Khối ngoại vẫn dồn dập đầu tư ở tâm dịch
![]() | Nhà đầu tư nước ngoài vẫn vững tin ở Việt Nam |
![]() | Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư |
![]() | Để gỡ khó cho doanh nghiệp FDI |
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới dòng vốn đầu tư toàn cầu, song thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội những tháng đầu năm. Số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể trong 9 tháng đầu năm có 1.212 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 12,5 tỷ USD; 678 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD; 2.830 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỷ USD.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 13,28 tỷ USD trong 9 tháng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,5 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2021.
Ghi nhận từ thực tế tại các tỉnh phía Nam, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chảy mạnh trong thời gian qua. Chẳng hạn như TP.HCM, mặc dù chịu tác động khá mạnh của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, tuy nhiên thành phố vẫn đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong 9 tháng đầu năm với tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,35 tỷ USD; trong đó có 404 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 380,3 triệu USD; 118 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 648,3 triệu USD và 1.684 lượt góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đạt 1,32 tỷ USD.
Hay như tại Bình Dương, trong 9 tháng đầu năm 2021, địa phương này đã thu hút được gần 1,51 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó: số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 44 dự án với tổng số vốn đăng ký là 482,9 triệu USD và 23 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng là 799,4 triệu USD, 81 dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn 225,4 triệu USD. Đặc biệt ngay trong tháng 8 là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất tại Bình Dương, thì các khu công nghiệp tại đây vẫn thu hút được 34 triệu USD từ các doanh nghiệp nước ngoài. Đầu tháng 9 vừa qua, một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Tetra Pak của Thụy Điển cũng đã đầu tư thêm 5 triệu Euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II.
Tại Đồng Nai tình hình cũng diễn ra tương tự. Bất chấp sự trở ngại từ các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện từ tháng 7/2021, vừa qua, Tập đoàn Nestlé Việt Nam đã đầu tư thêm 132 triệu USD vào nhà máy cà phê tại huyện Vĩnh Cửu. Hãng điện tử Nhật Bản Panasonic cũng đã hoàn thành xây dựng nhà máy mới tại TP. Biên Hòa với vốn đầu tư 45 triệu USD… Tính chung 9 tháng đầu năm, Đồng Nai đã thu hút được 964 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 41 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn khoảng hơn 300 triệu USD…
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) mặc dù dòng vốn FDI vào Việt Nam trong các tháng đầu năm vừa qua có sự ảnh hưởng nhất định từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn có sự hấp dẫn khối ngoại và thứ hạng của Việt Nam trong danh sách các nền kinh tế thu hút vốn FDI nhiều nhất thế giới đã được nâng lên ở top 20 và còn nhiều triển vọng thăng hạng trong dài hạn.
Nhiều tổ chức trong và ngoài nước cũng dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam khi dịch bệnh được kiểm soát nhờ những lợi thế như chính trị ổn định, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lực lượng lao động dồi dào và có kỹ năng tốt… Bên cạnh đó còn là hấp lực từ những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Theo ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB, ở thời điểm hiện tại việc Chính phủ Việt Nam cởi mở hơn trong hoạt động giãn cách xã hội và đưa ra kế hoạch kinh doanh an toàn, sống chung với dịch sẽ tạo điều kiện rất tốt để thu hút các tập đoàn nước ngoài. Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng nhận định rằng, động thái mở cửa nền kinh tế và cho phép doanh nghiệp kinh doanh an toàn trong dịch bệnh sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
Trả lời báo giới mới đây, ông Phạm Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương khẳng định: Thông tin Nike chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam là không chính xác. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cũng bác bỏ thông tin này. “Dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành dệt may và giày dép. Việc Nike chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác là có, nhưng không có chuyện chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Đó là thông tin không chính xác”, bà Xuân nhấn mạnh. Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành mới đây, CEO của Nike cũng khẳng định sẽ không rời bỏ Việt Nam nên không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác. |
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
