Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân góp phần phát triển kinh tế tập thể
Giải pháp căn cơ để hỗ trợ hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân phát triển bền vững Phú Thọ: 30 năm xây dựng và phát triển bền vững hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân |
Ngày 27/7/1993 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 390/TTg triển khai Đề án thí điểm thành lập Quỹ tín dụng nhân dân. Trong giai đoạn đầu thực hiện thí điểm (1993-1995), Vĩnh Phú là một trong 14 tỉnh, thành của cả nước được Trung ương lựa chọn triển khai thí điểm. Sau ngày tái lập tỉnh Phú Thọ (1/1/1997), hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân được sắp xếp lại. Lúc này Phú Thọ có 28 Quỹ và một Quỹ tín dụng nhân dân khu vực với tổng nguồn vốn hoạt động gần 41 tỷ đồng với 18.435 thành viên tham gia, vốn điều lệ trên 2,5 tỷ đồng, vốn huy động gần 28,5 tỷ đồng, dư nợ cho vay trên 37,2 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 3,66%.
Tuy nhiên, sau giai đoạn thí điểm, Phú Thọ có 11/28 Quỹ hoạt động yếu kém, là một trong 21 tỉnh trọng điểm nằm trong diện phải phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của NHNN Việt Nam theo dõi, chỉ đạo việc củng cố, chấn chỉnh. Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị số 57/CT-TW, ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, đồng thời xây dựng phương án củng cố, chấn chỉnh, xử lý các Quỹ yếu kém. Từ sự chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, ngành, địa phương, hệ thống Quỹ đã hoàn thành 100% kế hoạch củng cố, chấn chỉnh.
Hết năm 2010, cả tỉnh có 35 Quỹ với 35.319 thành viên, nguồn vốn hoạt động gần 764 tỷ đồng, vốn điều lệ khoảng 25 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay gần 710 tỷ đồng, tỉ lệ nợ xấu 0,78%, 34/35 Quỹ kinh doanh có lãi, 100% Quỹ sử dụng phần mềm tiện ích trong giao dịch. Song hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân Phú Thọ vẫn còn 21/35 Quỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra yêu cầu phải tái cơ cấu. Thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020; và nay là Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đặc biệt là thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Chi nhánh tỉnh đã nhanh chóng tiến hành phân loại các Quỹ tiềm ẩn rủi ro để có giải pháp xử lý phù hợp. Đồng thời xây dựng chiến lược có tính đột phá để phục vụ công tác quản lý theo hướng tập trung xây dựng hệ thống kết nối thông tin giữa NHNN với các Quỹ; hướng dẫn Quỹ hoạt động theo quy mô dư nợ, tổ chức các phương án mở rộng địa bàn hoạt động, sắp xếp hoạt động sau sáp nhập địa giới hành chính và định hướng tiên lượng...
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Ngân hàng, đến nay, toàn tỉnh có 39 Quỹ và 16 Phòng giao dịch, 512 cán bộ, nhân viên, trong đó trình độ thạc sĩ 2%, đại học 86%. Tổng nguồn vốn hoạt động 7.600 tỷ đồng, dư nợ cho vay trên 6.400 tỷ đồng với hơn 53.000 thành viên, vốn điều lệ trên 287 tỷ đồng; 100% Quỹ kinh doanh có lãi, nợ xấu chiếm 0,57% tổng dư nợ; các Quỹ đều có trụ sở làm việc khang trang; 100% Quỹ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giao dịch...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, sự quan tâm chỉ đạo rất tích cực của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và các cấp chính quyền cơ sở đặc biệt là cấp xã phường là sự hỗ trợ rất quan trọng, quyết định cho sự ổn định, sau đó là an toàn, lành mạnh và phát triển của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Bên cạnh đó là sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ với tư cách là cơ quan quản lý trong nhiều thời kỳ. Phú Thọ là tỉnh đầu tiên, tiên phong xây dựng hệ thống phần mềm kết nối thông tin trực tiếp giữa NHNN chi nhánh và các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; Chủ động triển khai thực hiện phương án tổ chức sắp xếp hoạt động khi sáp nhập địa giới hành chính; Sớm xây dựng và triển khai Đề án xử lý nợ xấu; Triển khai phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với từng cấp độ Quy mô hoạt động; là tỉnh đi đầu và triển khai Đề án định hướng tiền lương tới các Quỹ tín dụng nhân dân. Bên cạnh đó các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động nghiêm túc, chấp hành đúng quy định của Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng cũng như các chính sách phát triển của tỉnh, đảm bảo được các quy chuẩn an toàn, lành mạnh hoạt động, bản thân các Quỹ tín dụng nhân dân đã cơ cấu và nâng cao năng lực của mình.
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh một số định hướng lớn trong phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân: Một là khẳng định lại định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ về vai trò và sự cần thiết của mô hình HTX trong hoạt động kinh doanh tiền tệ; phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân góp phần phát triển kinh tế tập thể. Hai là cần phải đổi mới khẩn trương mô hình Quỹ tín dụng nhân dân phù hợp với thực tế, đổi mới căn bản hệ thống hỗ trợ Quỹ tín dụng nhân dân. Ba là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, đặc biệt trong việc sửa luật, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động.
Bốn là bản thân các Quỹ tín dụng nhân dân cần cơ cấu lại, nâng cao năng lực tài chính bằng việc huy động thành viên tham gia tăng vốn điều lệ, mạnh dạn ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành.
Năm là từng bước nâng cao năng lực liên kết hệ thống đặc biệt là nâng cao vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi hỗ trợ các quỹ khó khăn, tạo cơ chế phát triển sản phẩm cho các Quỹ tín dụng nhân dân. Cuối cùng là tăng cường công tác thanh tra giám sát, tăng cường vai trò quản lý cấp chính quyền đặc biệt là cấp xã phường.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt kỳ vọng Phú Thọ tiếp tục là một trong những tỉnh đi đầu trong duy trì hoạt động có hiệu quả hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Ông cũng mong muốn NHNN Chi nhánh Phú Thọ tiếp tục năng động sáng tạo, tạo điều kiện, môi trường cho các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, hiệu quả.
Tin liên quan
Tin khác

Kiến thức tài chính – hành trang không thể thiếu trong học đường

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Giáo dục tài chính: “Bệ phóng” cho chiến lược tài chính toàn diện

Hà Nội bố trí 6.000 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội

“Tài chính thông minh”: Mô hình giáo dục tài chính thiết thực

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc
