Khuyến khích và tạo động lực cho cán bộ nữ ngân hàng phát triển
Hội thảo hướng tới các mục tiêu như tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong ngành Ngân hàng về bình đẳng giới thông qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về đa dạng, hòa nhập, bình đẳng giới. Đồng thời ghi nhận những thành tựu đã đạt được về bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng và nhận diện những khó khăn, thách thức của phụ nữ ngân hàng để các cơ quan, đơn vị trong Ngành quan tâm, có những chính sách thiết thực hỗ trợ, khuyến khích và tạo động lực cho cán bộ nữ phát triển. Đặc biệt, thông qua hội thảo, các cơ quan, đơn vị trong ngành Ngân hàng sẽ nhận thức đúng vai trò, nhận diện được những khó khăn, thách thức của chị em phụ nữ tại đơn vị mình. Từ đó có những hành động thiết thực, hiệu quả theo phương châm “lãnh đạo nào, phong trào đó”.
![]() |
Bà Nguyễn Thuý Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thuý Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu nhận định, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Bình đẳng giới là 1/3 mục tiêu Việt Nam về đích trước thời hạn trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả đáng kể trong thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), đặc biệt là Mục tiêu 5 - Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
![]() |
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo |
Một số thành tựu về bình đẳng giới Việt Nam thời gian qua có thể kể như tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây; 14/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 46,6%; có 3 nữ Bộ trưởng, 1 nữ Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, 13 nữ Thứ trưởng và tương đương.
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại phần thảo luận |
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động là rất cao 78,2% (so với nam giới là 86%); tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 đạt 27,2%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đạt 26,5%, đưa Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa - nơi chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 40% GDP, tạo việc làm cho hàng triệu lao động - là khu vực chủ yếu do nữ làm chủ.
![]() |
Các đại biểu nữ thảo luận tại Hội thảo |
Đặc biệt, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, kể từ năm 2014, NHNN có 01 lãnh đạo ngành là nữ, chiếm tỷ lệ 20% trong Ban lãnh đạo NHNN Việt Nam. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 (Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022), chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đã tăng 11 bậc so với năm 2022 ở vị trí 72/146 quốc gia. Đây là kết quả rất đáng khích lệ của Việt Nam, được quốc tế ghi nhận.
Phát biểu tại Hội thảo, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành Ngân hàng với 320.000 cán bộ trong đó cán bộ nữ chiếm 59%, những đặc tính về giới của phụ nữ như tỉ mỉ, chính xác, kiên trì, thận trọng rất phù hợp với yêu cầu của ngành Ngân hàng.
Tại NHNN, đã có thành tựu ban đầu đáng ghi nhận trong công tác bình đẳng giới. Cụ thể, 100% đơn vị thuộc NHNN đã có cán bộ chủ chốt là nữ; tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp phòng, cấp Vụ và nữ là thủ trưởng đơn vị đều tăng so với đầu nhiệm kỳ, các mục tiêu về bình đẳng giới về cơ bản đã đạt được.
![]() |
Phần thảo luận thu hút nhiều đại biểu tham gia |
Để có kết quả trên, NHNN đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; công tác tuyển dụng đảm bảo công bằng giữa ứng viên nam và ứng viên nữ; công tác quy hoạch cán bộ nữ được quan tâm đúng mức; công tác đào tạo, bồi dững cán bộ nữ được đặc biệt quan tâm; chủ động tìm kiếm, hỗ trợ quốc tế trong quá trình triển khai công tác bình đẳng giới…
Đối với việc đẩy mạnh vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, NHNN đã tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế, trong đó có phụ nữ. Đồng thời, tạo điều kiện để ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng cho nhóm yếu thế, phụ nữ; kí kết quy chế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Trong thời gian tới, Thống đốc chia sẻ, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN tiếp tục cam kết đồng hành, hỗ trợ phụ nữ ngành Ngân hàng phát triển; đồng thời chung tay vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Nữ cán bộ ngân hàng cần phát huy những đặc tính về giới phù hợp với ngành Ngân hàng như sự tỉ mỉ, chính xác, kiên trì, thận trọng; đồng thời cũng cần thể hiện sự tự tin, năng động, chủ động, bản lĩnh để sẵn sàng hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Thống đốc đề nghị, các nam đồng nghiệp tiếp tục quan tâm, thấu hiểu những khó khăn về giới mà các nữ đồng nghiệp phải đối mặt. Trên cơ sở đó đồng hành và hỗ trợ phụ nữ ngành Ngân hàng phát triển vì mục tiêu chung của Ngành.
Tin liên quan
Tin khác

Dịch vụ tài chính hướng đến sự tiếp cận bình đẳng, an toàn cho người dân

Sẽ có hướng dẫn mới về quản lý ngoại hối đối với cho vay ra nước ngoài

NHNN ban hành kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo

Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị sửa đổi Dự thảo Luật Quản lý thuế gỡ vướng mắc cho ngân hàng

Bố trí nguồn lực, quan tâm thỏa đáng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Mở rộng không gian vốn cho DNNVV

Quy định về đặt hàng giữa Ngân hàng Nhà nước với cơ sở in, đúc tiền

Sắp diễn ra Hội thảo “Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân”

Quy định mới về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam
