Không thiếu vốn cho thủy sản xuất khẩu
Hóa giải thách thức với thủy sản xuất khẩu Thủy sản xuất khẩu trước cơ hội phát triển Thủy sản xuất khẩu cần trợ lực mùa cao điểm |
Cần vốn để mua trữ nguyên liệu
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, trong hai tháng gần đây thị trường xuất khẩu tôm đã có sự phục hồi tích cực. Nguyên nhân là do các quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng nhu cầu mua hàng. Trong khi đó, trên thị trường quốc tế nguồn cung tôm từ các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Ecuador đang sụt giảm mạnh.
Để tận dụng cơ hội thị trường, ông Lực cho rằng, thời điểm này các doanh nghiệp cần tăng cường mua dự trữ nguyên liệu và đầu tư vào các sản phẩm tinh chế. Nhất là trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu đang ở mức thấp, nếu mua được sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hạ giá thành, từ đó cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự của Ấn Độ, Ecuador. Tuy nhiên để làm được điều này doanh nghiệp cần có sẵn nguồn vốn lưu động để thu mua tôm thương phẩm từ người nuôi.
Triển vọng cũng đang sáng dần đối với các doanh nghiệp cá tra, cá basa xuất khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tính đến hết tháng 6/2023 kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa đã đạt khoảng 873 triệu USD. Hiện nay các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đang cải thiện sức mua, nhu cầu nhập khẩu cũng được dự báo tăng trong các tháng tới.
![]() |
NHTM sẵn sàng cung ứng vốn cho ngành thủy sản |
Tuy nhiên theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu tài sản thế chấp hoặc vướng vào các khoản nợ quá hạn tại các TCTD nên khó tiếp cận được vốn vay mới. “Vì thế, các doanh nghiệp rất cần các ngân hàng tiếp tục đồng hành bằng việc giảm thêm lãi suất cho vay vốn, giãn thời hạn trả nợ 4-6 tháng đối với các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II và III/2023”, ông Hòe kiến nghị.
Ngân hàng tăng hạn mức tín dụng
Theo Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế thuộc NHNN, tổng dư nợ cho vay thủy sản của hệ thống ngân hàng đã lên đến hơn 200.100 tỷ đồng, trong đó dư nợ tập trung phần lớn vào chi phí khai thác, nuôi trồng thủy sản (chiếm khoảng 43% dư nợ ngành thủy sản).
Vì thế, theo các chuyên gia, việc xây dựng gói tín dụng dành riêng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản là không cần thiết, bởi trên thực tế, lượng vốn tín dụng mà các ngân hàng “bơm” vào các lĩnh vực này còn lớn hơn nhiều. Chưa kể điều này sẽ dẫn tới bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các nhóm khách hàng tạo tâm lý ỷ lại của một bộ phận doanh nghiệp, làm giảm tinh thần cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường…
Không chỉ cung ứng tín dụng với lãi suất ưu đãi, mới đây NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tiếp tục mở rộng cho vay khách hàng có phương án khả thi... Hiện các TCTD đã, đang tích cực triển khai chỉ đạo này của NHNN.
Đơn cử tại Đồng Tháp (địa phương có kim ngạch xuất khẩu cá tra lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long), NHNN địa phương đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn ưu tiên vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; duy trì hạn mức tín dụng đã cấp cho các doanh nghiệp ngành cá tra nói riêng và thủy sản nói chung để duy trì hoạt động và có vốn thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc chi nhánh NHNN tỉnh Tiền Giang cho biết, đã chỉ đạo hệ thống TCTD tỉnh này tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; đồng thời rà soát, xem xét miễn, giảm các loại phí dịch vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, giải pháp quan trọng là linh hoạt áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng, phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản và dệt may nhằm đảm bảo đủ nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu.
Theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, tính đến đầu quý III/2023 lĩnh vực thủy sản nói riêng và nông nghiệp nông thôn nói chung vẫn là một trong những lĩnh vực được hệ thống TCTD ưu đãi nhiều nhất và dư nợ cho vay tăng trưởng đáng kể. Chỉ tính riêng hệ thống Agribank đang triển khai gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD (hỗ trợ giảm 1-1,5% lãi suất) cho vay lĩnh vực nông lâm thủy hải sản. Tại các địa phương nuôi trồng chế biến thủy sản chủ lực như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang trong nửa đầu năm 2023 dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản của Agribank đang chiếm tỷ trọng khá lớn, đạt con số từ 10.000 – 15.500 tỷ đồng/mỗi tỉnh, thành phố. Theo đó, nguồn tín dụng cho lĩnh vực nuôi trồng chế biến, xuất khẩu thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung đang khá dồi dào, được lồng ghép khá linh hoạt từ nhiều chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và các NHTM.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
