Kỷ niệm 40 năm Ban K: Tự hào một khúc tráng ca
![]() | Thư của Thống đốc gửi các cựu chuyên gia Ngân hàng Việt Nam sang giúp Ngân hàng Quốc gia Campuchia |
![]() | Tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia |
1979 - 1988 chỉ là một đoạn ngắn trong dòng chảy lịch sử của ngành Ngân hàng, nhưng ghi dấu ấn quan trọng: NHNN Việt Nam đã giúp Campuchia nhanh chóng xây dựng lại ngành Ngân hàng từ con số không. 40 năm đã qua, những cán bộ ngân hàng đi Campuchia ngày ấy giờ mái tóc đều đã pha sương, chân bước chậm hơn, nhưng ánh mắt, nụ cười vẫn rộn ràng, nhiệt huyết như tuổi đôi mươi khi họ gặp lại nhau, cùng lần giở nhiều kỷ vật và cả những ký ức “đi K” với ăm ắp kỷ niệm…
![]() |
Cùng thế hệ trẻ hôm nay ôn lại một giai đoạn lịch sử tự hào của ngành Ngân hàng |
Vì nhiệm vụ quốc tế cao cả
Với sự hỗ trợ của Việt Nam trên nhiều mặt trận, năm 1979 chế độ Polpot - Ieng Sary bị đập tan, giải phóng Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Về lý thuyết, chiến tranh đã kết thúc nhưng cuộc chiến mới - xây dựng lại đất nước Chùa Tháp từ hoang tàn, đổ nát đầy cam go, ác liệt bắt đầu. Đặc biệt, để khẳng định vị thế, chủ quyền cũng như củng cố sức mạnh của một nhà nước thì việc có một đồng tiền là yếu tố quan trọng nhất.
Trong bối cảnh vô vàn khó khăn, đồng Riel của Nhà nước Campuchia đã được phát hành năm 1980; hệ thống Ngân hàng Campuchia đi vào hoạt động an toàn, hiệu quả… Để có được kết quả đó là đóng góp, hy sinh rất lớn của nhiều lớp cán bộ ngành Ngân hàng Việt Nam. Bởi, dưới chế độ Polpot – Ieng Sary, các trụ sở ngân hàng, nhà kho bảo quản tiền từ Ngân hàng Trung ương đến các ngân hàng tỉnh, thành phố đều bị phá hủy.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về sự giúp đỡ đối với Campuchia, tháng 2/1979, Ban lãnh đạo NHNN Việt Nam đã cử đoàn chuyên gia sang giúp bạn xây dựng lại ngành Ngân hàng – những cán bộ “đi K”. Đoàn cán bộ đầu tiên sang Campuchia do ông Vũ Thiện, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Phát hành lưu thông tiền tệ, làm trưởng đoàn. Và liên tục trong 10 năm ngành Ngân hàng đã cử 311 cán bộ đang công tác và 219 học sinh trường Trung cấp Ngân hàng được NHNN điều động đi nhận nhiệm vụ đặc biệt: giúp nước CHND Campuchia xây dựng lại ngành Ngân hàng Campuchia.
![]() |
Thư khen của Chủ tịch NH Quốc gia nhân dân Campuchia Cha Rieng gửi cán bộ ngân hàng Việt Nam |
Đợt đầu tiên có 8 cán bộ ngân hàng sang; 3 tháng sau có thêm 56 người sang giúp bạn nhưng phía Campuchia khó khăn đến mức chỉ bố trí được 4 cán bộ để cùng chuyên gia Việt Nam chuẩn bị cho công cuộc hồi sinh ngành Ngân hàng Campuchia. Chuẩn bị cho nhiệm vụ hỗ trợ bạn phát hành tiền, NHNN Việt Nam đã cử họa sĩ vẽ tiền có kinh nghiệm sang giúp Campuchia vẽ mẫu tiền.
Nhớ lại ngày đó, ông Trần Tiến, nguyên cán bộ Cục Phát hành kho quỹ NHNN Việt Nam cho biết: Để lấy mẫu vẽ tiền chúng tôi phải trực tiếp đi thực địa. Lúc đó tàn quân Polpot vẫn còn hoạt động nên việc ra ngoài trụ sở rất nguy hiểm. Kế hoạch di chuyển thường được giữ bí mật.
“Tôi còn nhớ để vẽ mẫu cho tờ 100 Riel chúng tôi định đi rừng cao su ở Kông Phông Chàm. Hẹn hôm sau đi, nhưng chiều hôm trước chúng tôi được tin 6 chuyên gia Liên Xô dự kiến sẽ đi cùng đoàn cán bộ Việt Nam đã bị quân Polpot tập kích, giết hại...”, ông Tiến trầm ngâm hồi tưởng.
Tháng 3/1979, bẩy mẫu tiền có hoa văn đậm nét truyền thống của đất nước Chùa Tháp được gấp rút hoàn thành. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, tháng 10/1979 những đồng Riel mới được in và bí mật vận chuyển từ Matxcơva sang PhnomPenh. Việc khó khăn và nguy hiểm hơn lúc này là đưa tiền về các tỉnh, huyện một cách an toàn, bí mật.
![]() |
Một mẫu đồng Riel thời kỳ đầu |
Bà Bùi Thị Bích Liên, một trong số hơn 200 học sinh lúc đó vừa mới tốt nghiệp trường Trung cấp Ngân hàng Việt Nam sang Campuchia năm 1979 cho biết: lúc đó người dân Campuchia không có tiền mà trao đổi bằng hàng hóa, lấy gạo là vật ngang giá. Và chúng tôi được biết, cán bộ Việt Nam ở Campuchia “được” Pol Pot treo thưởng: nếu bắt được hay chỉ điểm sẽ được mấy bao gạo!
Vì thế, có thể nói việc in và phát hành đồng Riel giúp bạn là thắng lợi đầu tiên của NHNN Việt Nam trong việc giúp Campuchia xây dựng lại ngành Ngân hàng.
Giúp bạn có thể trụ vững bằng thực lực
Đồng Riel được phát hành đã giúp Nhà nước Campuchia có công cụ đắc lực để bạn khôi phục phát triển sản xuất, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và lưu thông tiền tệ. Sau khi giúp bạn phát hành tiền, Việt Nam lại cử cán bộ và công nhân sang giúp Campuchia tu bổ, xây dựng trụ sở làm việc, kho tàng…
Cán bộ ngân hàng Việt Nam đã xây dựng các chế độ tài chính, kế toán, thanh toán, tín dụng… giúp bạn theo ba giai đoạn: giai đoạn đầu là “cầm tay chỉ việc” đồng thời chúng ta đào tạo đội ngũ cán bộ giúp bạn; Giai đoạn tiếp theo là cán bộ của ta cùng làm với bạn vì vẫn còn nghiệp vụ bạn chưa làm được, đồng thời tiếp tục mở rộng đào tạo cán bộ giúp bạn; Và tiếp theo bạn làm, chúng ta hỗ trợ, tư vấn là chủ yếu.
Với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia ngân hàng Việt Nam, từ con số 0, đến tháng 3/1980, Đảng và Nhà nước Campuchia đã xây dựng được hệ thống tổ chức của Ngân hàng Quốc gia Campuchia ở cấp Trung ương và tỉnh, thành phố; thành lập Ngân hàng Ngoại thương… Từ chỗ không có cả đồng nội tệ, hoạt động ngân hàng của bạn không chỉ đảm bảo thu chi ngân sách mà có cả hoạt động tín dụng.
Đến năm 1986, Ngân hàng Ngoại thương của bạn đã có doanh số hoạt động ngoại tệ tới hàng triệu đôla hàng năm; có quan hệ thanh toán và đại lý với hàng chục nước đang phát triển. Từ chỗ sản xuất chỉ mang tính tự cung, tự cấp người dân đã tiếp cận vốn vay ngân hàng... Vì tàn quân Polpot vẫn còn hoạt động nên các cán bộ ngân hàng Việt Nam vừa hỗ trợ chuyên môn, vừa phải trực tiếp chiến đấu. Đã có ba cán bộ ngân hàng Việt Nam hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ trên đất nước Campuchia.
![]() |
Những bức hình hiếm hoi cán bộ ngân hàng trên đất nước Campuchia năm xưa |
Sau nạn diệt chủng đất nước Campuchia không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất mà cả con người, nhất là người có năng lực, trình độ càng không có. Do đó, cùng với trực tiếp làm việc giúp bạn, NHNN Việt Nam đặc biệt quan tâm giúp bạn về công tác đào tạo nguồn nhân lực. Chỉ cần là người biết chữ và dù bất đồng ngôn ngữ cán bộ ngân hàng Việt Nam đều tận tình hướng dẫn, chỉ bảo. Nhiều khóa đào tạo, cả sơ, trung cấp và đại học đã được triển khai trong thời gian đó. Ngoài đào tạo tại chỗ, rất nhiều cán bộ người Campuchia đã được đưa sang Việt Nam học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ để trở về phục vụ đất nước mình…
Nhờ đó, từ 4 cán bộ cốt cán bạn giới thiệu năm 1979, đến năm 1981 số cán bộ ngân hàng của Campuchia đã lên đến 880 người; và đến năm 1988 đã lên đến hàng nghìn người…
Ông Lê Đình Lương - nguyên Giám đốc Công ty Vật tư ngân hàng, nguyên chuyên gia ngân hàng tại Ngân hàng Quốc gia Campuchia, Phnom Penh (9/1980 - 11/1984) Xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng Tôi sang Campuchia với danh nghĩa là chuyên gia kế toán, đầu tiên là chuyên gia ngắn hạn, sau chuyển quyết định từ ngắn hạn thành dài hạn. Đó là thời kỳ bắt đầu nghiên cứu tình hình thực tế để làm sao vận dụng xây dựng và phát triển ngân hàng cho bạn cho phù hợp, kịp thời. Chúng tôi sang lúc đó đoàn chuyên gia trung ương khá đông, gần đủ hết các chuyên gia của các mặt nghiệp vụ, cùng với 02 phiên dịch. Ngoài nhiệm vụ ở trung ương là dự thảo văn bản, chế độ thông qua phiên dịch dịch ban hành để huấn luyện nghiệp vụ cho bạn, thì một trong những cái vất vả và hiểm nguy khi anh em cán bộ chúng tôi định kỳ xuống công tác cơ sở, hay các anh em ở địa phương di chuyển lên trung ương. Khi chúng tôi về công tác địa phương, khi đi phải thống nhất đi làm việc với tỉnh A thì phải lấy số liệu, lấy tình hình của 4 - 5 tỉnh để đánh lạc hướng. Khi đi tuyệt đối không nói đi đâu trước, đi đâu sau, và tất cả cán bộ đều phải có trang bị vũ khí. An toàn và bí mật là yếu tố hàng đầu. Với anh em chuyên gia ở dưới cơ sở lên trung ương, trong đó đặc biệt là 4 tỉnh miền núi, chúng tôi có bàn bạc với nhau là đi sẽ kết hợp với điều động kho phát hành để di chuyển bằng máy bay, giúp anh em đi an toàn hơn. Chuẩn bị cho phát hành tiền là giai đoạn vất vả nhất về mặt quân số, sức lực làm việc, và phải đề phòng tập kết lộ bí mật. Khi tiếp xúc làm việc với bạn, từ “i tờ” cho tới khi họ hiểu được nghiệp vụ là cả quá trình không đơn giản. Đối với anh em chúng tôi, đây không chỉ là nghiệp vụ ngân hàng đơn thuần, mà đều xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Bà Bùi Thị Bích Liên - nguyên cán bộ ngân hàng tại Ngân hàng Ngoại thương Campuchia, Phnom Penh (11/1979 - 11/1980) Nhà nước đã giao nhiệm vụ, đi đâu là đi đó Tôi còn nhớ hệ thống cán bộ chuyên gia ngân hàng sang giúp Campuchia thời kỳ đó gồm một phần là các chú lớn tuổi sang với vai trò là chuyên gia, phần còn lại lớp học sinh trường ngân hàng như tôi sau khi tốt nghiệp xong sang giúp bạn từ khâu chuẩn bị ban đầu tới khi phát hành tiền. Khoá tôi sang năm đó tổng số hơn 200 người, rải rác từ 10/1979 đến hết tháng 3/1980. Tháng 7/1979 chúng tôi đã phải học hết các nghiệp vụ để sang hướng dẫn cho bạn, kể cả học tiếng Campuchia. Yêu cầu là phải đọc, viết và nói khá thành thạo. Sau khi phát hành tiền xong thì cả khoá tôi năm đó về nước, phía Ngân hàng Ngoại thương Campuchia cần một người để giúp cùng đồng chí trưởng đoàn, và tôi là người ở lại. Từ lúc sang cho tới tháng 3/1980 gần như không có một cọng rau nào, nên chúng tôi thường “sáng kiến” mang sữa được phát ra chợ đổi lấy cá. Chúng tôi chặt thân chuối rồi thái ra, nấu lên thay rau. Điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Mỗi tháng tôi bị ít nhất một lần sốt xuất huyết vì muỗi nhiều lắm, đến mức nếu không phải đi làm thì cứ mắc màn ngồi trong đó, không dám ra ngoài. Khi đó, chúng tôi chỉ là những cô gái mới có 19 - 20 tuổi, lại lần đầu tiên xa quê hương, xa gia đình, chỉ biết ngày đi chứ không được nói khi nào có thể về nên tâm lý chung là rất quyến luyến. Ngay kể cả việc được gặp gia đình trước khi sang Campuchia cũng không phải ai cũng có cơ hội, vì đó là nhiệm vụ bí mật. Nhưng lúc đó chúng tôi đều xác định nhà nước đã giao nhiệm vụ, thì đi đâu cũng đi.
Ông Nguyễn Trọng Tăng - cựu chuyên gia ngân hàng tại tỉnh Kandal Campuchia (5/1979 - 6/1984) Chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn nguy hiểm Ngày 6/9/1979 đoàn chúng tôi lên đường sang Campuchia, tận mắt chứng kiến cảnh đổ nát, hoang tàn của đất nước Chùa Tháp; thấy cảnh người dân đói khổ tìm về quê quán sau những ngày chạy trốn Polpot… Chúng tôi xác định giúp bạn cũng là tự giúp mình nên phải khắc phục mọi khó khăn, gian khổ. Tại tỉnh Kandal lúc đó chưa có chi nhánh ngân hàng nên ngay khi đến chúng tôi bắt tay vào việc tìm địa điểm đặt trụ sở, đảm bảo kho tiền kiên cố có thể chống chịu được đạn B40; đồng thời chọn người để đào tạo làm cán bộ ngân hàng khi đưa chi nhánh vào hoạt động. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Việt Nam, tháng 3/1980 chi nhánh ngân hàng các tỉnh mở cửa hoạt động, phát hành đồng Riel - đồng tiền của chính quyền cách mạng Campuchia. Đồng Riel ra đời giúp bạn vững vàng về chính trị, kinh tế, được nhân dân nhanh chóng chấp nhận là phương tiện trao đổi hàng hóa trên thị trường, thay vì phải dùng gạo là vật ngang giá để trao đổi như trước đó. Trải qua nhiều khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ bạn phát hành tiền tháng 6/1980, 44 người trong đoàn chúng tôi về nước, chỉ còn lại 10 người, trong đó có tôi. Ngay khi bắt đầu mùa khô năm 1980 NHTW bạn triển khai việc cho vay đánh bắt cá và khôi phục một số nghề thủ công truyền thống như dệt, làm đường thốt nốt, chế biến gỗ… Chúng tôi tập trung sức giúp bạn triển khai các nghiệp vụ cho vay; cùng cán bộ của bạn đi tìm hiểu thực tế ở các huyện, xã để tính toán hạn mức cho vay phù hợp; đảm bảo cho việc thu hồi vốn cho vay sau này. Tình hình an ninh lúc đó ở Campuchia khá phức tạp nên những chuyến đi thực tế rất nguy hiểm. Chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn để triển khai cho vay. Có vốn đầu tư, diện tích gieo trồng được người dân mở rộng theo từng vụ mùa, hoạt động kinh doanh cũng sôi động lên. Tôi đã ở lại giúp bạn đến cuối năm 1984 mới về nước. Từ hoang tàn đổ nát, đến năm 1983 - 1984 thị trường ở thành phố PhnomPenh, Kông Pông Som, Bát Tam Băng, Siêm Riệp… đã sầm uất không kém gì Sài Gòn của Việt Nam lúc bấy giờ. |
Tin liên quan
Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược
