“Kỷ nguyên vàng” của nước Đức
Nếu không có bất ngờ lớn, Thủ tướng đương nhiệm Merkel sẽ tiếp tục được bầu nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp và điều này sẽ giúp bà Merkel trở thành một trong số ít những nhà lãnh đạo Đức (cùng với Helmut Kohl và Konrad Adenauer) kéo dài bốn nhiệm kỳ liên tục.
![]() |
Thủ tướng Đức Angela Merkel |
12 năm “vững tay lái”
Câu hỏi được đặt ra là làm sao có thể kéo dài nhiệm kỳ lâu như vậy trong một thế giới luôn có sự biến động khôn lường? Thực tế, ngay khi nhậm chức vào nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Merkel đã phải đối phó với một loạt vấn đề nan giải.
Từ đầu những năm 2000, nước Đức đã phải đối phó với nhiều khó khăn khi tỷ lệ thất nghiệp cao và nền kinh tế này có tỷ lệ thâm hụt công đáng lo ngại. Ngoài ra, sự “tỉnh giấc” của Liên bang Nga, vốn làm phức tạp mối quan hệ của Moskva với các nước châu Âu, cũng khiến chính phủ của bà Merkel khá đau đầu, trong khi vẫn phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 mà theo đánh giá thì đây là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của châu Âu và đã đe dọa sự tồn vong của đồng euro.
Những khó khăn tiếp theo trong giai đoạn Thủ tướng Đức Merkel cầm quyền phải kể tới sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy trên khắp thế giới và nhất là tại châu Âu, trong khi nước Anh đã quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Sau 12 năm, thời kỳ quyền lực của bà Merkel chủ yếu được xác định không chỉ qua những thành tựu đã diễn ra ở Đức, mà rộng hơn là châu Âu và trên toàn cầu.
Tình hình kinh tế Đức đã thay đổi rất lớn so với năm 2005. Vào năm 2016, tất cả những chỉ số kinh tế Đức đều khả quan, với việc đạt thặng dư thương mại kỷ lục vào năm 2016. Với trên 297 tỷ USD, Đức đã vượt kỷ lục thặng dư của Trung Quốc vào năm 2015 và con số thặng dư này chiếm 8,5% GDP của Đức.
Một yếu tố khác thêm vào bảng thành tích của bà Merkel đó là sự phục hồi chi tiêu tiêu dùng. Từ lâu, đây chính là một trong những yếu kém của nền kinh tế Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Yếu kém này giải thích nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm GDP vào năm 2009, cao hơn cả Mỹ và Pháp trong cùng kỳ.
Nhờ vào sự phục hồi tài chính công, sau đó thặng dư ngân sách kể từ năm 2014, đã hỗ trợ rất lớn cho tiêu dùng của Đức. Nước này đã chi tiền cho các chương trình về sự hội nhập của người tị nạn vào năm 2015, 2016 và còn áp đặt một mức lương tối thiểu vào tháng 1/2015.
Kết quả là không chỉ tiêu dùng trong nước được phục hồi trong nhiệm kỳ này của bà Merkel, mà tăng trưởng GDP cũng chắc chắn. Sau khi GDP sụt giảm hơn 5% vào năm 2009 do cuộc khủng hoảng tài chính, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Đức đã vượt 3,5% vào năm 2010 và năm 2011 trước khi duy trì ổn định khoảng 0,5% vào năm 2012 và 2013, rồi vượt lên 1,5% vào 2014. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức hiện chỉ ở mức 4,3%, so với mức 11% ở thời điểm bà Merkel bắt đầu lên nắm quyền.
Dưới thời của bà Merkel, nước Đức đã không phải chịu đựng những khó khăn kinh tế, chủ nghĩa cực đoan chính trị được kiểm soát tốt... Bất chấp Brexit, EU đa phần vẫn nguyên vẹn, đồng tiền chung sau trải nghiệm suýt tan vỡ vẫn tồn tại và hoạt động bình thường. Một cuộc chiến ở Đông Âu về quyền tự quyết của Ukraine không bị ngăn chặn song đa phần được kiềm chế. Nhờ xử lý cẩn trọng các vấn đề tị nạn, từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Mali, bà Merkel và EU đang kiểm soát tốt hơn vấn đề di cư, một thách thức nổi trội trong thế kỷ qua.
Thách thức thời gian tới
Khi bà Merkel quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ tư, ông Donald Trump vừa mới được bầu làm Tổng thống Mỹ, Brexit đang đe dọa phá vỡ EU, và bà Marine Le Pen có cơ hội tốt để giành được quyền lực ở nước Pháp rồi sau đó chấm dứt ý tưởng về một châu Âu thống nhất.
Đây thực sự là các cuộc khủng hoảng, cần phải có một cánh tay vững và nữ Thủ tướng quyết định rằng Đức, châu Âu và thế giới sẽ ổn hơn nếu có một sự ổn định nào đó theo kiểu Merkel. Rời bỏ quyền lực vào thời điểm quan trọng đó và để mặc sự bất ổn trong tương lai của Đức sẽ phủ “bóng đen” lên những thành tựu của bà Merkel. Để bảo vệ chúng, bà cần phải tiếp tục.
Lịch sử đã trả công cho bà bằng cách đưa tới Emmanuel Macron, người đã đắc cử Tổng thống Pháp và được bà coi là có khả năng cùng bà tạo nên một khu vực kinh tế châu Âu và đồng tiền chung ổn định và không thể đảo ngược, đủ mạnh để đảm bảo sự thịnh vượng ở lục địa này và ngăn chặn chính sách chống tự do thương mại của chính quyền ông Trump hay kiềm chế một Trung Quốc “hung hăng” ở phía Đông. Nếu tái đắc cử, ưu tiên hàng đầu của bà Merkel sẽ là một chương trình nghị sự EU mà bà muốn thực hiện cùng ông Macron.
Họ đã cam kết đầu tư mạnh vào các cấu trúc phòng thủ châu Âu, và các tiến trình cùng ra quyết định về chính sách đối ngoại. Họ cũng có thể hướng tới một ngân sách chung của khu vực đồng euro đủ mạnh đồng thời khuyến khích cải cách nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh kinh tế bên ngoài liên minh. Và cuối cùng họ muốn xây dựng các biện pháp an ninh cho khu vực đồng euro để ngăn đồng tiền này khỏi sụp đổ - như đã từng suýt xảy ra trong những năm khó khăn.
Song không cần bà Merkel phải tự đổi mới mình cho phù hợp với nhiệm vụ đó. Thay đổi các nguyên tắc của EU sẽ là một tiến trình chậm chạp và từ từ. Sau nhiều năm phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết và duy trì đoàn kết, bà Merkel rốt cuộc có thể có cơ hội trở thành một thủ tướng đóng vai trò kiến thiết.
Theo tờ Le Figaro, mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sức cạnh tranh cao là bí quyết thành công của Đức, kết quả của các cải cách được tiến hành từ 15 năm trước. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng Đức đang ở trong “những năm tháng tươi đẹp nhất”, nhưng đồng thời dự đoán tình hình sẽ khó khăn hơn trong 10 năm nữa. Cụ thể, kinh tế Đức vẫn tồn tại một số điểm yếu là đầu tư ít vào cơ sở hạ tầng giao thông, trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, hay những nhu cầu mới trong giáo dục.
Tình trạng dân số sụt giảm cũng là mối đe dọa đối với Đức trong tương lai. Đến năm 2025, dân số trong độ tuổi lao động của Đức sẽ giảm 2,5 triệu. Trong khi mặt trái thành công của Đức được xây dựng trên tình trạng bất bình đẳng gia tăng mạnh, với vụ bê bối gian lận khí thải của động cơ xe ô tô cho thấy “những khuyết tật của mô hình kinh doanh”. Tỷ lệ người nghèo gia tăng và số người dân có thu nhập thấp chiếm 20% trên tổng số người làm công ở Đức.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
