Huy động mọi nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế
Mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 6-6,5%
Với 100% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với mục tiêu tổng quát, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu: Tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%...
![]() |
Cần có thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh |
Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết nêu rõ cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở kế thừa và phát triển, vừa toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có dư địa lớn và khả năng bắt kịp, tiến cùng, vượt lên ở khu vực, thế giới và 3 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước...
Đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế. Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về các lĩnh vực giáo dục, y tế, kinh tế tài chính. Trong lĩnh vực kinh tế tài chính, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Hiện nay, nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư của ta đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đây vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng vừa là thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp, linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nợ công được kiểm soát chặt chẽ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Huy động mọi nguồn lực
Phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Bên cạnh đó là phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược. Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành để góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ ngay vướng mắc trong việc đền bù, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... Đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm; kiên quyết điều chuyển vốn ở những dự án không đủ điều kiện, không để xảy ra tình trạng dàn trải, lãng phí…
Trong phần trả lời chất vấn của mình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, quan điểm hoàn toàn ủng hộ việc nới bội chi và nợ công trong một khoảng mà có thể kiểm soát được để hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế. Bởi theo ông, nếu không nới bội chi và nợ công thì rất khó có điều kiện để tăng trưởng, mà không tăng trưởng thì không đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm hay khát vọng đến 2030-2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập trung bình cao.
Liên quan đến chính sách, các công cụ để thực hiện chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ bản vẫn là công cụ thuế, thu ngân sách, công cụ nợ, công cụ chi ngân sách và kết hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ một cách hợp lý, linh hoạt để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Về dư địa nợ công, Bộ trưởng cho biết, hiện nay nếu tính theo GDP cũ, năm 2021 nợ công là 56,8%, có nghĩa vẫn dưới 60%, nhưng vượt ngưỡng cảnh báo là 55%. Đây cũng là một vấn đề phải cân nhắc. Thứ hai, dư nợ Chính phủ là 51,5% nếu tính theo GDP cũ, còn theo GDP mới là 40,5%. Như vậy, năm 2021, nợ công ở mức khoảng 3.750.000 tỷ đồng và nợ Chính phủ khoảng 3.397.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các gói kích cầu này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách và đồng thời giữ được bội chi ngân sách. Tăng bội chi ngân sách trong năm 2022, 2023 nhưng sẽ giảm bội chi ngân sách các năm tiếp theo và làm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, giữ được sức mạnh kinh tế của đất nước”, Bộ trưởng phát biểu và cho biết: “Nếu chúng ta bỏ ra mỗi năm 20.000 tỷ đồng, tức là năm 2022-2023 là 40.000 tỷ đồng thì với lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp khoảng 4%, chúng ta sẽ huy động được khoảng 1 triệu tỷ đồng để bỏ vào nền kinh tế mà không làm tăng bội chi ngân sách, cũng không làm tăng nợ công. Bởi vì, nguồn này sẽ được lấy trong nguồn đầu tư chưa phân bổ trong giai đoạn 2021-2025”.
Đặc biệt, bộ trưởng cho biết đang tính toán một số gói như sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc phát hành công trái hoặc trái phiếu bằng ngoại tệ để huy động tiền trong dân. Nếu gói này chúng ta huy động khoảng 180.000 tỷ đồng trong 2 năm thì bội chi mỗi năm chỉ tăng khoảng 1%, vẫn đảm bảo giữ bội chi an toàn trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, một điều khiến bộ trưởng hết sức băn khoăn là khi có tiền rồi thì nền kinh tế có hấp thụ được hay không và nền kinh tế hấp thụ ở trong những lĩnh vực nào. “Chúng tôi nghĩ tiền này nên đưa vào nền kinh tế ở các dự án đầu tư công để dẫn dắt đầu tư, các dự án, công trình trọng điểm, những lĩnh vực kinh tế tạo nên đột phá lớn. Để tăng trưởng thì chúng ta phải chuẩn bị nhanh, phải lập dự án trong điều kiện đặc biệt thì mới tiêu được tiền bằng các gói kích cầu. Bên cạnh đó là phải thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, như vay để giải quyết công ăn việc làm, để làm nhà ở xã hội hay vay hỗ trợ thì chúng ta tập trung vào Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng vay để cho các doanh nghiệp tập trung phát triển thì thông qua các kênh của ngân hàng thương mại, hoặc các kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
