Hồi chuông cảnh tỉnh mang tên condotel
![]() | Chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng đơn phương chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết |
![]() | Đã đến lúc condotel phải có “giấy khai sinh” |
![]() |
Cocobay Đà Nẵng từng được quảng bá rất hoành tráng |
Dừng cam kết lợi nhuận
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) vừa phát đi thông báo liên quan đến việc thực hiện cam kết lợi nhuận condotel với khách hàng tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Theo đó, trong thư gửi khách hàng chủ đầu tư này giải thích, việc kinh doanh loại hình condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, gặp nhiều vướng mắc.
Bởi vậy, dù đã nỗ lực rất lớn nhằm thực hiện cam kết về lợi nhuận với khách hàng đã mua sản phẩm condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Song, tập đoàn này vẫn không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng. Bởi vậy, từ 1/1/2020, do những khó khăn về dòng tiền, Thành Đô chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Chủ đầu tư chỉ chịu trách nhiệm với các khoản lợi nhuận như đã cam kết đến hết ngày 31/12/2019 cho các chủ sở hữu condotel.
Cùng với việc thông báo dừng chỉ trả theo cam kết, chủ đầu tư dự án này cũng đã ra các phương án, để các khách hàng lựa chọn. Trong đó, giải pháp thứ nhất được chủ đầu tư dự án đưa ra, khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường.
Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm. Hoặc, vẫn giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm. Trong đó, lợi nhuận trong 3 năm đầu theo thị trường. Sau 3 năm thì lợi nhuận cố định hoặc 80% lãi từ kinh doanh sản phẩm này.
Nhóm giải pháp thứ hai là khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán và giao lại các sản phẩm condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký trước đây. Đồng thời, khách hàng nếu tự kinh doanh thì phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định theo quy định của nhà nước và quy chế của tổ hợp dự án Cocobay Đà Nẵng.
Giải pháp cuối cùng được chủ đầu tư đưa ra là hai bên tiến hành thanh lý các condotel đã ký hợp đồng. Công ty Thành Đô hoàn lại tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, chủ đầu tư sẽ khấu trừ một số khoản như, chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh… và khách hàng bàn giao lại sản phẩm cho Thành Đô.
Ngoài các giải pháp trên, chủ đầu tư dự án cũng “thòng” thêm thông tin, khách hàng có thể xem xét và đề xuất các giải pháp khác phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Hiện, với thông báo dừng cam kết chi trả này, đã khiến cho rất nhiều khách hàng tại dự án Cocobay Đà Nẵng như ngồi trên lửa. Bởi, nhìn chung nếu xét kỹ các yếu tố thì các giải pháp của chủ đầu tư đưa ra, phần thiệt đều đang nghiêng về phía các khách hàng.
Cảnh tỉnh các “thượng đế”
Dự án Cocobay Đà Nẵng từng được biết đến là một trong những dự án nổi bật nhất thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực miền Trung, với nguồn vốn lên đến 11.000 tỷ đồng. Chỉ cách đây gần 2 năm, với chiến lược quảng bá rầm rộ, nhiều người đã biết đến dự án này. Đặc biệt, Cocobay Đà Nẵng còn tạo được “cơn sốt”, khi mời được siêu sao bóng đá thế giới C.Ronaldo, đặt bút kí vào hợp đồng mua nhà tại dự án với câu nói “Cocobay, my home in Vietnam”.
Tuy nhiên, Cocobay Đà Nẵng chưa phải là dự án condotel trong nước đầu tiên “bẻ kèo” với các khách hàng. Trước đó, một dự án tại Khánh Hòa cũng đã xảy ra tình trạng tương tự, khi chủ đầu tư thất hứa không thực hiện được các cam kết về lợi nhuận. Tuy nhiên, trường hợp Cocobay Đà Nẵng vẫn là một “cú sốc” lớn cho thị trường condotel. Bởi, đây là một dự án lớn, được quảng cáo là mang tầm khu vực, với “tổ hợp giải trí hàng đầu Đông Nam Á”...
Trên thực tế, như Thời báo Ngân hàng đã nhiều lần có bài phản ánh, sau một thời gian dài phát triển rầm rộ trong cả nước, đặc biệt tại các địa phương có thế mạnh về du lịch như Đà Nẵng hay Khánh Hòa... loại hình bất động sản khá mới mẻ này đang bộc lộ quá nhiều bất cập, chứa đựng đầy rủi ro.
Trong đó, nổi lên là việc đến nay condotel vẫn chưa có “giấy khai sinh”, với các thủ tục pháp lý rõ ràng. Tuy tính pháp lý còn để ngỏ, song nhiều “thượng đế” vẫn sẵn sàng xuống tiền. Nguyên nhân chính, theo nhiều người là do chủ đầu tư các dự án condotel đã đưa ra các cam kết lợi nhuận quá hấp dẫn.
Cụ thể, nhiều chủ đầu tư khi chào bán các dự án condotel đều đưa ra điều khoản cam kết lợi nhuận phổ biến từ 8 -10%/năm. Riêng chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng còn chơi trội hơn khi đưa ra mức 12%. Thông thường, trong kinh doanh lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn. Với mức lợi nhuận cao ngất ngưởng này nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra các cảnh báo rủi ro. Song, nhiều khách hàng vẫn bất chấp, bỏ ngoài tai...
Điều đáng nói, khi các hợp đồng đổ bể phần thiệt thòi lại thường rơi vào các khách hàng. Bởi, nếu như xảy ra những tranh chấp trong hợp đồng mua bán chung cư, đất nền có “sổ hồng” rõ ràng, thì việc giải quyết các tranh chấp rất dễ dàng, với các điều khoản được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trong các hợp đồng mua bán condotel lại chỉ có thể dựa vào Luật Dân sự trên cơ sở những thoả thuận của hai bên chủ đầu tư và các “thượng đế”.
Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa công nhận condotel là loại hình nhà ở trong tương lai. Từ đó dẫn tới nhiều hệ quả pháp lý, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Chưa nói đến chuyện, các hợp đồng mua bán condotel thường là do chủ đầu tư biên soạn. Và lẽ dĩ nhiên, trong đó sẽ có nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các điều khoản chủ đầu tư áp đặt lên khách hàng và hướng thuận lợi về phía mình, kể cả các tình huống có tranh chấp.
Sau đổ bể của Cocobay Đà Nẵng, có thể có những dự án condotel khác rơi vào cảnh tương tự. Chúng ta không mong đợi điều đó xảy ra. Nhưng, lẽ thường mọi thứ ở trên đời này nên được xác định đúng giá trị vốn có của nó. Đến khi có tan vỡ cũng bớt phần day dứt...
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
