Kinh tế Pháp “ghi bàn” nhờ EURO 2016
Nhận định trên của ông Hollande được đưa ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo của Pháp đang chuẩn bị chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử tổng thống trong năm tới. Ông Hollande nhắc lại cam kết sẽ không tham gia ứng cử năm tới nếu tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp không được kiểm soát quanh mức 10%.
![]() |
Sân vận động Stade de France - nơi diễn ra trận khai mạc EURO 2016 |
Tiếp sức nhờ Euro 2016
Hiện tại, Chính phủ Pháp kỳ vọng Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016) sẽ tạo đà hồi phục nền kinh tế đang trì trệ của nước này, với khoản thu lên đến khoảng 1,3 tỷ euro. Theo nhà kinh tế Diego Iscaro của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Global Insight, giải vô địch bóng đá châu Âu 2016 diễn ra thành công sẽ giúp Pháp lấy lại hình ảnh của một điểm đến du lịch an toàn sau những vụ tấn công khủng bố đáng lo ngại hồi năm 2015.
Ước tính, EURO 2016 sẽ thu hút khoảng 2,5-3 triệu du khách, trong đó khoảng một triệu là các du khách nước ngoài, đến các thành phố của Pháp để xem các trận đấu. Dự đoán, các du khách sẽ chi tiêu trung bình khoảng 500 euro cho việc thuê nhà nghỉ, đi lại, ăn uống và mua đồ lưu niệm. Như vậy, nền kinh tế Pháp sẽ thu về hàng trăm triệu euro từ các du khách nước ngoài.
Một nghiên cứu của Trung tâm luật và kinh tế học thể thao (CDES) của Đại học Limoges cho hay EURO 2016 sẽ mang lại khoảng hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động ở Pháp. Theo một ước tính riêng, Euro 2016 cung cấp khoảng 26.000 việc làm mới, từ đó gián tiếp kích thích tăng trưởng kinh tế năm 2016 thêm 1,6 tỷ USD.
Chẳng nói đâu xa, ngay sau khi EURO 2016 chính thức khởi tranh, Pháp đón một tin vui về kinh tế khi EURO 2016 sắp vượt mọi kỷ lục về tài chính. Đầu tiên, phải kể đến khoản tiền lên tới gần 3 tỷ euro từ tiền bản quyền truyền hình, vé và quảng cáo trong sân. Trong khi đó, các nhà tài trợ cũng đem đến một khoản ngân sách khổng lồ lên tới 1 tỷ euro.
Trong khi đó, giới phân tích châu Âu đánh giá EURO 2016 sẽ góp phần giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của Pháp cũng như các nước châu Âu trong thời gian tới. Theo Công ty nghiên cứu GfK, các nhà hàng và khách sạn ở Đức kỳ vọng doanh thu của họ trong giải EURO 2016 sẽ tăng khoảng 2,5%.
Đáng chú ý là Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) dự kiến cũng thu được nhiều tiền hơn từ EURO 2016 với con số ước tính 2 tỷ euro (khoảng 2,2 tỷ USD), cao hơn mức 1,4 tỷ euro của EURO 2012. Theo ông Guy-Laurent Epstein, Giám đốc tiếp thị của UEFA, doanh số vé xem các trận đấu tại EURO 2016 đã lên tới khoảng 2,5 triệu, cao hơn một triệu so với EURO 2012.
UEFA đã thưởng cho 24 đội tham dự Vòng chung kết EURO 8 triệu euro (tương đương 6,7 triệu bảng). Số tiền thưởng cho các trận thắng ở vòng bảng là 1 triệu euro (khoảng 840 nghìn bảng), trong khi đó tiền thưởng cho trận hòa là 500.000 euro (420.000 bảng). Các đội lọt vào vòng 1/8 sẽ được thưởng thêm 1,5 triệu euro (khoảng 1,2 triệu bảng).
Số tiền thưởng cho việc lọt vào Tứ kết là 2,5 triệu euro (khoảng 2,1 triệu bảng). Đội nào vào Bán kết sẽ được thưởng thêm 4 triệu euro (khoảng 3,3 triệu bảng). Đội vô địch EURO 2016 sẽ nhận thêm 8 triệu euro tiền thưởng (6,7 triệu bảng), trong khi đội Á quân nhận 5 triệu euro (4,2 triệu bảng).
Hiện trạng kinh tế
Số liệu thống kê mới đây nhất cho thấy kinh tế nước Pháp đã tăng trưởng 0,5% trong quý I/2016, cao hơn dự báo của các chuyên gia, nhờ các hộ gia đình tăng chi tiêu. Số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) mới công bố cho hay tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2016 dự kiến đạt 1,6 % sau khi đã tăng 1,2% năm 2015. Con số này cao hơn chút ít mục tiêu (tăng 1,5%) do Chính phủ Pháp đặt ra.
Trong làn sóng biểu tình và đình công diễn ra nhiều tháng qua, nền kinh tế Pháp gặp thêm khó khăn khi nguy cơ khủng bố vẫn chưa hết. Những cuộc biểu tình bạo động đem đến một hình ảnh không đẹp về nước Pháp khiến các nhà đầu tư nước ngoài càng ngày càng dè dặt hơn. Các nhà quản lý trong ngành du lịch ở Paris cũng đã bày tỏ quan ngại tình hình đó sẽ cản trở du khách đến một trong những địa điểm du lịch hàng đầu thế giới này.
Trong khi đó, hồi đầu tháng 6, Thủ đô Paris và vùng phụ cận của Pháp lại phải trải qua trận lũ lụt kỷ lục với ước tính thiệt hại có thể vượt 1 tỷ euro (nếu tính trên toàn nước Pháp thì mức thiệt hại thậm chí có thể lên tới 2 tỷ euro). Ngoài ra, ngành du lịch tại Paris cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực do các bảo tàng, trong đó có bảo tàng nổi tiếng Louvre, phải đóng cửa và giao thông ách tắc.
Từ đầu năm đến nay, kinh tế Pháp đã tạo ra 210.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp dự kiến sẽ ở mức 9,5% và được cho là giảm mạnh nhất kể từ năm 2007. Dịch vụ là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất (158.000 việc làm). Bên cạnh đó, việc Pháp đăng cai EURO 2016 cũng tạo ra thêm 18.000 việc làm thời vụ trong quý II năm nay.
Các yếu tố tạo ra tăng trưởng có thể sẽ chững lại trong quý II nhưng đà đi lên dự kiến tiếp tục được duy trì. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng 0,3% và 0,4% trong các quý III và IV/2016. Đầu tư của doanh nghiệp, yếu tố chính thúc đẩy kinh tế, sẽ tăng 4,7% trong năm nay, mức cao kỷ lục kể từ năm 2007. Tiêu dùng hộ gia đình có thể sẽ tăng 1,6%, sức mua tăng 1,7% trong cả năm, mặc dù tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ 0,7% do giá dầu thế giới tăng trở lại.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
