Không hy sinh môi trường cho những lợi ích ngắn hạn
![]() |
Ông Haoliang Xu |
Nhìn nhận của ông về những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt?
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, có vị thế của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp vững chắc nhưng vẫn còn nhiều thách thức để đạt đến một nền kinh tế tăng trưởng bao trùm, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Đó là những thách thức về bất bình đẳng, xóa đói giảm nghèo (không chỉ về thu nhập mà cần nhìn theo góc độ nghèo đa chiều), nâng cao an sinh xã hội, những nhu cầu về phát triển nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động trong một thế giới ngày càng hội nhập và cạnh tranh cao.
Thách thức nữa là Việt Nam vẫn cần tiếp tục đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng (CSHT), cải thiện năng lực quản trị quốc gia trong khi ngân sách chịu áp lực, thâm hụt ngân sách và nợ công cao và nguồn vốn ODA truyền thống thay đổi theo hướng giảm đi.
Như vậy, Việt Nam cần một mặt tối ưu hóa việc sử dụng ODA, mặt khác cần tăng cường nguồn thu trong nước, nâng cao hiệu quả đầu tư và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài cũng như tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân DN phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Việt Nam sẽ cần tận dụng được những kênh cấp vốn mới, chẳng hạn như các quỹ về hỗ trợ chống biến đổi khí hậu. Như từ Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) của LHQ được thành lập sau hội nghị COP - 21 tại Paris. Việt Nam là nước đầu tiên đã thành công trong việc nhận được 25 triệu USD từ quỹ này cho khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Một điểm quan trọng cần suy nghĩ là làm sao phối kết hợp tốt giữa nguồn lực quốc tế và nguồn lực trong nước. Theo đó, nên coi nguồn vốn quốc tế là chất xúc tác (giúp thực hiện những hoạt động, dự án mang tính thí điểm) cho phát triển và dùng nguồn vốn trong nước để nhân rộng lên những thành công mà nguồn vốn quốc tế đó đem lại.
![]() |
Bài học với Việt Nam là không nên hy sinh tính ổn định về môi trường cho những lợi ích trước mắt, ngắn hạn |
UNDP nhìn nhận đến vấn đề ô nhiễm môi trường biển ở miền trung (vụ việc Formosa) vừa qua như thế nào và sẽ giúp gì để giải quyết những vấn đề ở những khu vực bị ô nhiễm như vậy?
Đây là vấn đề gây sự quan ngại trong công chúng và các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề ô nhiễm mà Formosa gây ra vừa qua. Tôi nghĩ đây là vấn đề Chính phủ Việt Nam rất quan tâm. Vậy chúng ta có thể làm gì?
Trước hết cần nhấn vào công tác thực thi pháp luật. Tôi nghĩ Việt Nam đã lập kế hoạch, đưa ra hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá tốt. Thế thì việc cần làm là thực thi thật tốt những quy định đã đặt ra.
UNDP và cơ quan môi trường của LHQ (UNEP) có thể chia sẻ các bài học kinh nghiệm đã đúc kết được cho Việt Nam để nêu bật được những cái giá phải trả nếu như các vấn đề như vậy bị bỏ lơ.
Cái giá phải trả sẽ rất lớn, nghiêm trọng, làm chậm quá trình phát triển, ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe con người. Bài học đặt ra là chúng ta không nên lặp lại vết xe đổ, những vấp váp mà các nước khác đã từng gặp phải trước đây – bài học từ tư tưởng sai lầm “cứ phát triển trước rồi dọn dẹp sau”.
Tôi cảm nhận Chính phủ Việt Nam nhận thức rất rõ được mối quan ngại của công chúng về vấn đề này và nhìn nhận được nhu cầu phải đầu tư mạnh mẽ hơn để xử lý những vấn đề như vậy.
Nhưng liệu việc thắt chặt các tiêu chuẩn về môi trường có lo nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm đi không thưa ông?
Bài học quốc tế là, việc một số nước cứ nhăm nhăm phát triển trước, rồi dọn dẹp sau đều phải trả giá đắt. Giá phải trả còn cao hơn so với việc làm ăn chặt chẽ, kỹ lưỡng và “sạch sẽ” ngay từ đầu. Thế thì bài học với Việt Nam là không nên hy sinh tính ổn định về môi trường cho những lợi ích trước mắt, ngắn hạn.
Hơn nữa, với bản thân các DN, vấn đề trách nhiệm xã hội cũng ngày càng quan trọng. Nhiều DN thừa nhận rằng, tính phát triển bền vững về môi trường là tốt cho chính DN họ, ngày càng có nhiều DN quan tâm hơn đến vấn đề này.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, người dân dễ dàng nắm bắt thông tin nhanh và ngày càng yêu cầu cao hơn. Họ biết những vấn đề xảy ra và có thể tác động tới họ và các DN sẽ phải chịu áp lực về những vấn đề đó. Đấy chính là các áp lực buộc các DN phải làm ăn tử tế.
Và thực tế chúng ta cũng thấy ngày càng có cách gây áp lực để các DN phải làm ăn tốt. Chẳng hạn trong ngành dệt may, nếu có một DN nào đó không đáp ứng tiêu chuẩn về mặt môi trường, lao động thì khách hàng sẽ không mua sản phẩm của DN đó.
Hay như ở Indonesia, chúng tôi đã xúc tiến quảng bá cho một dự án mà theo đó, khách hàng sẽ không mua sản phẩm dầu cọ từ những đồn điền vi phạm các chuẩn mực về môi trường. Như vậy thì buộc các đồn điền này phải làm ăn tử tế. Điều đó trước hết là vì lợi ích thiết thân của chính các DN.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
