Hiến kế giúp phục hồi thị trường bất động sản
Hội thảo do Báo Xây dựng phối hợp cùng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả đầu ngành cùng nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản.
![]() |
Toàn cảnh tọa đàm |
Bất động sản ảnh hưởng nặng nề
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn ra trên quy mô toàn cầu làm suy yếu nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, thị trường bất động sản ở Mỹ, Anh, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Nga, Đức… đóng băng chưa có dấu hiệu phục hồi.
Dịch bệnh thời gian qua đã ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội nhiều nước, trong đó có Việt Nam, bất động sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. So với năm 2018, nguồn cung bất động sản giảm do dự án tạm dừng đình hoãn từ trước, thủ tục pháp lý hoặc thiếu vốn. Riêng nhà ở thương mại tiêu thụ chỉ đạt 14%, lượng giao dịch thành công giảm mạnh.
Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng không có nguồn thu. Giá bán nhà tăng so với năm 2019… Các doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với năm 2019 và 200 sàn hoạt động cầm chừng, gần 80% sàn tạm ngừng giao dịch...
Trong quý I năm nay, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua, bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý 4/2019 và chỉ bằng 14% của năm 2019.
Tỷ lệ văn phòng cho thuê còn trống trong quý 1/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019 (văn phòng hạng A trống 10,8%; hạng B trống 5,6%). Các khu du lịch, nghỉ dưỡng tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu…
Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ năm 2014 đến năm 2019), thị trường bất động sản có xu hướng chững lại ở một số phân khúc. Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững. Hiện hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và hàng trăm Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành…
Ngoài ra, còn có gần 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật. Nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, vận hành bất động sản còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Còn thiếu các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh các sản phẩm bất động sản mới xuất hiện trên thị trường như bất động sản du lịch (biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà phố du lịch).
Tác động tiêu cực lịch sử của đại dịch Covid-19 như thu nhập của những người làm nghề này khó khăn. Tồn kho bất động sản vẫn nhiều đặc biệt là bất động sản cao cấp. Các dự án chưa thể khai thác như condotel, du lịch nghỉ dưỡng… đã hoàn thiện nhưng chưa có khách nên không dám mở cửa.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn như giảm 15% tiền thuê đất do Nhà nước cho thuê đất; giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đất đai, thuế…
![]() |
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ để thị trường BĐS vươt qua khó khăn |
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản: thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp…
“Về giải pháp lâu dài, việc chồng chéo các quy định của pháp luật được rà soát liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản; sửa đổi thủ tục rõ ràng, thuận tiện hơn. Bộ được Chính phủ giao sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo tính đồng bộ và cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đồng bộ sửa đổi Nghị định và Thông tư hướng dẫn liên quan, hợp nhất thành 1 Nghị định và Thông tư hướng dẫn, giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện thuận lợi”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề xuất, sau Covid-19, để phục hồi thị trường bất động sản, cần có những biện pháp cụ thể. Trở ngại lớn nhất để phục hồi thị trường là các vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, thủ tục giải phóng mặt bằng, đất phân lô bán nền và tính không minh bạch từ quy hoạch đến thủ tục chuyển mục đích sử dụng…
Để khắc phục tình trạng vô cùng phức tạp này, cần có cơ quan chuyên trách rà soát lại toàn bộ quy định pháp lý, giúp chỉnh sửa các luật, đơn giản hóa thủ tục, chế tài xử lý minh bạch và phải làm liên tục trong vài năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ có thể xem xét để giảm thuế cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản, đặc biệt là thuế quyền sử dụng đất, thuế phí vận tải, vận chuyển và thuế của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà thầu xây dựng…
“Biện pháp tín dụng là biện pháp hiệu quả nhất. Nhà nước cần giảm tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng bất động sản; nới lỏng các biện pháp hạn chế cho vay bất động sản và cho vay mua nhà; tạm thời duy trì tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm một số năm. Cùng với đó, thiết lập quan hệ tín dụng hiệu quả giữa ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu và khách hàng để thúc đẩy cả cung và cầu phục hồi hợp lý, có kiểm soát tốt; giảm lãi suất cho vay trung dài hạn trên cơ sở sử dụng đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ theo hướng phục hồi tăng trưởng tín dụng hợp lý”, ông Nghĩa cho hay.
Đề xuất nhóm giải pháp cho doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, cần thực hiện mô hình 3 Rs: Respond (ứng phó với đại dịch), Ricover (phục hồi), Re-invent (đổi mới sáng tạo trong mô hình/ chiến lược kinh doanh) + 2Rs khác: Restructure (tái cơ cấu) và Resilience (khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài).
Doanh nghiệp cần tập trung 4 trọng tâm là người lao động; quản lý tài chính; khách hàng và đối tác. “Xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh số; tăng cường kết nối, xác lập và chủ động định vị trong chuỗi giá trị… Tóm lại con người và công nghệ là 2 đột phá chiến lược”, ông Lực nói.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Báo động mất cân đối cơ cấu nguồn cung nhà ở

Sẽ tháo gỡ triệt để nút thắt về nhà ở xã hội

Hà Nội sẽ xây thêm hầm chui, mở rộng làn đường Hoàng Quốc Việt

Đất nền miền Bắc trỗi dậy mạnh mẽ

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Vista Residence Da Nang: Giá trị thặng dư bền vững hay “cơn sốt” nhất thời?

Ra mắt siêu đô thị Sun Mega City rộng 1690ha - biểu tượng thịnh vượng phía Nam Hà Nội

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực
