Hiên ngang những “cột mốc sống”chủ quyền
Quyết vươn khơi, bám biển
Thuyền trưởng tàu hậu cần và cũng là tàu vỏ thép lớn nhất miền Trung Lê Văn Sang ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng khẳng định: Lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc là phi lý, ngư dân chúng tôi vẫn kiên quyết đánh bắt ở ngư trường truyền thống theo đúng luật pháp quốc tế. Theo anh, hiện nay không ít ngư dân vẫn bám trụ, đánh bắt ở những khu vực mà Trung Quốc ra lệnh cấm phi lý.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Sương ở quận Sơn Trà, người có thâm niên cho tàu đánh bắt tại ngư trường vịnh Bắc Bộ cho biết: Tàu chúng tôi vẫn ra khu vực vịnh Bắc Bộ để đánh bắt hải sản, kết hợp bảo vệ chủ quyền. Lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị đối với ngư dân Việt Nam khi chúng ta đánh bắt trên ngư trường thuộc chủ quyền của chúng ta.
Cùng với ngư dân Đà Nẵng, nhiều ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng bất bình. “Mùa này ở vịnh Bắc Bộ cá nhiều nên chúng tôi vẫn tiếp tục đến khu vực này để khai thác. Chúng tôi sẽ đoàn kết lẫn nhau trên biển và không hề sợ, dù Trung Quốc có hăm dọa, xua đuổi”, một thuyền viên của tàu Quảng Ngãi bức xúc.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải huyện đảo Lý Sơn cho hay, trong những ngày qua đã có hàng chục tàu cá đánh bắt xa bờ của xã đã vượt sóng ra khơi bất chấp lệnh cấm vô lý của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá TP. Đà Nẵng cho biết, những ngày qua ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đang neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) vẫn đang khẩn trương chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho tàu ra khơi đánh bắt tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và vịnh Bắc Bộ, thể hiện quyết tâm bám biển, bảo vệ ngư trường.
![]() |
Hàng chục con tàu với công suất lớn đang hối hả hoàn thành để vươn khơi |
Tự tin những “con tàu 67”
Không ngần ngại trước lệnh cấm của Trung Quốc, tại bãi đóng tàu ở xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi, hàng chục con tàu với công suất lớn được tài trợ vốn của ngành Ngân hàng vẫn được những người thợ nơi đây hối hả hoàn thành để kịp vươn khơi. Ngư dân Phạm Văn Đẹp mặc dầu đã có một chiếc tàu với công suất 700CV, nhưng anh vẫn tiếp tục đầu tư 7 tỷ đồng đóng mới và sắp hoàn thành chiếc tàu có công suất lớn hơn để vượt sóng ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
Thực hiện chính sách thí điểm đóng tàu vỏ thép khai thác hải sản xa bờ cho ngư dân, thật ý nghĩa khi mới đây, tại Cảng cá Sa Kỳ, Quảng Ngãi, quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi và đại diện lãnh đạo ngành Ngân hàng đã tổ chức lễ bàn giao 2 tàu đánh cá vỏ thép cho hai ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt ở huyện Bình Sơn và Huỳnh Luận ở huyện Đức Phổ.
Ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt cho biết: “Những con tàu sắt này với sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng sẽ giúp ngư dân chúng tôi yên tâm vươn khơi, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Đến nay, cùng với việc triển khai Nghị định 67 giúp ngư dân đóng mới 13 chiếc tàu đánh cá, trong đó có 2 chiếc tàu vỏ thép, quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi cùng với sự giúp sức của ngành Ngân hàng (mỗi năm ngành Ngân hàng tài trợ 5 tỷ đồng) đã hỗ trợ bà con ngư dân trong tỉnh hơn 100 máy dò cá, máy định vị vệ tinh, máy thông tin liên lạc tầm xa với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng.
Chị Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90657 TS vừa được đóng mới để thay thế tàu ĐNa 90152 TS bị tàu sắt Trung Quốc đâm chìm vào năm ngoái tự tin cho biết, Trung Quốc lại vừa tự ý đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, nhưng thực ra trước đó họ đã xua đuổi các tàu cá của Việt Nam rất dữ. Họ cấm là chuyện của họ. Đây đâu phải lần đầu họ cấm. Còn mình đi thì cứ đi. Ra biển, nay đã có tàu lớn rồi còn sợ gì?
Trước tình hình bà con ngư dân bị làm khó ở các ngư trường truyền thống, ông Trần Văn Lĩnh cho biết, Hội Nghề cá Đà Nẵng đang tích cực nắm tình hình, động viên bà con ngư dân kiên trì bám biển và kịch liệt phản đối, lên án lệnh cấm cũng như việc ngăn chặn, xua đuổi ngư dân Việt Nam hành nghề hợp pháp trên Biển Đông. Đây cũng là vụ làm ăn chính nên ngư dân cứ coi cái lệnh này là bình thường, không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, ngư dân ra khơi phải đánh bắt theo tổ, đội, đoàn kết lẫn nhau, đồng thời tránh xa tàu chấp pháp của họ.
Để bảo vệ ngư dân yên tâm đánh bắt cá, khai thác hải sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu sớm ngăn chặn, chấm dứt hành động xua đuổi của tàu Trung Quốc, lợi dụng lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
