người đã kêu gọi hành động cứng rắn hơn của NHTW để chống lạm phát từ cuối năm 2021, cho biết hôm 21/9 rằng chính sách tiền tệ hiện đã ở mức phù hợp. “Tôi tin rằng tại một số thời điểm, chúng tôi đã tụt lại phía sau và chúng tôi phải bắt kịp. Nhưng điều đó đã kết thúc. Chúng tôi đã bắt kịp được”, Wunsch nói với Diễn đàn Thị trường Toàn cầu của Reuters.
Đặc biệt, với việc Mỹ và Châu Âu đều đã tránh được nguy cơ suy thoái, viễn cảnh hấp dẫn về một cuộc “hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế toàn cầu đang dần xuất hiện trở lại, phần lớn nhờ vào thị trường lao động sôi động bất thường. Các nhà hoạch định chính sách thừa nhận họ vẫn chưa thống nhất được lời giải thích cho vấn đề này. Một số gợi ý rằng các công ty đang lo lắng tránh lặp lại tình trạng thiếu lao động mà họ phải gánh chịu khi nền kinh tế toàn cầu khởi sắc vào năm 2021 sau lệnh phong tỏa do Covid và tình trạng "tích trữ lao động" cũng vậy.
Tuy nhiên Thống đốc NHTW Nhật Bản Kazuo Ueda cảnh báo vẫn nhiều rủi ro đối với việc hạ cành mềm. “Chúng tôi đã thấy hy vọng ngày càng tăng về một cuộc hạ cánh mềm của Mỹ. Nhưng vẫn chưa chắc chắn về việc liệu điều đó có thực sự xảy ra hay không”, ông nói.
Một số người cho rằng đây là lý do tại sao trong các thông điệp gần đây, Fed không còn đề cập về khả năng tăng lãi suất thêm trong năm nay.
“(Chủ tịch Fed Hoa Kỳ Jerome) Powell không cam kết và thậm chí còn hơi ôn hòa về một đợt tăng lãi suất khác vào năm 2023, đó là quyết định thực tế ngay bây giờ”, Phó Chủ tịch Evercore ISI Krishna Guha cho biết. “Đây là Fed nhìn thấy cơ hội cho một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng và sẽ cố gắng không làm hỏng nó”.
Thậm chí các nhà đầu tư vẫn hoài nghi về việc quan điểm duy trì lãi suất "cao hơn trong thời gian dài hơn" của các NHTW do những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc và những bất ổn địa chính trị, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
“Vào thời điểm này năm sau, chúng tôi dự đoán rằng 21 trong số 30 NHTW lớn trên thế giới sẽ cắt giảm lãi suất”, Capital Economics viết trong một bài báo cáo có tựa đề “Một điểm bùng phát cho chính sách tiền tệ toàn cầu”.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
