Hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản
![]() | Thủ tướng chỉ đạo giải quyết sự cố hải sản chết bất thường |
![]() | Thống đốc chỉ đạo hỗ trợ ngư dân, DN khắc phục hậu quả thủy, hải sản chết bất thường |
Quản lý chặt nguồn cung
Mặc dù không nằm trong vùng cá chết hàng loạt như một số địa phương ở khu vực Bắc miền Trung, song trước tin đồn cá bị nhiễm độc, chết hàng loạt nên việc tiêu thụ hải sản ở TP. Đà Nẵng trong thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngư dân điêu đứng vì đánh cá tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa song mang về vẫn không thể tiêu thụ được…
Do vậy, để hỗ trợ cho ngư dân tiêu thụ sản phẩm, tạo sự yên tâm cho người dân địa phương lẫn du khách, TP. Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn cung hải sản trên địa bàn.
![]() |
Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân |
Được biết, toàn thành phố hiện có gần 400 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó khoảng 250 chiếc hoạt động chủ yếu ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa… Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) cho biết, mỗi ngày cảng Thọ Quang tiếp nhận từ 30 đến 50 tàu cá với gần 200 tấn hải sản các loại.
Như vậy, lượng hải sản hàng ngày đưa về TP. Đà Nẵng tương đối lớn. Để kiểm soát được nguồn cung hải sản, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng khẩn trương hướng dẫn ngư dân vùng khai thác hải sản, quản lý chặt các phương tiện đánh bắt hải sản, bảo đảm việc đánh bắt ở các vùng biển không nghi ngờ về ô nhiễm…
Theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, trước hiện tượng cá chết hàng loạt DN vẫn mua cá xuất khẩu, nhưng người tiêu dùng có tâm lý sợ cá bẩn nên không tiêu thụ cá. Vì vậy, cơ quan chức năng đang tiến hành nhiều giải pháp, trong đó tập trung truy xuất nguồn gốc thuỷ hải sản.
Theo đó, kể từ ngày 1/5/2016, mỗi tàu cá có một cuốn sổ ghi toạ độ đánh bắt. Lực lượng Biên phòng yêu cầu các tàu thuyền ra khơi phải đảm bảo quy trình đánh bắt, đăng ký và thông báo đầy đủ về tọa độ, hải trình đánh bắt, khả năng trữ lượng hải sản, ngày xuất bến và trở về bến.
Trước khi tàu trở về bến, Ban quản lý cảng cá nắm vững dự kiến số lượng tàu về, số lượng cá đánh bắt được, thời gian cập bến để có kế hoạch tổ chức thu mua. Khi tàu về cảng, Chi cục thủy sản thành phố sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng hải sản. Sau đó, Ban quản lý cảng làm việc với DN, cơ sở tổ chức thu mua, hướng dẫn chuẩn bị phương tiện vật chất để đón tàu, nhanh chóng giải phóng tàu, chống ép giá…
Đặc biệt, không để ngư dân chịu thiệt thòi, UBND thành phố sẽ hỗ trợ bằng việc thu mua trở lại trong trường hợp các điểm bán cá sạch không tiêu thụ hết số cá trong ngày. UBND TP. Đà Nẵng cũng đã giao cho ngành Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý tại các chợ; tổ chức kiểm tra nguồn cung cấp hải sản tại các chợ và các cơ sở kinh doanh, không cho phép hải sản không rõ nguồn gốc vào bán trong chợ.
Kết hợp nhiều giải pháp
Tại TP. Đà Nẵng, cũng như một số địa phương khác, để hỗ trợ ngư dân tiêu thụ lượng hải sản đánh bắt được trong thời điểm khó khăn như hiện nay, chính quyền địa phương đã và đang tích cực kêu gọi các DN thu mua, chế biến thuỷ hải sản vào cuộc quyết liệt hơn, nhằm chia sẻ những thiệt thòi cho bà con.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản trên địa bàn, lên phương án kế hoạch đẩy mạnh thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản.
Đặc biệt, yêu cầu các DN không được lợi dụng tình hình để ép giá, gây khó khăn cho bà con ngư dân. Đồng thời, có biện pháp kiến nghị lên chính quyền hỗ trợ cho các DN thu mua hải sản cho bà con ngư dân. Để thuận tiện cho công việc, hỗ trợ ngư dân lẫn DN, UBND TP. Đà Nẵng đã ra quyết định thành lập “Ban chỉ huy tiền phương”, do ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng làm Chỉ huy trưởng. Trụ sở của “Ban chỉ huy tiền phương” đóng ngay tại cảng cá Thọ Quang, để trực tiếp xử lý mọi vấn đề xảy ra.
Ngoài việc quản lý chặt nguồn cung hải sản cũng như phát huy vai trò của DN, TP. Đà Nẵng còn yêu cầu mở rộng các điểm bán hải sản sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ ở trên địa bàn. Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu mỗi quận huyện phải tổ chức ngay mỗi chợ một địa điểm bán hải sản sạch cho người dân. Nguồn cá sẽ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông qua những DN, cơ sở có uy tín.
Tại các điểm bán cá sạch này có niêm yết rõ giá cả, chất lượng, nguồn cung cấp, tên người bán… Thông tin về các điểm bán hải sản sạch được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử TP. Đà Nẵng tại địa chỉ danang.gov.vn và qua tổng đài 0511.1022.
Tiếp tục hỗ trợ ngư dân cũng như trấn an du khách lẫn người dân địa phương, vào ngày 1/5/2016 tại công viên Biển Đông, Sở Văn hoá Thể thao và du lịch TP. Đà Nẵng còn tổ chức Tuần lễ ẩm thực biển Đà Nẵng 2016.
Theo đó, lễ hội ẩm thực biển lần này là một trong những hoạt động quảng bá hải sản của thành phố, đồng thời cũng là hoạt động truyền thông nhằm hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản sạch. Tuần lễ ẩm thực biển sẽ diễn ra đến hết ngày 7/5/2016, với sự tham gia của 15 nhà hàng, đơn vị kinh doanh ẩm thực có thương hiệu trên địa bàn.
Đặc biệt, ngay sau buổi khai trương chương trình Tuần lễ ẩm thực biển Đà Nẵng 2016, đích thân chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, cùng chủ tịch UBND các quận, huyện, giám đốc các sở ngành của địa phương đã ăn hải sản của các nhà hàng, DN tham dự chương trình.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo bộ phận căng-tin tại Trung tâm hành chính sử dụng hải sản để chế biến các món ăn phục vụ cán bộ công chức ăn trưa, khuyến khích thực hiện đến khi tình hình tiêu thụ hải sản của ngư dân TP. Đà Nẵng trở lại bình thường... Những nỗ lực này góp phần tạo tâm lý an tâm cho người dân lẫn du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng không phải kiêng dè, lo lắng.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
