Không chủ quan nhưng cũng không nóng vội
![]() | Tỉnh táo để tìm “cơ hội” trong… “rủi ro” |
![]() | Đây là lúc cần nỗ lực cao nhất |
![]() |
Dịch nCoV tác động mạnh đến du lịch |
Cẩn trọng khi rủi ro lạm phát cao hơn
Tại báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 gửi tới Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra đánh giá chung, kinh tế tháng đầu tiên của năm 2020 tương đối ổn định, phù hợp với quy luật của tháng tết với các điểm sáng trong thu hút vốn FDI, du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp. Ngoại trừ việc CPI tháng 1 tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với cùng kỳ 2019, mức tăng tháng 1 cao nhất trong 7 năm gần đây. Lạm phát cơ bản tháng 1/2020 tăng 0,76% so với tháng 12/2019 và 3,25% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 1,83%).
Song, chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế cho rằng mức tăng của CPI tháng 1 chưa nói lên điều gì đáng quan ngại. Bởi lẽ tháng 1 năm nay rơi đúng vào dịp Tết Nguyên đán, vì vậy CPI tăng cao là điều bình thường và hợp qui luật. So sánh với các năm trước cũng cho thấy kết quả tương tự khi Tết Nguyên đán đều trùng vào tháng 1. Năm 2014, CPI tháng 1 tăng 5,45%, cả năm là 4,09%; năm 2017, CPI tháng 1 tăng 5,22%, cả năm là 3,53%... Mức tăng năm nay có cao hơn chút ít là do Tết Âm lịch nằm trọn trong tháng 1 và có phần tác động của giá vàng thế giới trong tháng 2 tăng 4,37%.
Bên cạnh đó, tuy CPI tăng cao nhưng chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức kiểm soát, nghĩa là CPI tăng không phải do yếu tố tiền tệ. Điều này phản ánh biến động lạm phát chung chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá một số dịch vụ tăng do nhu cầu cuối năm tăng. “Chúng ta không chủ quan vì biến động thế giới khó lường nhưng cũng không nên vội vàng đưa ra những khuyến cáo để siết chặt chính sách tài khóa, CSTT khiến nền kinh tế khó tăng trưởng vào thời điểm nhạy cảm này”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Mặc dù vậy, tại Công văn gửi tới Bộ KH&ĐT đánh giá về tác động của dịch nCoV lên kinh tế, tiền tệ, định hướng giải pháp thời gian tới, NHNN đã nhận định, các diễn biến phức tạp hiện nay cho thấy việc kiểm soát lạm phát chung khoảng 4% năm 2020 sẽ gặp nhiều thách thức hơn dự kiến trước đây.
NHNN nhấn mạnh, diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi và từ dịch nCoV tạo ra các áp lực trái chiều lên lạm phát. Rủi ro lạm phát cao hơn mục tiêu khi thiếu hụt nguồn cung thực phẩm do dịch bệnh; giá thuốc và dịch vụ y tế tăng cao; yếu tố tâm lý, kỳ vọng về lạm phát khi giá thực phẩm tăng cao kéo dài và nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài ngoài khả năng kiểm soát của Chính phủ. Ở chiều ngược lại, áp lực lạm phát có thể giảm bớt do giá hàng hóa thế giới giảm trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy yếu; cầu của nền kinh tế suy giảm trong ngắn hạn (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) giúp giảm áp lực lên giá cả nói chung.
“Rủi ro lạm phát cao hơn mục tiêu là có, do đó cần thận trọng khi điều hành CSTT”, văn bản của NHNN nêu rõ.
Tăng trưởng có thể chậm nhưng không thể đình đốn
Thực tế cho thấy, mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã hạ nhiệt, các tổ chức quốc tế lớn vẫn không quá lạc quan về tình hình kinh tế thế giới năm 2020. Ngày 20/1/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,3% (thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo trước đó).
Với tình hình nêu trên, Bộ KH&ĐT đánh giá, nếu không có những chuyển biến tích cực hơn, cộng với những tác động từ tình hình khu vực, quốc tế, thiên tai, dịch bệnh,... thì việc thực hiện kịch bản tăng trưởng quý I/2020 rất khó thực hiện và có thể ảnh hưởng đến kịch bản tăng trưởng các quý tiếp theo trong năm 2020 như đã đề ra.
Theo đánh giá sơ bộ từ các nguồn tin, dịch nCoV có thể tác động 2 chiều lên tăng trưởng kinh tế, nhưng dự kiến yếu tố tiêu cực sẽ nhiều hơn tích cực, hoạt động kinh tế có thể bị gián đoạn ngắn hạn nhưng trên diện rộng. Cú sốc về dịch bệnh có thể làm chậm lại tạm thời các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu như kịch bản của Bộ KH&ĐT, song khó có thể gây tình trạng đình đốn kinh tế khiến sản xuất sụt giảm, thất nghiệp tăng cao.
Đánh giá của HSBC ngày 3/2 cho thấy, nếu tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 2 điểm % trong quý I sau đó phục hồi thì tăng trưởng của Việt Nam giảm gần 0,25 điểm % qua kênh giảm xuất khẩu. Mức giảm này chưa tính đến khả năng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc cho sản xuất của các nước, trong đó Việt Nam là nước lớn nhất trong khu vực phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế, cho rằng, kể cả khi không chịu tác động của dịch bệnh thì kinh tế Việt Nam chưa chắc đã được hưởng lợi nhiều từ diễn biến của kinh tế thế giới như năm 2019. Theo đó, ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ ký được thoả thuận thương mại, cuộc chiến thương mại tương đối thông thoáng hơn, thì xuất khẩu sang thị trường Mỹ khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như năm 2019.
Kéo theo đó, nhiều ngành trong khu vực công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tăng trưởng chậm lại. Đó là chưa kể khu vực xây dựng cũng có thể tăng chậm lại do nguồn cung bất động sản bị thu hẹp, trong khi đầu tư công vẫn chưa được cải thiện… “Vì vậy có thể dự báo là toàn bộ khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng có thể cao nhất là bằng năm 2019, chưa nói có thể thấp hơn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng nhận định, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự bùng phát dịch nCoV, bởi trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Việc du khách từ thị trường này giảm mạnh không chỉ có nguy cơ phá vỡ mục tiêu thu hút khách quốc tế của ngành du lịch, mà còn tác động sâu sắc đến doanh thu ngành này cũng như đóng góp của ngành vào GDP quốc gia.
Từ những biến động đó, nguồn cung ngoại tệ trong năm 2020 có thể bị ảnh hưởng do thương mại, du lịch… chịu tác động bất lợi, gây sức ép lớn hơn lên công tác điều hành của NHNN trong vấn đề tỷ giá. Các chuyên gia khuyến nghị, những diễn biến này cho thấy cần đa dạng hoá thị trường, quay trở lại thị trường trong nước thông qua các giải pháp kích cầu, tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng và tích cực giải ngân vốn đầu tư công, thị trường hoá giá cả một số mặt hàng để thúc đẩy đầu tư.
Tin liên quan
Tin khác
