Kinh tế thị trường: Nhìn lại để bước tới
![]() |
Ông Đinh Tuấn Minh |
Nhìn nhận của ông về những kết quả từ khi Việt Nam theo đuổi nền KTTT định hướng XHCN cho đến nay?
Để nhìn một nền kinh tế có phải là nền KTTT hay không thì có ba tầng thể chế quan trọng cần xem xét: Một là bình diện hoạt động kinh tế nói chung (liên quan đến các vấn đề quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh; và môi trường kinh doanh - MTKD); Hai là vai trò của Nhà nước với thị trường, và ba là hệ thống để quản trị Nhà nước. Trong kinh tế học, tầng thứ nhất được gọi là các thể chế kinh tế. Tầng thứ hai và thứ ba được gọi chung là các thể chế chính trị.
Nếu nhìn cả quá trình chuyển dịch của Việt Nam sang KTTT từ những năm cuối 1980 đến nay thì theo đánh giá chung của tôi, về các thể chế kinh tế, chúng ta đã có những nét của KTTT tương đối nhiều. Tuy nhiên các thể chế chính trị thì sự chuyển dịch còn chậm.
![]() |
Về các thể chế kinh tế, chúng ta đã có những nét của KTTT tương đối nhiều |
Cụ thể những chuyển biến của các thể chế kinh tế theo KTTT đến nay thế nào?
Trước hết về quyền sở hữu tài sản, có thể nói từ Hiến pháp năm 1992 trở lại đây, chúng ta đã tôn trọng quyền sở hữu của người dân, tức là về cơ bản vấn đề quyền sở hữu đã tương đối đầy đủ theo các chuẩn mực trên thế giới đối với một nền KTTT. Chỉ còn vấn đề về sở hữu đất đai (đặc biệt là đất nông nghiệp) và sự chưa rõ ràng trong sở hữu toàn dân liên quan đến việc thực thi những quyền tài sản.
Sự không rõ ràng đôi khi dẫn đến tình trạng có những tài sản mà trên thực tế không biết thuộc quyền quản lý của ai nên có thể bị các cá nhân lạm dụng, hoặc đất nông nghiệp bị thu hồi một cách không công bằng đối với người nông dân để chuyển cho các DN sản xuất công nghiệp hoặc kinh doanh bất động sản.
Thứ hai là mình cũng đã có những bước tiến bộ trong việc mở rộng quyền kinh doanh, giao thương cho người dân. Đó là quá trình mở rộng dần dần và đến luật DN và luật đầu tư mới bây giờ thì đã cho người ta được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm (mà danh mục cấm kinh doanh đến nay nó đã giảm đi rất nhiều), tức là chúng ta đã chuyển từ “quyền đóng” trước đây sang “quyền mở”.
Nên trong vấn đề này thì có thể nói đã có những bước tiến tốt đến KTTT. Chỉ còn một vài hạn chế như một số thủ tục kinh doanh vẫn còn khá rắc rối, hay vẫn còn tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu hơn nếu so với các quốc gia khác.
Các hạn chế lớn nhất ở tầng thể chế kinh tế này có lẽ nằm ở phần về MTKD. Trong đó, một trong các hạn chế là những ưu đãi cho DNNN (tiếp cận vốn, đất đai…) khiến các DN tư nhân gặp khó khăn và không có cơ hội nhảy được vào trong những lĩnh vực mà DNNN độc quyền. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến trước đây nhưng đã có hướng giảm mạnh trong những năm gần đây.
Một vấn đề khác mà người ta hay nói tới gần đây là ưu đãi cho các DN FDI. Có thể điều này nằm trong chính sách thu hút FDI nhằm những mục đích khác nhưng xét về mặt MTKD thì điều đó có nghĩa rằng vẫn có những đối tượng DN được ưu đãi hơn các DN khác.
Một điểm khác liên quan đến MTKD là về giá cả. Mặc dù các quy định về giá đã giảm đi rất nhiều nhưng vẫn còn và cho thấy Nhà nước đâu đó vẫn can thiệp vào giá cả, thể hiện qua việc áp dụng giá trần - giá sàn với một số hàng hóa và dịch vụ. Hay một vấn đề nữa là quy định về xét xử cạnh tranh, dù chính sách cạnh tranh, luật cạnh tranh đã có nhưng chưa phát huy tác dụng…
Những vấn đề như vậy làm cho vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo một MTKD công bằng chưa tốt. Như vậy ở tầng các thể chế kinh tế, chúng ta cần tiếp tục làm rõ và hoàn thiện các vấn đề như sở hữu đất đai, thực thi những quyền tài sản công, can thiệp về giá, xét xử cạnh tranh, ưu đãi với các đối tượng DN nhất định...
Cùng với sự chuyển dịch sang KTTT của các thể chế kinh tế đó, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề tiền tệ và điều hành CSTT?
Tiền tệ là yếu tố quan trọng trong KTTT. Việc Nhà nước có đảm bảo một CSTT ổn định hay không sẽ góp phần tạo ra một môi trường công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế. Nhìn dưới góc độ đó, CSTT của chúng ta nói chung là cũng đã qua nhiều giai đoạn thay đổi.
Những năm gần đây, vai trò của NHNN trong việc đảm bảo một đồng tiền có độ ổn định và tin cậy cao, qua đó giúp giữ lạm phát thấp và các yếu tố vĩ mô khác ổn định đã được chú trọng hơn trước đây rất nhiều. Nhìn chung là mọi người đã ý thức được về vai trò của tiền tệ đối với lạm phát, ổn định KTVM, hay vai trò của NHNN trong việc đảm bảo các yếu tố như vậy thay vì cách hiểu tiền tệ đơn thuần là công cụ can thiệp vào nền kinh tế của Nhà nước kiểu như trước đây.
Vậy còn chuyển dịch về thể chế chính trị thì sao?
Nhìn chung là tiến khá chậm. Mặc dù xác định chuyển sang nền KTTT nhưng trong cả một quãng thời gian dài thì vẫn tồn tại tư duy cho rằng, Nhà nước phải can thiệp, phải tham gia trực tiếp vào điều hành mới tốt. Tư duy “gõ đầu” DN để DN phải đóng góp vào các chương trình kinh tế - xã hội của Nhà nước, thay vì họ đóng góp qua thị trường, qua hệ thống chính sách thuế - vẫn còn.
Tình trạng nhũng nhiễu DN hay quan hệ thân hữu, ban phát (DN quan hệ tốt thì khả năng tiếp cận sớm thông tin về chính sách, quy hoạch…) cũng vẫn còn. Và những thói quen ấy không chỉ hiện hữu ở việc thực thi chính sách mà còn thể hiện ở trên việc xây dựng các văn bản pháp luật. Như có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến các ngành là do DN, đặc biệt là các DNNN, trực tiếp tham gia soạn thảo.
Nhưng đến những năm gần đây, mọi người ngày càng nhận thấy cần phải tách bạch những vấn đề đó ra. Như chúng ta thấy Chính phủ đang nhấn rất mạnh vào thúc đẩy Nhà nước kiến tạo. Nhưng để như thế thì đặt ra yêu cầu là, một mặt cần thu gọn khu vực DNNN vào để Nhà nước không can thiệp trực tiếp nữa.
Mặt khác, Nhà nước sẽ quản lý DN, cá nhân trong nền kinh tế chủ yếu thông qua kiến tạo và duy trì luật chơi, thông qua chính sách thuế, nâng cao hiệu quả về thu thuế và giảm các loại phí đi. Phải chuyển từ phí sang thuế, chuyển từ phí sang giá để cho thị trường vận hành và giảm thiểu các kiểu nhũng nhiễu dưới mọi hình thức. Chúng ta đã bắt đầu thấy có những chuyển biến nhưng vẫn còn chậm.
Như vậy thì cần tập trung giải quyết những vướng mắc gì trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, một yếu tố tiên quyết để Nhà nước hỗ trợ hay kiến tạo cho nền KTTT thực sự phát triển là cần tách được phần tư pháp - hệ thống tòa án ra. Hệ thống tư pháp độc lập sẽ không chỉ giúp xét xử những vụ việc tranh chấp cụ thể, mà còn rà soát và ngăn chặn những quy định pháp luật được ban hành có vi phạm hiến pháp.
Bên cạnh vai trò “giám sát chính quy” của một hệ thống tư pháp độc lập thì cần thúc đẩy phát triển hệ thống “giám sát phi chính quy” là các tổ chức xã hội dân sự. Điều này sẽ giúp cho mọi người có thể giám sát được các hoạt động của Chính phủ, Nhà nước. Những tiến bộ về xã hội dân sự của mình trong thời gian qua đã có nhưng vẫn mang tính tự phát nên cần thúc đẩy mạnh hơn, mang tính tổ chức hơn, qua đó tạo sức ép giúp nâng cao vai trò trách nhiệm của Nhà nước đối với nền kinh tế và xã hội.
Ngoài ra, việc chúng ta tăng cường hội nhập cũng đã, đang và sẽ giúp chúng ta tiến đến các chuẩn mực chung của quốc tế nhanh hơn, từ đó tạo ra sức ép cải cách ở trong nước cũng như giúp giảm được các hoạt động can thiệp trực tiếp của Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác
