Không gian công cộng: Vừa thiếu vừa thừa
Người Việt thiếu không gian xanh
Cuối năm ngoái, tại một hội thảo về quy hoạch kiến trúc các đô thị trên thế giới, đại diện chính quyền thành phố Paris (Pháp) cho trình chiếu hàng loạt các hình ảnh về thành phố của mình. Những phòng ngủ hẹp với phòng khách tiện nghi trong khu trung tâm hoàn toàn trái ngược với không gian mở của nhà ga, vườn hoa, công viên…
Vị đại diện nói trên nêu quan điểm, các căn hộ chỉ để người dân sinh hoạt trong khoảng nửa thời gian mỗi ngày, trong khi không gian công cộng cần cho cộng đồng, là chuyện thuộc trách nhiệm của chính quyền. Khi mà ngân sách thành phố rót vào các dịch vụ công ích, quyền tiếp cận là bình đẳng, trong khi không gian căn hộ sẽ tùy thuộc vào túi tiền người dân.
![]() |
Vườn hoa, sân chơi chung tại nhiều đô thị đang thiếu nghiêm trọng |
Nhưng với trường hợp của Việt Nam thì lại rất khác. Xu hướng “cắt gọt” không gian công cộng dường như đang ngày càng lan rộng. Những năm 70 của thế kỷ trước, các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung tự, Thanh Xuân… đều có sân chơi rộng rãi cho cộng đồng dân cư các tòa nhà. Nhưng nếu giờ đây nhìn lại, nhiều diện tích trước kia là khuôn viên thì nay đã chình ình những tòa ngang dãy dọc chung cư.
So sánh về mặt con số, theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, hiện bình quân không gian xanh công cộng trong nội thành Việt Nam chỉ là 1,7 m2/người, còn ở các nước phát triển như Nhật, Pháp bình quân là trên 20 m2/người.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, do buông lỏng quản lý, những không gian xanh đang dần bị lấn chiếm, bị phá hủy, thay thế vào đó là nhà cửa, tường bao, nơi kinh doanh… Người dân tự lấn chiếm khoảng không gian chung, lấn chiếm hết diện tích đất trống, cây xanh, đường đi. Các điểm vui chơi bị thu hẹp hoặc bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích…
Trong xu thế biến chung thành riêng đó, các khu đô thị phát triển mới cũng thường cắt giảm diện tích làm vườn hoa, công viên, sân bãi thể dục thể thao để tăng mật độ xây dựng.
Một số sân chơi tại các khu dân cư do thiếu kinh phí và cơ chế dành cho công tác quản lý, duy trì, bảo dưỡng nên các sân chơi này đều đã xuống cấp, gây mất an toàn cho trẻ em và người dân khi tham gia các hoạt động vui chơi này. Khu đô thị Nam Trung Yên mặc dù có khá nhiều diện tích sân chơi, nhưng lại thiếu trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi.
Thạc sĩ Lã Kim Ngân, Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: Hiện nhiều dự án có xu hướng chỉ quan tâm đến phát triển BĐS chứ chưa quan tâm đến đầu tư không gian công cộng như nhà trẻ, trường học, sân chơi cây xanh. Chính vì chưa có ý thức dẫn tới quá thiên lệch phát triển BĐS, nhiều khu đô thị mới phát triển ven đô thiếu vắng khuôn viên cây xanh…
Chưa phát huy không gian xanh hiện có
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: “Thực ra, Hà Nội không phải không có diện tích vườn hoa sân chơi, nhưng không biết tận dụng hoặc thiếu các trang thiết bị cần thiết. Như Công viên Thống Nhất đáng lẽ hàng ngày phải đông người thì hiện rất thưa thớt, chỉ có mấy cụ đến tập thể dục buổi sáng. Công viên Hòa Bình lớn thế nhưng người không mấy ai đến”. Theo ông Liêm, nguyên nhân chính là tư duy của người quản lý đô thị.
TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng để tạo vườn hoa sân chơi trong khu dân cư ở Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch công viên vườn hoa hiện hành để điều chỉnh chức năng, phân khu tạo điều kiện tăng diện tích cây xanh dành cho thể dục thể thao, nghỉ dưỡng cho người già và khu hoạt động cho thanh thiếu nhi.
Còn Ths. Lã Kim Ngân đề xuất: “Cần xác định không gian công cộng, trong đó đặc biệt là vườn hoa, sân chơi phục vụ cộng đồng, là một chủ trương mang tính chiến lược và yếu tố cạnh tranh phát triển giữa các quận, phường, khu nhà ở. Đề nghị trong chương trình nâng cấp nâng loại đô thị cần điều chỉnh và xem xét tiêu chí này là ưu tiên”.
Chia sẻ vấn đề này, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, chính các nhà quản lý phải hoàn thiện cơ chế chính sách và các nhà khoa học phải tham gia. Nhưng ở đây vai trò quan trọng người dân phải có tiếng nói của mình thông qua các phương tiện thông tấn báo chí như vậy mới đạt được. “Bài học kinh nghiệm là khi người dân có tiếng nói và báo chí vào cuộc thì đạt được kết quả mong muốn như trường hợp vườn hoa con Voi, công viên Thống Nhất, vườn hoa Lý Thái Tổ…”.
Có những không gian khó mất nhưng chúng ta chưa tận dụng hết như bờ sông, bờ hồ. Hồ Hoàn Kiếm sử dụng tốt còn Hồ Tây mới sử dụng ít, chưa xứng đáng với tiềm năng của nó. Những nhà quy hoạch phải biết khai thác và quan tâm, không chỉ tạo ra diện tích mà nhà quy hoạch phải có những kiến thức về kinh tế, quản lý.
Ngoài ra, vấn đề phân cấp quản lý không gian xanh công cộng ở đây là có công viên do thành phố quản lý, cái do địa phương quản lý. Cần phân cấp quản lý do thành phố, quận phường quản lý về vườn hoa sân chơi phải thống nhất. Đối với các vườn hoa sân chơi tiệm cận với người dân ở cấp phường để phường quản lý và không thu tiền. Còn đối với các vườn hoa sân chơi công viên ở cấp thành phố cấp quận thì cần phải có quy chế để khẳng định phải có chỗ vui chơi cho mọi người và không thu tiền.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
