Hệ thống ngân hàng có nguồn vốn ổn định để cung ứng cho nền kinh tế
![]() | Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội |
![]() | Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Vẫn thiếu mô hình quản lý vốn Nhà nước |
![]() |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) |
Tác động lớn từ chiến tranh thương mại
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động nhiều chiều đến kinh tế Việt Nam, cả theo hướng thuận và không thuận.
Về mặt không thuận, Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc tăng cao, các vấn đề như gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa… diễn biến phức tạp đòi hỏi Chính phủ cần quan tâm ngăn chặn hiệu quả.
Trong 10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc là 62 tỷ USD, tăng 16,1% dẫn đến nhập siêu từ Trung Quốc lên tới trên 29 tỷ USD, cao hơn cả năm 2018.
Về mặt thuận, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng cao. Xuất khẩu 10 tháng vào Mỹ đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ và xuất siêu vào Mỹ 10 tháng là 37,9 tỷ USD. Đây là con số gây sự chú ý cho Bộ Thương mại Mỹ.
Cũng chịu tác động từ chiến tranh thương mại, thay đổi chuỗi sản xuất, dòng vốn FDI có những điều chỉnh. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam liên tiếp gia tăng trong 4 năm qua, từ 2016 đến tháng 10/2019 giải ngân được 68,6 tỷ USD, đóng góp 23% trong tổng vốn đầu tư xã hội và 20% GDP. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, những kết quả mang lại từ FDI là chưa chọn vẹn.
Mặc dù trong những năm qua, việc chúng ta duy trì được xuất siêu đã góp phần cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì có đến 70% là từ khối doanh nghiệp FDI.
“Trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi cấp phép đầu tư cần ưu tiên các yếu tố an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, công nghệ là những tiêu chí hàng đầu theo đúng định hướng Nghị quyết của Bộ Chính trị”, ông Ngân nói.
Vốn vẫn là một động lực tăng trưởng
Đề cập đến vấn đề phát triển, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân: “Trong các yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế như lao động, vốn, TFP… thì yếu tố vốn vẫn quyết định đến 45 - 50% GDP. Vốn đến từ đâu? Một trong những nguồn vốn quan trọng là nguồn vốn tín dụng”.
Trong khoảng 5 năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của Chính phủ, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%, kéo giảm bội chi, nợ công, xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và an toàn hệ thống ngân hàng.
“Vì lẽ đó, người dân vẫn tin tưởng và gửi tiền vào hệ thống. Cho đến tháng 7/2019, hệ thống ngân hàng huy động nguồn vốn đạt trên 8,2 triệu tỷ đồng, trong đó 4,7 triệu tỷ là đến từ tiền gửi của người dân. Và nhờ vậy, hệ thống ngân hàng có nguồn vốn ổn định để cung ứng cho nền kinh tế”, đại biểu cho biết.
Do đó theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay trở lại.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính để thị trường tài chính chứng khoán trở thành kênh cung ứng vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Ông cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ để TP. Hồ Chí Minh xây dựng thành công trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.
Cần quan tâm hơn đến thị trường trong nước
Theo ông Ngân, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại. Vì vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước.
“Chúng ta cần triển khai có hiệu quả Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến đến người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam”, ông nói.
Trong đó, cần chú ý đến yếu tố chất lượng, mẫu mã sản phẩm bởi thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp đôi từ năm 2010 (1.310 USD/người) lên 2.780 USD/người hiện nay. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần triển khai có hiệu quả các FTA mà chúng ta đã ký kết.
Ngoài ra, để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị cần tiếp tục dành nguồn lực cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp đồng bộ và ổn định.
Đồng thời, cần có khởi động sớm việc xây dựng thể chế liên quan đến phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, cũng như quản lý có hiệu quả và hỗ trợ cho sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, cần hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và triển khai có hiệu quả các tài sản trí tuệ do người Việt Nam tạo ra trên thế giới; tiếp tục hoàn thiện thể chế vùng, giúp cho các tỉnh trong vùng liên kết, hỗ trợ, bổ trợ cho nhau cùng phát triển.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
