Hợp lực nâng tầm giá trị nông sản
![]() | Thách thức trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc |
![]() | Đảm bảo hàng nông sản phục vụ Tết |
Liên kết sản xuất lớn lan tỏa
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa thông qua công ty con là CTCP Nông sản Lộc Trời (LTA) đã chính thức góp vốn và trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Lương thực Lộc Nhân (LNG). Như vậy, Lộc Trời chính thức trở thành tập đoàn lúa gạo sở hữu hệ thống nhà máy sấy lớn nhất vùng ĐBSCL với 8 nhà máy và công suất sấy lúa tươi đạt khoảng 12.000 tấn/ngày. Trước đó, LNG từng là doanh nghiệp lúa gạo lớn được hình thành từ nhóm các công ty Hưng Phước, Đại Tài và Hiếu Nhân, vốn là các công ty chuyên về xay xát lúa ở khu vực Cần Thơ và Hậu Giang.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết, việc góp vốn trên là động thái mở rộng hệ sinh thái của tập đoàn này, nhằm khơi thông dòng chảy của nguồn cung nông sản. Ngay khi góp vốn vào LNG, Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết hợp đồng cung ứng 500.000 tấn lúa cho Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I), với trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng. “Đây sẽ là đầu ra tin cậy cho những cánh đồng lúa lớn vừa được Lộc Trời đầu tư tại các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang thời gian vừa qua” – ông Thòn cho biết thêm.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tương tự, hai tập đoàn lớn về lúa gạo khác là Tân Long và Angimex trong năm vừa qua cũng đã thúc đẩy khá mạnh mẽ hoạt động sáp nhập, mở rộng hệ sinh thái sản xuất khép kín. Theo đó, Tân Long hợp tác với các tỉnh An Giang và Kiên Giang, góp vốn vào CTCP Gạo Hạnh Phúc xây dựng nhà máy gạo có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất châu Á - công suất sấy 4.800 tấn/ngày, tổng sức chứa 400.000 tấn.
Trong khi đó, Angimex đã tăng vốn điều lệ thêm hơn 700 tỷ đồng cho công ty con là Công ty TNHH MTV chế biến lương thực Angimex. Doanh nghiệp này cũng góp vốn mở thêm hai công ty thành viên là Công ty Công nghệ cao Angimex chuyên cung ứng máy móc, thiết bị nông nghiệp và góp vốn với CTCP Louis Rice thành lập Công ty TNHH thương mại Louis – Angimex nhằm phát triển các dòng gạo đóng túi phục vụ thị trường bán lẻ.
Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, hoạt động sáp nhập mở rộng lĩnh vực kinh doanh cũng diễn ra khá sôi động. Theo đó, CTCP Thực phẩm Sao Ta đầu tư gần 200 tỷ đồng thâu tóm Công ty TNHH Vĩnh Thuận. Thủy sản Vĩnh Hoàn đầu tư gần 300 tỷ đồng vào công ty Thức ăn thủy sản Feed One tại Đồng Tháp. Trong khi đó, CTCP Chế biến Xuất khẩu Ngô Quyền chi 45 tỷ đồng đầu tư vào Công ty TNHH Hải sản An Lạc nhằm phát triển thêm dịch vụ gia công chế biến thuỷ sản và cho thuê kho lạnh…
Thương hiệu mạnh từ các chuỗi liên kết
Gần đây, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông thủy sản tăng cường hợp tác, sáp nhập như kể trên được giới phân tích đánh giá là tín hiệu rất tích cực trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cho rằng, việc hoàn thiện hệ sinh thái lúa gạo khép kín chính là động lực để đầu tư các thương hiệu gạo quốc gia có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện nay doanh nghiệp này đã vượt qua được các doanh nghiệp của Thái Lan, Ấn Độ trúng nhiều gói thầu bán gạo lứt Japonica vào thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, thương hiệu gạo A An của Tân Long sau 3 năm ra mắt đã phát triển khá mạnh với các dòng gạo chất lượng cao như ST24, ST25, ST24 organic… đạt tiêu chuẩn quốc tế và có giá xuất khẩu cao nhất thị trường.
Đối với các tập đoàn lúa gạo và thủy sản, việc mở rộng sáp nhập và hoàn thiện hệ sinh thái sản xuất – chế biến – xuất khẩu cũng chính là động lực nền tảng để huy động nguồn vốn cho các chiến lược kinh doanh bền vững. Thực tế, trong năm vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời là một trong số những tập đoàn nông nghiệp thành công trong việc kêu gọi nguồn vốn tín dụng tài trợ từ các NHTM trong nước và quốc tế. Mới đây, tập đoàn này đã vay hợp vốn 100 triệu USD từ MB và 6 định chế tài chính nước ngoài để phát triển thương hiệu gạo Việt (Vietnam Rice) xuất khẩu đi các thị trường Pháp, Mỹ và một số nước châu Âu.
Trong khi đó, ở lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, việc hợp tác, sáp nhập các doanh nghiệp cùng ngành để tạo thành các mô hình chuỗi doanh nghiệp khép kín đã tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng tham gia khá mạnh vào quá trình sản xuất phân phối sản phẩm và thanh toán tiêu dùng. Trong năm qua, nhóm doanh nghiệp thuộc Nam Miền Trung Group đã được NamABank tài trợ 30.000 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng hạ tầng, thanh toán và phát triển chuỗi giá trị ngành tôm tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên. HDBank, VietinBank và VPBank hiện cũng đang đầu tư khá mạnh trong việc phát triển các mô hình chuỗi giá trị khép kín 3F (Feed - Farm - Food) đối với các doanh nghiệp ngành chăn nuôi. Dòng vốn từ các ngân hàng tham gia sâu vào các khâu đoạn từ sản xuất đến phân phối, bán lẻ sản phẩm đã mang lại hiệu ứng lan tỏa của làn sóng nông nghiệp không dùng tiền mặt, đồng thời tạo động lực hình thành các thương hiệu mạnh từ các mô hình liên kết khép kín.
Các tập đoàn và doanh nghiệp trong ngành nông sản phát triển các chuỗi sản phẩm có đầu ra ổn định đã tạo vị thế trên thị trường vốn và giúp khẳng định thương hiệu có nhiều cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh
