Khu vực Mê Kông: Tăng cường thúc đẩy lợi thế so sánh
Lợi thế so sánh không hẳn là lợi thế tĩnh
Không nền kinh tế nào có thể chuyển đổi thành công từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình và thu nhập cao nếu không định vị chính xác được bản thân mình theo cả lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Điều này đặc biệt đúng với khu vực Mê Kông (gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam), nơi sự phát triển đang theo mô hình “đàn nhạn bay”.
![]() |
Các nước khu vực Mê Kông cần thúc đẩy tính “động” trong lợi thế so sánh |
Các cụm từ “lợi thế so sánh” và “lợi thế cạnh tranh” thường bị sử dụng lẫn lộn. Do đó, trước khi đi vào tìm hiểu sâu về lợi thế so sánh, có lẽ cần phân biệt rõ hơn về sự khác nhau giữa 2 cụm từ này. Lợi thế so sánh là một phần của lợi thế cạnh tranh, nhưng ngược lại, lợi thế cạnh tranh không phải là một phần của lợi thế so sánh.
Một đất nước, hay hẹp hơn là một công ty hoặc một cá nhân được cho là có lợi thế so sánh khi có thể sản xuất ra hàng hoá có hiệu quả hơn các đối thủ cạnh tranh của mình. Ví dụ, Trung Quốc và Saudi Arabia đều là các nhà lọc dầu diesel hiệu quả. Tuy nhiên, trong khi Saudi Arabia luôn có khả năng sẵn sàng tiếp cận dầu thô thì Trung Quốc muốn lọc dầu thì phải nhập khẩu. Đây là căn cứ để chúng ta có thể kết luận, Saudi Arabia có lợi thế so sánh so với Trung Quốc trong việc lọc dầu.
Còn lợi thế cạnh tranh là một thuật ngữ rộng lớn hơn, tích hợp trong nó yếu tố lợi thế so sánh, nhưng bao gồm cả các lợi thế khác như lợi thế về nguyên vật liệu, chi phí lao động, năng suất, chất lượng và số lượng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu cần… mà một quốc gia này có lợi thế hơn quốc gia kia.
Lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh thường được đánh giá là các lợi thế tĩnh. Tuy nhiên, lịch sử quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của cả phương Tây và châu Á đều cho thấy, lợi thế so sánh rõ ràng không tĩnh mà năng động và thay đổi theo thời gian. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore là những ví dụ về những nền kinh tế đã thành công trong việc chuyển từ nhóm thu nhập thấp lên mức thu nhập trung bình và thu nhập cao nhờ chú tâm vào phát triển các ngành và lĩnh vực phức tạp, sử dụng cấp độ cao hơn của kiến thức, đòi hỏi cao hơn về công nghệ và đội ngũ người lao động có tay nghề cao.
Nhìn ở khu vực Mê Kông, chúng ta có thể thấy Thái Lan và Việt Nam đã và đang tận dụng được sự năng động này của lợi thế so sánh bằng cách đi vào các lĩnh vực có tính chất tinh vi và giá trị gia tăng cao hơn. Trong khi các nền kinh tế gồm Campuchia, Lào, Myanmar thì chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình chuyển đổi quan trọng này. Với sự đa dạng của các nền kinh tế đang ở trong các giai đoạn của quá trình chuyển đổi như vậy, chúng ta có thể đưa ra những đánh giá về những lợi thế so sánh chính của mỗi nền kinh tế trong khu vực Mê Kông.
Mô hình “đàn nhạn bay”
Để đánh giá về sự năng động trong lợi thế so sánh của khu vực Mê Kông nói chung và từng nước trong khu vực nói riêng, các chuyên gia của Ngân hàng ANZ đã xây dựng bộ chỉ số các lợi thế so sánh “bộc lộ” (RCA) để xác định xem những loại sản phẩm nào mà từng nền kinh tế trong khu vực Mê Kông có lợi thế so sánh.
Các RCA được tính bằng tỷ lệ của sản phẩm đó trong tổng kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia với tỷ lệ xuất khẩu của sản phẩm đó trong tổng kim ngạch xuất khẩu trên toàn cầu. Một quốc gia được xác định có lợi thế so sánh RCA ở một sản phẩm nào đó nếu giá trị của chỉ số đó lớn hơn 1 và sẽ ở thế bất lợi nếu nhỏ hơn 1.
Dựa trên điều tra thực nghiệm của mình, các chuyên gia ANZ đã đi tới các kết luận sau: Thứ nhất, các nền kinh tế Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (nhóm CLMV) có lợi thế so sánh trong sản xuất hàng dệt may, giày dép. Nhưng lợi thế so sánh này cho thấy các nước CLMV đang ở vùng thấp trong vòng quang phổ của chuỗi giá trị gia tăng.
Thứ hai, trừ Campuchia, khu vực Mê Kông đang có lợi thế so sánh trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm thực vật (như rau, hoa quả, cà phê, chè, hạt dầu…).
Thứ ba, khu vực Mê Kông - ngoại trừ Thái Lan - tương đối kém hiệu quả trong sản xuất các chất liệu từ thực phẩm đường, đồ uống, và chất cồn.
Thứ tư, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những lợi thế so sánh trong các máy móc và phân khúc thiết bị điện tử (như điện thoại di động).
Trong khi đó, Thái Lan đã nhường lại lợi thế so sánh trong ngành chăn nuôi gia cầm, dệt may, giày dép sang các nền kinh tế CLMV do họ di chuyển lên chuỗi giá trị.
Với sự dịch chuyển đó, chúng ta buộc phải thừa nhận lợi thế so sánh luôn mang tính động chứ không phải tĩnh và dường như các nền kinh tế khu vực Mê Kông đang phát triển theo mô hình “đàn nhạn bay”.
Theo đó, các nền kinh tế khu vực Mê Kông đang hình thành lên thế liên tầng trong chuỗi giá trị (các nước phát triển hơn đang tiến lên những bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, qua đó tạo ra không gian kinh tế cho nền kinh tế kém phát triển tiếp nối trong các nấc thang đi lên). Trong đó, có thể nhìn nhận Thái Lan hiện là con chim đầu đàn trong sự dịch chuyển này và bám sát ngay sau đó là Việt Nam.
Những thành công của Việt Nam trong các lĩnh vực như ngành điện tử đang cho thấy cách thức phát triển của tính động trong lợi thế so sánh. Dù vẫn đang nằm trong phần giá trị gia tăng thấp của dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử ASEAN nhưng việc Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất điện thoại di động, thiết bị điện tử và máy tính là điều chưa từng có nếu nhìn lại một thập kỷ trước đây. Trong năm qua, thị phần các thiết bị điện tử và điện thoại di động đã nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng các ngành xuất khẩu có thể được xem là một kỳ tích.
Theo ANZ, trong tương lai, sẽ có hai yếu tố quan trọng có thể thúc đẩy rất mạnh tính động trong lợi thế so sánh của khu vực ASEAN nói chung, khu vực Mê Kông, đó là AEC và Hiệp định TPP.
Trong đó, AEC là động lực chính thúc đẩy lợi thế so sánh của các nền kinh tế trong khu vực thông qua việc đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và ASEAN sẽ khuyến khích hình thành các cụm công nghiệp. Còn đối với TPP, trong khu vực Mê Kông chỉ có Việt Nam là thành viên. Do đó, Việt Nam chắc chắn sẽ là nước được hưởng lợi lớn nhất, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may nếu Việt Nam giải quyết tốt được vấn đề quy tắc xuất xứ.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
