Kiểm tra chuyên ngành: 2 năm “mọc” thêm 120 văn bản
![]() | Quy định quán phở, tiệm nail cũng phải có phòng y tế: Đụng đâu sai đó |
![]() | Tổ công tác của Thủ tướng: Doanh nghiệp vẫn kêu ‘khổ nạn’ thủ tục |
![]() | Không có quy chuẩn thì không được kiểm tra chuyên ngành |
Sự bất định của chính sách
“Những năm 2018-2019, hàng loạt giấy phép con và một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành được bãi bỏ”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh của CIEM nói tại Hội thảo Thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Vấn đề và kiến nghị do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 16/9/2020.
Bà Thảo cho biết các cơ quan liên quan đã giảm được 22.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Năm 2015 có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thì đến nay còn 78.000 mặt hàng. Trước đây, tỷ lệ lô hàng xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan là 30-35% thì đến này chỉ còn 19,4%.
Nhưng, như thế vẫn chưa đạt mục tiêu giảm 50% mặt hàng kiểm tra chuyên ngành tại thời điểm thông quan và phải giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan xuống dưới 10% như Chính phủ yêu cầu. Các chuyên gia cho rằng việc cải thiện cải cách về kiểm tra chuyên ngành đang chậm lại.
Số lượng văn bản tăng nhanh
![]() |
Bà Thảo dẫn chứng, Chính phủ đã yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ sang hậu kiểm, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm và xoá bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Nhưng những thay đổi tích cực vẫn còn quá ít và vẫn đang cách xa so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp.
Thực tế thủ tục vẫn nhiêu khê, rào cản nhiều, doanh nghiệp vẫn thấy đang bị hành, tốn kém chi phí, bà nói.
Chỉ cần nhìn con số 120 văn bản mới về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu xuất hiện trong 2 năm gần đây đã thấy sự bất định của chính sách và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.
Trong đó, có một số văn bản ban hành đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng có nhiều văn bản gây trở ngại hơn, thậm chí có quy định mới còn mâu thuẫn và trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Số lượng văn bản rất nhiều làm thay đổi nhiều quy định khiến cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan lúng túng, khó cập nhật và vận dụng, bà Thảo cho biết.
Điển hình cho những quy định không mang lại hiệu quả quản lý mà chỉ tăng chi phí và thủ tục, đó là Thông tư số 22/TT-2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu kiểm tra an toàn lao động trước khi thông quan. Đây là một quy định rất phi lý vì hàng còn trong kiện làm sao kiểm tra an toàn, đặc biệt là những mặt hàng như thang cuốn thang máy, chỉ khi đã lắp đặt lên và vận hành thử mới có thể biết được mức độ đảm bảo an toàn.
Bị kiểm tra quá mức, doanh nghiệp mất sức cạnh tranh
Theo bà Thảo, cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay đang quá mức cần thiết, chưa áp dụng thông lệ quốc tế tốt, tạo rào cản và khiến doanh nghiệp mất sức cạnh tranh. Đồng thời, nhiều quy định được phản ánh nhiều lần nhưng đến nay vẫn y nguyên, đơn cử như quy định về kiểm tra hiệu suất năng lượng tạo thêm nhiều gánh nặng chi phí và thời gian bất hợp lý cho doanh nghiệp. Cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay đang quá mức cần thiết, chưa áp nguyên tắc "quản lý rủi ro" theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn chung tay để giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhưng nhiều năm qua chỉ có tăng không có giảm. Nơi này cải cách nơi kia lại thắt lại, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nói.
Ông kể lại câu chuyện hàng ngàn doanh nghiệp khốn khổ chỉ vì một tờ giấy quy định doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch nước ngoài phải có Giấy xác nhận do Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học Công nghệ) cấp. Để được cấp giấy này, doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ chứng minh mã số mã vạch của khách được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận, nhưng ở nhiều nước không có quy định này nên không cơ quan nào ở nước ngoài có chức năng cấp. Vì thế, nhiều doanh nghiệp khốn khổ.
Nhận thấy bất cập này, cơ quan hải quan đã ra một công văn chưa từng có tiền lệ: không yêu cầu văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.
“Đây là thái độ rất cầu thị và dũng cảm của ngành hải quan. Tinh thần đó là rất đáng trân trọng”, Phó Tổng thư ký VASEP nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất hủy bỏ quy định mã số mã vạch nước ngoài. Nhưng mới đây, tại dự thảo Thông tư ghi nhãn điện tử, Bộ Khoa học và Công nghệ lại đưa ra yêu cầu sử dụng mã số mã vạch như trước.
Dường như đâu đó lại có hiện tượng các rào cản tiếp tục mọc thêm, bỏ được gánh nặng này lại có gánh nặng khác nhiều hơn vì nhiều người, nhiều cơ quan đang muốn thêm quyền, thêm quy định để dễ quản, dễ kiểm và dễ gây áp lực…, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, cảm nhận.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
