Hành trình tiếp cận các chuẩn mực quốc tế
![]() | Thư chúc mừng của Thống đốc NHNN nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Vụ Kiểm toán nội bộ |
Thưa ông, một trong những nội dung mà vụ hướng tới trong những năm qua là xây dựng KTNB theo chuẩn mực quốc tế. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những bước chuyển trong hành trình này?
Ngay từ ngày đầu thành lập (tháng 12/1990), Vụ Tổng kiểm soát, nay là Vụ Kiểm toán nội bộ (KTNB), đã được xác định là đơn vị thuộc tổ chức bộ máy của NHNN, được thiết kế theo mô hình của một số ngân hàng trung ương (NHTW) có chức năng nhiệm vụ và tổ chức tương đồng trên cơ sở sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia của Dự án VIE 93/007.
Tuy nhiên, với tính chất hoàn toàn mới, nhiệm vụ trong giai đoạn đầu của vụ chủ yếu tập trung vào kiểm tra, kiểm soát an toàn tài sản kho quỹ, tiêu hủy tiền, kiểm tra chấp hành chế độ kế toán, quản lý thu, chi tài chính thông thường. Vì vậy, để hướng tới việc tiếp cận các chuẩn mực kiểm toán quốc tế về KTNB của NHTW, từ năm 1996, vụ đã bắt đầu chuyển hướng nghiên cứu chuyển đổi mô hình KTNB tập trung vào tính tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với các đơn vị, hoạt động nghiệp vụ tại NHNN.
Quá trình này được đánh dấu bằng việc vụ đã xây dựng đề án trình và được Thống đốc NHNN chấp thuận thành lập thêm phòng KTNB thuộc bộ máy của vụ. Đồng thời vụ triển khai thực hiện thí điểm kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động tại 8 đơn vị thuộc NHNN dưới sự tham gia tư vấn của chuyên gia dự án hỗ trợ kỹ thuật Đức - GTZ (gồm 2 vụ, cục tại NHTW và 6 chi nhánh).
Trên cơ sở kết quả triển khai theo mô hình, nhiệm vụ mới, năm 1998 vụ đã tham mưu cho Thống đốc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động mới của Vụ Tổng kiểm soát, tạo ra bước chuyển mới trong nhận thức về vai trò, vị trí, mục tiêu của công tác kiểm soát, KTNB NHNN, đồng thời cũng làm rõ về mặt nhận thức giữa khái niệm, nội hàm “kiểm toán nội bộ”, “hệ thống kiểm soát nội bộ”.
Từ đây, hoạt động của Vụ Tổng kiểm soát được xác định là một bộ phận cấu thành của hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB), với chức năng KTNB và tham mưu giúp Thống đốc chỉ đạo, thiết lập, chỉ đạo hệ thống KSNB hiệu quả, đồng thời thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá hiệu quả, tư vấn hoàn thiện hệ thống KSNB tại các đơn vị, nhằm duy trì môi trường kiểm soát lành mạnh, có hiệu quả trong quá trình quản lý và tổ chức hoạt động của hệ thống NHNN.
Trong giai đoạn này, việc kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động là một nội dung hoàn toàn mới trên cả phương diện lý thuyết và thực hành. Song với phương châm vừa làm vừa học, kết hợp với tổng kết rút kinh nghiệm từ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cán bộ công chức của vụ đã vượt qua được thời gian đầu khó khăn, từng bước tạo lập cơ sở pháp lý và phương pháp luận vững chắc về kiểm toán tuân thủ và hoạt động, đưa loại hình kiểm toán này trở thành một trọng tâm quan trọng trong nhiệm vụ kiểm toán hàng năm của NHNN.
Đây là nền tảng để đến năm 2008, với sự tư vấn, hỗ trợ tích cực của các chuyên gia GTZ, tham khảo kinh nghiệm của NHTW các nước, cũng như khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vụ đã trình và được Thống đốc NHNN quyết định chuyển đổi tên Vụ Tổng kiểm soát thành Vụ KTNB, đồng thời thực hiện xây dựng mô hình tổ chức các phòng chuyên môn và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu theo yêu cầu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đến nay, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của vụ đã được quy định cụ thể, sát với chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu KTNB và được quy định cụ thể tại chương VI, Luật NHNN năm 2010, cơ bản tiếp cận mô hình KTNB NHTW theo thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho vụ triển khai và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
![]() |
Vụ KTNB luôn lấy con người làm mũi nhọn để đột phá, nâng cao chất lượng kiểm toán |
Như vậy so với mô hình hoạt động ban đầu, hoạt động của vụ đã có nhiều thay đổi từ bản chất hoạt động cho đến những yêu cầu cao hơn về mặt nghiệp vụ. Vậy vụ đã có giải pháp gì để có thể triển khai tốt vai trò, nhiệm vụ mới?
Có thể nói đây là một bài toán mà các thế hệ lãnh đạo, công chức của vụ phải thường xuyên suy nghĩ, tập trung chỉ đạo nghiên cứu xây dựng từ chiến lược tổng thể cho tới các chương trình, kế hoạch chi tiết để nhanh chóng đáp ứng với xu hướng và yêu cầu quản lý đặt ra của NHNN.
Từ việc khắc phục những khó khăn ban đầu thành lập vụ với lực lượng rất mỏng chỉ có 7 - 8 người đều là các cán bộ được điều từ các vụ, cục chuyên môn khác sang, chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế về công tác KSNB, đặc biệt là khi chuyển sang KTNB theo hướng tuân thủ, hoạt động trên cơ sở tiếp cận các chuẩn mực của Viện Kiểm toán viên nội bộ quốc tế (IIA) với nhiều yêu cầu mới về sứ mệnh, quy tắc đạo đức, các chuẩn mực và hướng dẫn liên quan. Chưa kể những khó khăn khi triển khai ở một cơ quan nhà nước với các mảng nghiệp vụ đa dạng, phức tạp và nhạy cảm về xây dựng, triển khai chính sách tiền tệ, cùng với việc vận hành hoạt động của hệ thống NHNN...
Để có thể thực hiện được các trọng trách ấy, vụ luôn ý thức được rằng ngoài việc thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của KTNB thì việc phát triển con người là yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động của vụ. Chính vì vậy, những năm qua một mặt Ban lãnh đạo Vụ thường xuyên thực hiện củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo cán bộ để một mặt nâng cao nhận thức và chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động ngân hàng, nâng cao kỹ năng KTNB, một mặt phải tập trung nghiên cứu các hành lang pháp lý, xây dựng ban hành các quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ KTNB để thực hiện một cách thống nhất và có hiệu quả.
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt, có phẩm chất, đủ năng lực nghiên cứu, ứng dụng các phương thức kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế, vụ đã tổ chức nhiều các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước về chuyên môn nghiệp vụ, coi trọng công tác tự đào tạo nhằm tăng cường bổ sung kinh nghiệm, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng cần thiết cho công chức trong vụ, đảm bảo ngày càng đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao. Nhiều công chức của vụ được cử đi đào tạo dài hạn, ngắn hạn, học tập kinh nghiệm tại các nước trên thế giới để học tập kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến. Hiện nay, hầu hết công chức chuyên môn của vụ có trình độ đại học, trong đó công chức có trình độ trên đại học đạt trên 64%.
Cùng với đó kể từ năm 2011, Vụ KTNB đã nghiên cứu, triển khai có kết quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KTNB NHNN đặc biệt là ứng dụng phần mềm quản lý kiểm toán (Teammate). 10 năm qua, việc áp dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả rất lớn và thiết thực trong quá trình chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm toán, thuận lợi trong việc lập báo cáo, lưu trữ dữ liệu, theo dõi báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau kiểm toán trong toàn hệ thống NHNN, đáp ứng được yêu cầu đổi mới hoạt động KTNB của NHNN và từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, vụ cũng triển khai mạnh mẽ việc khai thác thông tin, báo cáo thông qua hệ thống các ứng dụng nghiệp vụ của NHNN phục vụ cho việc giám sát, phân tích, đánh giá rủi ro, xây dựng chương trình kế hoạch kiểm toán hàng năm…
Trong tương lai, Vụ có đặt ra lộ trình để đạt chuẩn mực KTNB theo tiêu chuẩn quốc tế?
Thời gian vừa qua, vụ đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng phương án chuyển mạnh sang hướng KTNB trên cơ sở rủi ro theo định hướng tại Thông tư 06/2020/TT-NHNN ngày 30/6/2020.
Đây là một xu hướng tất yếu mà nhiều NHTW các nước trên thế giới và khu vực đã và đang áp dụng. Thời gian qua, vụ cũng đã bước đầu tiếp cận và đưa vào áp dụng từng phần trong hoạt động của vụ như: rà soát xây dựng nội dung, phương pháp phân tích, đánh giá rủi ro, thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa rủi ro, xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm trên cơ sở rủi ro…
Thời gian tới, vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu phối hợp với các đơn vị chức năng đề án về định hướng chuyển đổi hoạt động kiểm toán trên cơ sở rủi ro. Trong đó, đề xuất mô hình quản trị rủi ro theo 3 lớp cho từng mảng công việc cụ thể của NHTW qua hệ thống quy chuẩn gồm cả định tính và định lượng. Việc xây dựng kế hoạch và triển khai KTNB sẽ dựa trên hệ thống những rủi ro này. Hiện nay, vụ đã bước đầu thí điểm xây dựng được một hệ thống các tiêu chí, mức độ rủi ro và cách thức nhận diện, đánh giá rủi ro đối với một số mảng nghiệp vụ cơ bản của NHNN làm cơ sở báo cáo Thống đốc NHNN xem xét, chỉ đạo. Tuy nhiên, để triển khai được phương thức này còn cần sự phối hợp và hỗ trợ của tất cả các đơn vị thuộc hệ thống NHNN. Trong đó trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong công tác tự đánh giá rủi ro và áp dụng các biện pháp thích hợp để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của đơn vị mình là hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, vụ tiếp tục quan tâm triển khai nâng cao chất lượng kiểm toán an toàn công nghệ thông tin. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là mở rộng việc nghiên cứu khai thác hiệu quả tất cả các cấu phần trong phần mềm Teammate nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán. Đồng thời tiếp tục khai thác thông tin báo cáo, số liệu thông qua mạng máy tính nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phân tích đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
