Lại “nóng” vấn nạn giả nhãn hiệu, thương hiệu
Đơn cử, là một trong những thương hiệu rất được ưa chuộng trên thị trường Việt Nam nhiều năm qua, máy tính Casio được phân phối trên cả nước. Thế nên, đây cũng là sản phẩm bị làm giả, làm nhái khá nhiều một cách rất tinh vi, rất khó phát hiện bằng mắt thường. Ví dụ, thay vì tên thương hiệu đầy đủ “CASIO” in trên vỏ bao bì, các đối tượng sản xuất hàng giả, nhái sử dụng tên "CASID".
Ông Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BITEX Group chia sẻ, nhiều năm qua BITEX là đơn vị phân phối chính hãng của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam, đặc biệt là thành công trong việc phát triển và phân phối thương hiệu máy tính Casio.
![]() |
Thời gian qua, BITEX tích cực tham gia đấu tranh chống hàng giả nhãn hiệu |
Ông cho biết, hơn 10 năm qua BITEX đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý nhiều đơn vị, đối tượng kinh doanh hàng giả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng các dấu hiệu nhận biết hàng giả; tổ chức và tham gia nhiều gian hàng trưng bày hàng thật - hàng giả giúp người tiêu dùng có thể phân biệt và nhận biết được hàng chính hãng.
Trong thời gian qua, BITEX cũng đã phát triển thành công ứng dụng BITEX bảo hành Casio chính hãng cho người tiêu dùng. Nhờ đó, nếu là hàng chính hãng, khách hàng sẽ được kích hoạt bảo hành ngay trên đó. Thời gian tới, BITEX tiếp tục đồng hành cùng lực lượng chức năng nói riêng và của lực lượng QLTT nói chung phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.
Theo Cục QLTT Hà Nội, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mang lại lợi nhuận lớn. Vì vậy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế sẵn sàng làm nhái những hàng hóa có thương hiệu để trục lợi.
Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ với các quy mô khác nhau. Mới đây, Đội QLTT số 14 phối hợp với Đội 7 - PC03 - Công an TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra 3 điểm tập kết hàng hóa tại xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội và tạm giữ hàng nghìn bộ sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Kin Long. Tại điểm tập kết hàng hóa, đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ 1.868 bộ tay nắm cửa đi (1 bộ 2 chiếc); 208 chiếc thân khóa đa điểm cửa đi; 1.660 chiếc thân khóa đơn điểm cửa đi; 1.660 chiếc miệng khóa cửa đi một cánh; 208 chiếc miệng khóa cửa đi hai cánh; 400 chiếc lõi khóa một đầu chìa; 70 chiếc lõi khóa hai đầu chìa; 780 chiếc bản lề HC 400A-12... Toàn bộ số hàng hóa bị phát hiện có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Công ty TNHH Kin Long Việt Nam.
Tương tự, ngày 27/6/2022, Đội QLTT số 20 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an huyện Phúc Thọ kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo Giáp Hằng tại địa chỉ cụm 8, Tam Hiệp Phúc Thọ, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang bày bán 1.509 chiếc áo chống nắng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Lascote đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ngoài ra, chủ cơ sở còn đặt mua 1.494 chiếc áo chống nắng nhãn hiệu Louis Vuitton, 1.012 chiếc áo chống nắng mang nhãn hiệu Adidas...
Có thể thấy, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở khắp nơi và với hầu hết thương hiệu uy tín. Theo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cùng với đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và kinh doanh trái phép, Ban Chỉ đạo 389 đã cùng các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý các đối tượng. Riêng trong tháng 5/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã kiểm tra 1.939 vụ; xử lý 1.636 vụ; khởi tố 11 vụ đối với 13 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu là 211 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 50 vụ, gian lận thương mại 1.375 vụ. Tổng số thu nộp Ngân sách Nhà nước 202,88 tỷ đồng.
Trong 6 tháng cuối năm, dự báo tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả nhãn hiệu, hàng nhái sẽ tăng mạnh, cần phải có những giải pháp quyết liệt. Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 thành phố luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị; chỉ đạo các sở, ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí để thực hiện tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó, các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài truyền hình của Trung ương và thành phố và một số cơ quan báo chí khác thực hiện tuyên truyền nhằm kịp thời phản ánh kết quả, hoạt động đấu tranh của các cơ quan chức năng; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để người dân cảnh giác, chung tay đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức để phân biệt hàng thật, hàng giả nhằm tránh tiền mất tật mang.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
