Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có yêu cầu “sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Tuy nhiên theo nghiên cứu mà Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, đến nay Việt Nam chưa có bất kỳ khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới (regulatory sandbox) nào được ban hành. Trong khi đó việc thiếu cơ chế này không chỉ hạn chế công cuộc đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, mà còn khiến doanh nghiệp Việt Nam có thể thua trên ngay chính sân nhà, cũng như hạn chế thu hút đầu tư.
![]() |
Ảnh minh họa |
VCCI chỉ ra, giai đoạn 2016-2021, tại Việt Nam chỉ có hai cơ chế thí điểm ban hành, trong đó có cơ chế thử nghiệm cho dịch vụ xe hợp đồng qua ứng dụng điện tử. Phạm vi của cơ chế thí điểm cũng rất hẹp, chỉ áp dụng cho một loại sản phẩm và chỉ các doanh nghiệp có đề án được chấp thuận mới được tham gia cơ chế.
Đáng chú ý theo các chuyên gia, ý tưởng của việc xây dựng sandbox là cho phép doanh nghiệp được miễn thực hiện những nghĩa vụ nhất định, song tại một số cơ chế thí điểm đang áp dụng lại không thực sự “miễn trừ” này, mà dường như còn cố tạo ra không gian bổ sung bên cạnh các quy định sẵn có. Các hạn chế này đã hạn chế hoạt động của doanh nghiệp tham gia thí điểm và khó có khả năng nhân rộng đáp ứng mục tiêu hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Việc thiếu sandbox cũng đang trở thành một rào cản thu hút đầu tư khi các nhà đầu tư e ngại do hành lang pháp lý chưa rõ ràng.
Một trong những vấn đề mà VCCI đưa ra là hiện có rất nhiều loại văn bản quy định về sandbox, thậm chí đang có xu hướng luật hóa. TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đặt ra một luật để cho cái mới được thử nghiệm sẽ không còn là sandbox nữa, vì chúng ta đã hiểu nó đâu mà đặt ra. "Theo tôi, sandbox là tạo ra một không gian để cho doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm mới và tự do hoàn toàn trong việc đó và chúng ta đứng ngoài theo dõi, đánh giá, trên cơ sở đó, ban hành quy định để điều chỉnh chứ không phải là ban hành quy định trước để cho họ làm thì không còn gì là sandbox".
Đồng quan điểm này, bà Chu Thị Hoa - Phó viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp nhìn nhận, sandbox chính là nơi mà doanh nghiệp được miễn trừ một phần nghĩa vụ, gọi là được giảm nhẹ một số các thủ tục pháp lý. Nếu sandbox mà lại quy định chặt chẽ như pháp luật thì chúng ta dùng khung pháp luật hiện tại mà điều chỉnh chứ cần gì sandbox. Hơn thế, theo bà Hoa nếu sandbox phải chờ các quy định trong luật cho phép sau đó mới đến Quốc hội ủy quyền lập pháp cho Chính phủ và Chính phủ mới làm nghị định thì như thế rất là lâu.
Ông Lê Duy Bình - Giám đốc Công ty Economia Việt Nam thì cho rằng, cách tiếp cận về sandbox của chúng ta hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc cho thí điểm những cơ chế mà các nước trên thế giới đã thực hiện để đưa vào thị trường. Như vậy, chúng ta sẽ không thể khuyến khích được sáng tạo những sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới. Thậm chí tạo ra sự e ngại cho cộng đồng doanh nghiệp rằng: Họ sẽ luôn luôn phải làm trong tình trạng thí điểm, làm trong tình trạng mà không thể tiên liệu được trước vấn đề này trong tương lai sẽ như thế nào.
Vì vậy theo ông Bình, chúng ta không cần chú trọng đặt ra quá nhiều sandbox mà cần quan tâm đến cái cốt lõi của vấn đề là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp có thể sáng tạo, có thể được công nhận và được pháp luật bảo vệ những sáng tạo mới. "Cốt lõi của vấn đề là nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật Việt Nam, bảo vệ quyền tự do sáng tạo, bảo vệ các quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp là được làm những gì pháp luật không cấm. Nếu chúng ta thực hiện được cái điều đó thì hạn chế bớt cái nhu cầu mà chúng ta phải thiết kế những chính sách về sandbox", ông khuyến nghị.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
