Khủng hoảng khí đốt đã lan sang dầu mỏ
Theo đó giá dầu thô đã tăng trên 85 USD/thùng, cao nhất trong ba năm, do các nhà giao dịch dự đoán rằng giá khí đốt tăng cao kỷ lục sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu khác, đặc biệt là dầu mỏ để sản xuất điện.
Trên thực tế nhu cầu tiêu thụ dầu thô đã tăng và có thể tăng thêm khoảng 500.000 thùng dầu mỗi ngày trong 6 tháng tới, IEA cho biết. “Sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, khí hóa lỏng (LNG) và than bắt nguồn từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã làm các loại nhiên liệu này tăng giá nhanh chóng và đang kích hoạt sự chuyển đổi lớn sang các sản phẩm dầu mỏ”, IEA cho biết. “Dữ liệu của tháng 8 đã cho thấy một số nhu cầu cao bất thường đối với nhiên liệu đốt lò (FO), các sản phẩm chưng cất thô và chưng cất cho các nhà máy điện ở một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc”.
![]() |
Ảnh minh họa |
IEA nâng ước tính tăng trưởng nhu cầu trong năm nay thêm 300.000 thùng/ngày lên 5,5 triệu thùng/ngày và tăng nhẹ trong năm 2022 lên 3,3 triệu thùng/ngày. Cơ quan cho biết tác động của việc chuyển đổi từ khí đốt tự nhiên sang dầu sẽ được cảm nhận rõ rệt trong quý này và năm tới.
Phân tích mới nhất của IEA (thường được sử dụng để tư vấn cho các nước công nghiệp về chính sách năng lượng) cho thấy tình trạng thiếu khí tự nhiên trầm trọng đang làm sâu sắc thêm thâm hụt nguồn cung dầu hiện tại, từ đó ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế và thổi bùng ngọn lửa lạm phát trên toàn cầu. “Sự tăng giá đã quét qua toàn bộ chuỗi năng lượng toàn cầu”, IEA cho biết. “Giá năng lượng cao hơn cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát, cùng với việc mất điện, có thể dẫn đến hoạt động công nghiệp giảm và phục hồi kinh tế chậm lại”.
Cơ quan này lưu ý rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh của họ (OPEC+) hiện vẫn kiên định với kế hoạch tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày “bất chấp lời kêu gọi từ các nước tiêu thụ lớn về việc tăng sản lượng mạnh hơn”.
Phát biểu tại Tuần lễ Năng lượng Nga ở Moscow, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út nhắc lại cam kết phục hồi dần dần và theo từng giai đoạn về sản lượng khai thác. Ông nói, cuộc khủng hoảng bao trùm các thị trường năng lượng cho thấy nhóm đã làm tốt công việc điều tiết dầu như thế nào.
Sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 2,7 triệu thùng/ngày từ tháng 9 đến cuối năm khi OPEC+ tiếp tục cắt giảm và sản lượng của Mỹ phục hồi sau thiệt hại do cơn bão Ida gây ra, IEA cho biết. Ngay cả với những sự bổ sung đó, thị trường vẫn sẽ thiếu hụt khoảng 700.000 thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm nay, trước khi trở lại thặng dư vào đầu năm 2022, IEA cho biết.
Hiện an ninh năng lượng đã trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu trong các chương trình nghị sự của các chính phủ ở châu Á và châu Âu khi tình trạng thiếu than và giá khí đốt tăng cao đã gây ra tình trạng mất điện và bóp nghẹt hoạt động sản xuất công nghiệp, qua đó làm chậm lại sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Để bảo vệ người tiêu dùng trước viễn cảnh giá cả tăng vọt khi mùa đông đến gần, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp khẩn cấp của các quốc gia thành viên, bao gồm giới hạn giá và trợ cấp, tại một hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tuần này.
Trong khi đó Trung Quốc - nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng đang chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Reuters dẫn lời các nguồn tin, các công ty năng lượng lớn như Sinopec Corp và Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đang đàm phán về các hợp đồng dài hạn với các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ.
Hiện Trung Quốc cũng như nhiều nước đã buộc phải chuyển sang sử dụng than trong ngắn hạn. Trung Quốc cũng đã phải thực hiện một loạt các biện pháp để kiềm chế sự tăng giá, bao gồm tăng sản lượng than trong nước và cắt giảm nguồn cung cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
