Kỳ vọng sớm có “bình thường mới”
![]() |
Ông Hong Sun |
Đây là quan điểm được ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) đưa ra trao đổi với Thời báo Ngân hàng.
Ông có thể cho biết khó khăn của các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện nay thế nào?
Tình hình đang rất khó khăn, nhất là về việc làm sao để duy trì được sản xuất và lưu thông, đi lại để đáp ứng được các đơn hàng cũng như không bị mất các đơn hàng mới. Hiện có khoảng hơn 45% doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở trong Nam và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tập trung nhiều vào sản xuất hàng dệt may, túi xách và giày dép, phục vụ cho nhiều khách hàng lớn là các nhãn hiệu thời trang và thể thao lớn trên toàn cầu. Bên cạnh đó, vấn đề các tập đoàn lớn thường liên quan rất chặt chẽ với các doanh nghiệp phụ trợ cấp một, cấp hai, cấp ba nên chỉ cần một vài doanh nghiệp trong hệ thống bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.
Điều này hết sức nguy hiểm cho hệ thống chuỗi giá trị toàn cầu. Ước tính sơ bộ thì đến thời điểm tháng 8, các doanh nghiệp đã mất khoảng 30% đơn đặt hàng so với những năm bình thường. Trong đó một phần vì các doanh nghiệp chưa hoặc không dám nhận đơn hàng của khách hàng khi chưa biết kế hoạch và khả năng sản xuất thời gian tới thế nào. Còn mô hình sản xuất như “3 tại chỗ” cũng không thể nào phát huy được 100% công suất và nguồn nhân lực nên cũng ảnh hưởng đến vấn đề đáp ứng đơn hàng...
Cho đến đầu tháng 7, Việt Nam vẫn đang có những điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu, nhưng giờ do dịch và các biện pháp giãn cách để kiểm soát dịch khiến ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Mô hình “3 tại chỗ” cũng không thích hợp trong thời gian dài, cả về chi phí và các nguồn lực khác của doanh nghiệp cũng như tâm lý người lao động, nên đây cũng là một trong những vấn đề mà Chính phủ đang rất đau đầu lúc này.
Nên về thách thức thời gian tới, tôi cho rằng lớn nhất là nguy cơ phục hồi lại sản xuất sẽ mất nhiều thời gian bởi nguy cơ thiếu hụt lao động, xây dựng kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp với lộ trình mở cửa trở lại và quan trọng nữa là đơn hàng. Vì đơn đặt hàng của khách hàng không phải cứ muốn là có ngay trở lại được, còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như thời vụ, khả năng đáp ứng trong tương lai…
![]() |
Đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin để doanh nghiệp yên tâm sản xuất |
Vậy theo ông, mô hình cho hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kết thúc giãn cách là gì?
Cái này chắc cần sự linh hoạt chứ khó có mô hình nào chung được. Tuy nhiên, học hỏi theo những nền kinh tế đã đi trước Việt Nam trong khu vực như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc… về mở cửa dần trở lại nền kinh tế là điều nên làm. Nhiều nước bắt đầu thay đổi chiến lược từ loại bỏ Covid sang “sống chung”, “sống cùng” Covid với miễn dịch cộng đồng nhờ vắc xin và các biện pháp khác để phòng ngừa, giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Vì thế, chúng tôi rất hy vọng là tình trạng Covid ở Việt Nam sẽ được kiểm soát ổn định trong thời gian sớm, cùng với đó tiêm vắc xin được đẩy lên nhanh và hiệu quả hơn để một thời gian nữa Việt Nam có được trạng thái bình thường mới, xác định “sống chung” nhưng an toàn với Corona chứ khó có thể loại bỏ được hoàn toàn.
Trong bối cảnh nguồn vắc xin còn thiếu hụt hiện nay, tôi cho rằng các doanh nghiệp và người lao động liên quan đến chuỗi giá trị cần được tiêm đủ 2 liều để sớm khôi phục lại sản xuất về gần như ở mức bình thường trên cơ sở chấp hành đầy đủ nguyên tắc 5K và các biện pháp phòng dịch khác.
Tiêm đủ vắc xin thì mô hình sản xuất sẽ linh hoạt hơn, người lao động yên tâm làm việc, còn doanh nghiệp cũng yên tâm có kế hoạch duy trì và tìm kiếm các đơn hàng. Bởi điều chúng ta e ngại nhất là sức khỏe, tính mạng con người và sự quá tải của hệ thống y tế nếu các ca nhiễm chuyển nặng. Nhưng nhờ tiêm đủ vắc xin nên những nguy cơ như vậy từ các doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị sẽ được giảm thiểu.
Nhưng có tâm lý về việc chọn lựa vắc xin không, thưa ông?
Chúng tôi không có phân biệt hay lựa chọn vắc xin. Bất cứ vắc xin nào mà Chính phủ Việt Nam đã cho phép đưa vào tiêm và WHO đã công nhận thì người ta sẽ tiêm. Chỉ có một vấn đề ở đây là nếu có các loại vắc xin mà WHO chưa công nhận thì có thể người Hàn Quốc tại đây sẽ không muốn tiêm. Lý do vì khi WHO chưa công nhận thì bên phía Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ chưa công nhận, mà như thế dù đã tiêm vắc xin ở đây rồi nhưng sau này muốn về thăm Hàn Quốc thì lại không được công nhận là đã được tiêm vắc xin, trong khi đây lại là yêu cầu bắt buộc của Chính phủ Hàn Quốc với công dân Hàn Quốc hiện nay để được đi lại thoải mái.
Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
