Kiên trì phát huy hiệu quả các động lực để vượt qua thách thức
![]() |
Ông Ngô Đăng Khoa |
Với đà phục hồi tích cực của nền kinh tế năm 2022, ông nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023? Những thách thức rủi ro lớn nhất trong năm tới là gì và các động lực nào có thể giúp Việt Nam đạt được triển vọng đó?
Có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới đã sớm mở cửa hoàn toàn sau đại dịch Covid, điều này đã đem lại nhiều thuận lợi và tạo đà phục hồi tốt cho nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ và kích thích phục hồi kinh tế của Chính phủ đã phát huy tác dụng rất tốt trong giai đoạn này.
Những năm gần đây, Việt Nam đã vươn mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tham gia sâu rộng vào thương mại quốc tế. Do đó, rất dễ hiểu khi những yếu tố bên ngoài biến động gây tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước. Bất ổn địa chính trị toàn cầu, kéo theo giá nhiên liệu tăng, giá cả hàng hóa leo thang, Fed liên tục tăng lãi suất,… đều khiến cho kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn, nhất là trong quý IV/2022.
Các đơn hàng mới sụt giảm mạnh, do đã đi qua giai đoạn tiêu dùng bùng nổ trong đại dịch, cũng như việc Mỹ và Châu Âu - các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam - tăng lãi suất khiến người dân tiêu dùng ít hơn. Kết quả tăng trưởng xuất khẩu trong quý IV đã phần nào phản ánh những khó khăn này. Hệ quả là, kể từ tháng 9, hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút. Bên cạnh đó, lạm phát cũng gây áp lực lớn cho nền kinh tế. Các tháng trong quý IV/2022 đều ghi nhận mức lạm phát vượt trần 4%.
Do vậy, HSBC cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 tốt nhưng năm 2023 sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức từ cả bên ngoài và trong nước. Hiện nay, HSBC nhìn nhận kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể đạt mức tăng trưởng 5,8%.
![]() |
Xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 - Ảnh: TTXVN |
Ở chiều hướng tích cực hơn, Việt Nam vẫn là một điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài nhờ sự ổn định chính trị, đã ký kết khoảng 15 FTA với nhiều khu vực kinh tế quan trọng trên toàn cầu, lực lượng lao động trẻ, tiềm năng; ngành bán lẻ đã lấy lại đà tăng trưởng; du lịch (khách quốc tế đến Việt Nam) đang trên đà hồi phục… Đây chính là những động lực mà chúng ta cần thúc đẩy.
Vậy cần những giải pháp gì để duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được, cũng như giúp nền kinh tế vượt qua các thách thức trong năm tới?
Kinh tế Việt Nam năm 2023 dù thách thức nhưng vẫn có những động lực tăng trưởng ổn định. Với cương vị là một ngân hàng nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam hơn 150 năm, HSBC cho rằng Việt Nam nên tập trung một số lĩnh vực để duy trì và phát huy những động lực này.
Trong đó, nên tiếp tục tận dụng lợi thế điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài của mình bằng các cải cách thủ tục hành chính, giúp tinh gọn và dễ dàng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường. Đồng thời, Việt Nam có thể tiếp tục tích cực quảng bá hình ảnh và những lợi thế của mình trên các diễn đàn, sự kiện quốc tế để thu hút nhà đầu tư mới.
Tiếp tục nâng cao giá trị của ngành sản xuất Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung các ngành có giá trị cao; nâng cao tay nghề của người lao động và gia tăng hàm lượng công nghệ để đáp ứng với những yêu cầu sản xuất cao từ thị trường và các đơn hàng quốc tế.
Xây dựng năng lực của các công ty Việt Nam nhằm gia tăng sự tham gia vào hệ sinh thái và chuỗi cung ứng của các công ty đầu tư nước ngoài, cải thiện độ kết nối của các công ty trong nước với các công ty đầu tư nước ngoài.
Tập trung phát triển các ngành có đóng góp vào cam kết về nền kinh tế phát thải bằng 0 của Việt Nam tới năm 2050. Đây sẽ là một khu vực với tiềm năng rất lớn có thể vừa thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ đồng thời tạo cơ hội kinh doanh lớn cho các công ty trong nước.
Tiếp tục giám sát chặt chẽ những biến động của thị trường thế giới, kịp thời có những quyết sách phù hợp để kiểm soát lạm phát, lãi suất và tỷ giá nhằm ổn định tình hình trong nước.
Theo ông, liệu Việt Nam có đủ khả năng và nguồn lực để có thể hiện thực hoá các mục tiêu đến năm 2030 nay không, và cần những chính sách và hành động gì để duy trì được tăng trưởng nhanh nhưng bền vững, qua đó giúp đạt được các mục tiêu như đã đề ra?
Nếu không kể đến những yếu tố bất ngờ tác động từ bên ngoài, tôi tin rằng bản thân Việt Nam đã có những động lực phát triển nội tại rất triển vọng để có thể đạt được những mục tiêu đặt ra vào năm 2030.
Chúng ta có chính trị ổn định, một Chính phủ rất quan tâm và có nhiều chính sách thu hút FDI. Chúng ta có lực lượng lao động trẻ, hùng hậu, dân trí ngày càng cao. Trong thế giới mở hiện nay, người trẻ Việt Nam đã có nhiều cơ hội tiếp thu các nguồn kiến thức đa dạng trên thế giới, họ đã tận dụng những kiến thức này và sáng tạo trong ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao năng lực của thị trường Việt Nam.
Trong các báo cáo của HSBC gần đây, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong top 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu, với khoảng 48 triệu người dân có thu nhập hàng ngày trên 20 USD. Vào cuối thập kỷ này, khoảng 1% người trưởng thành Việt Nam sẽ là triệu phú (theo định nghĩa của HSBC), tổng tài sản tài chính ở Việt Nam có thể tăng ít nhất 150%. Trong khi đó, hơn 2 triệu người trưởng thành ở Việt Nam có thể sở hữu khối tài sản trị giá ít nhất 500.000 USD, và dự kiến số người trưởng thành nắm giữ khối tài sản trị giá ít nhất 250.000 USD sẽ tăng hơn gấp đôi… Những yếu tố này sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính và kinh tế của Việt Nam.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả những động lực này, Việt Nam nên kiên trì những chính sách điều hành kinh tế ổn định, hướng tới minh bạch, an toàn và bền vững, đồng thời khuyến khích và thúc đẩy những cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm với những thị trường phát triển lớn trên thế giới để giúp chúng ta có nền tảng kiến thức và chuyên môn vững chắc hơn.
Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với chính sách thuế quan

Cần đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững

Cần giải pháp mạnh để DNNVV tiếp cận vốn hiệu quả

Dẫn lối dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ cần liên kết để mở rộng cơ hội vay vốn ngân hàng
