Kiểm soát quyền lực trong cơ quan phòng, chống tham nhũng
![]() |
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thúy (TP. Hồ Chí Minh) |
Phải nhìn nhận thực tế là công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay chưa đạt được yêu cầu và mục tiêu đề ra, đó là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP.Hồ Chí Minh) nêu thực trạng.
Theo vị nữ đại biểu của TP. Hồ Chí Minh, dự thảo luật đã bổ sung quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai; thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý, được quy định tại Điều 59 dự thảo luật. Chính phủ đã trình 2 phương án xử lý đối với các loại tài sản trên.
“Tôi không đồng ý chọn phương án 1 nhưng tôi chỉ đồng ý chọn một phần phương án 2.” – đại biểu Thúy nêu quan điểm và cho rằng, đó là chỉ đặt chế tài xử lý vi phạm hành chính và phạt hành chính đối với người có nghĩa vụ kê khai khi có hành vi không khai đầy đủ các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Có nghĩa là các tài sản không được kê khai sẽ bị xử lý. Mức độ xử lý tùy theo quy định, có thể tịch thu toàn bộ. Đối với các tài sản, thu nhập đã được người có nghĩa vụ kê khai khai đầy đủ, không có cơ quan có thẩm quyền nào chứng minh là có liên quan đến vi phạm pháp luật, hành chính, hình sự hay buộc phải thực hiện nghĩa vụ dân sự thì những tài sản này đương nhiên là tài sản hợp pháp, áp dụng cho mọi công dân trong xã hội.
Đối với các tài sản đã kê khai, Ban soạn thảo quy định phải được giải trình hợp lý nguồn gốc. Tuy nhiên, đại biểu Thúy cho rằng, có nhiều trường hợp người nhận tài sản cam kết không thể giải thích về nguồn gốc tài sản, có thể tài sản này phải thực hiện nghĩa vụ dân sự khác. Ví dụ như gia đình có cha mẹ ký thác tài sản cho người con có uy tín trong gia đình nhưng yêu cầu không nói cha mẹ cho để thực hiện nghĩa vụ sau này. Hoặc những người mẹ đơn thân được cho tài sản để nuôi con nhưng cam kết không được nói ai là người đưa tài sản. Hai ví dụ cho thấy không thể áp đặt chủ quan là các tài sản này mặc nhiên chưa nộp thuế hay đặt ra quy định vi phạm hành chính. Quy định giải trình nếu không giải trình nguồn gốc tài sản thì thu thuế hoặc xác định vi phạm hành chính để áp dụng chế tài là không hợp lý.
Mặt khác, nếu quy định chỉ xử lý tài sản người có nghĩa vụ kê khai mà không giải trình nguồn gốc trong xã hội thì không bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu áp đặt sẽ không khả thi, dễ chủ quan, tùy tiện làm cản trở sự phát triển.
Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, nếu theo phương án 1 trong dự thảo Luật thì trước hết phải làm rõ thế nào là giải trình không hợp lý. Bởi hiện nay trong điều kiện tài sản của mỗi người được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời do yếu tố tập quán tâm lý hoặc có lý do riêng mà nhiều người không muốn hoặc không công khai về tài sản và nguồn gốc tài sản.
“Nội dung này tôi nhất trí với ý kiến của đại biểu Thúy đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nêu một ví dụ về tài sản thừa kế.” – Đại biểu Bình đưa ra quan điểm và cho rằng, việc giải trình tài sản thu nhập trong nhiều trường hợp sẽ khó đi đến thống nhất giữa người giải trình và cơ quan có thẩm quyền về tính hợp lý hoặc không hợp lý của tài sản. Do vậy, nhiều khả năng dẫn đến việc tranh luận, thậm chí khiếu nại kéo dài.
Nhiều đại biểu cho rằng, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả phải kiểm soát được quyền lực trong chính cơ quan phòng, chống vấn nạn này. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), trong dự thảo luật lần này đã trao cho cơ quan phòng, chống tham nhũng nhiều quyền năng rất lớn trong các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, thanh tra và xử lý hành vi tham nhũng. Với quyền lực lớn, nếu không có quy định kiểm soát quyền lực chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ lạm dụng quyền lực ngay tại chính cơ quan phòng, chống tham nhũng.
Theo đại biểu Hiển, các quy định về vấn đề này đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu và cán bộ, công chức của cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng giữ nguyên như luật hiện hành là không hợp lý.
“Tôi cho rằng dự thảo luật cần sửa đổi, bổ sung quy định đặc thù tương ứng với trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức trong lĩnh vực này như các quy định đặc thù về tiêu chuẩn, về phẩm chất cán bộ, các quy định đặc thù về xung đột lợi ích, các quy định về ứng xử, về những việc cán bộ, công chức không được làm…” – ông Hiển nhấn mạnh.
Hai phương án về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập Phương án 1: Giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Chính phủ lựa chọn phương án này. Phương án 2: Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án 1. Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập; đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát. |
Tin liên quan
Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược
