Hai nước nguy cơ vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ
Đồng nội tệ tăng nhưng vẫn lo Mỹ chưa hài lòng
Theo Nomura Holdings Inc, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã vượt qua ngưỡng cản then chốt về mức độ có thể can thiệp để hạn chế đà tăng giá của đồng Rupee. Trong khi đó theo Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ Ltd, NHTW Thái Lan (BOT) cũng đã vượt qua ngưỡng cản then chốt với đồng Bath.
![]() |
Thặng dư thương mại với Mỹ cao và mua ròng ngoại tệ lớn có thể là những căn cứ để Mỹ đưa một nước vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ |
Nếu các NHTW của hai nước này muốn tìm cách làm giảm mối lo ngại của Mỹ (qua đó tránh được rủi ro Mỹ có thể đưa ra một loạt các hình phạt) thì điều này có thể sẽ dẫn đến việc các đồng tiền nội tệ sẽ còn tăng giá hơn nữa, khiến khả năng cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của họ giảm. Với những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong năm ngoái, đồng Baht đã tăng giá gần 10% so với đồng USD, trong khi đồng Rupee cũng tăng 6,4%.
Nhưng đây cũng là hai quốc gia có tỷ lệ tăng dự trữ ngoại hối (DTNH) cao nhất trong số các thị trường đang nổi ở châu Á trong năm ngoái, với nhiều dấu hiệu là các NHTW ở các nước này đang mua vào đồng USD để kiềm chế đà tăng giá đồng nội tệ. Trong khi đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan - những nền kinh tế mà Mỹ “gọi tên” trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ trước đó - lại ghi nhận những mức tăng thấp nhất.
Ông Rajeev De Mello, Trưởng bộ phận thu nhập cố định tại châu Á của Công ty Quản lý Đầu tư Schroder có trụ sở ở Singapore nhận định, nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ nhìn chung sẽ khiến các đồng tiền trong khu vực châu Á tăng giá (so với đồng USD) trong năm nay. Công ty Quản lý Đầu tư Schroder và Ngân hàng ANZ đều cho biết, các NHTW của 3 nền kinh tế mà Mỹ “gọi tên” trên đã giảm đáng kể sự can thiệp trong thời gian qua.
Khun Goh, người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu của ANZ tại Singapore cho rằng, Thái Lan và Ấn Độ là hai ngoại lệ, khi họ đang chủ động tích lũy thêm DTNH để ngăn chặn áp lực tăng giá đồng nội tệ. Thái Lan dù không phải là một trong 12 đối tác thương mại hàng đầu mà Mỹ thường tập trung vào “soi” nhưng nguy cơ rơi vào danh sách theo dõi của Mỹ cũng không thể loại trừ.
Mặc dù kể từ năm 1994 đến nay, Hoa Kỳ không gắn nhãn “thao túng tiền tệ” với bất kỳ quốc gia nào nhưng nếu nền kinh tế nào chỉ cần có hai trong ba tiêu chí dưới đây thì sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng: Một là, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ từ mức 20 tỷ USD/năm trở lên; Hai là, cán cân tài khoản vãng lai vượt ít nhất 3% GDP; Ba là, mua ròng ngoại tệ chiếm ít nhất 2% GDP trong 12 tháng.
Thái Lan có nguy cơ cao hơn
Trong báo cáo 6 tháng công bố vào tháng 10/2017 của Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường mới nổi vẫn nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ trong khi Đài Loan đã được loại ra.
Với Ấn Độ, Nomura Holdings Inc cho biết trong một thông báo ngày 11/12/2017 rằng, RBI đã mua ròng ngoại tệ vượt ngưỡng 2% GDP trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ đã lên tới 19,7 tỷ USD vào cuối tháng 10/2017. Tuy nhiên, việc tài khoản vãng lai liên tiếp thâm hụt có lẽ chính là cứu cánh khiến Ấn Độ chưa bị liệt vào bảng danh sách cần theo dõi của Mỹ.
RBI liên tục cho biết họ phải can thiệp để hạn chế sự biến động quá mức. Tuy nhiên, dư địa can thiệp của RBI trong thời gian tới dường như không còn nhiều. Trong báo cáo tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định sẽ theo dõi chặt chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác của Ấn Độ.
"Nhìn chung, chúng tôi cho rằng sự can thiệp của RBI sẽ bị hạn chế khi Bộ Tài chính Mỹ đã tập trung theo dõi như vậy", Craig Chan, trưởng bộ phận toàn cầu về chiến lược ngoại hối của Nomura ở Singapore nhận định.
Trong một báo cáo ngày 26/12/2017, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi cho biết theo số liệu của Cơ quan Thống kê Thái Lan, tổng thặng dư thương mại của nước này với Hoa Kỳ vào cuối tháng 10/2017 là 16,7 tỷ USD, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai đã vượt quá 10% GDP tính tới tháng 9/2017. Quốc gia này cũng đã vượt qua ngưỡng can thiệp 2% mua vào ngoại tệ và là một trong 16 quốc gia bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách có thặng dư thương mại cao với Mỹ.
Theo Vishnu Varathan, trưởng bộ phận chiến lược và kinh tế của Mizuho Bank Ltd Singapore, với các “tiêu chí” đều “đạt” như vậy, Thái Lan là nước có nhiều khả năng sẽ bị bổ sung vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ nhiều hơn so với Ấn Độ, đặc biệt là xu hướng thặng dư tài khoản vãng lai rất lớn của Thái Lan. Tuy nhiên theo chuyên gia này, vẫn cần thêm thời gian để theo dõi xu hướng này sẽ ra sao trong thời gian tới.
Trong khi đó theo Guillermo Felices, Giám đốc danh mục đầu tư tại BNP Paribas Asset Management, chính quyền của Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo dõi và sẵn sàng “bêu tên” các quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai lớn, thặng dư thương mại cao với Mỹ với “tội danh” thao túng tiền tệ.
Nhưng theo chuyên gia này, ít có khả năng điều đó sẽ dẫn tới các biện pháp bảo hộ của Mỹ, trừ phi có sự gia tăng quá mạnh của đồng USD hoặc ông Trump đưa ra quyết định vì các lý do chính trị trong nước.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
