Hà Nội tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển
Theo đại diện UBND TP. Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm 2022, thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh. Đặc biệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đã hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, chủ động thích ứng linh hoạt, phục hồi kinh tế. Chính vì vậy, kinh tế thủ đô đã có đà tăng trưởng và niềm tin của doanh nghiệp cũng tăng lên.
Thống kê cho thấy, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn đã dần đi vào ổn định sản xuất, số doanh nghiệp hành lập mới cũng tăng lên đáng kể. Trong tháng 7/2022, thành phố có 2,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 16,4 nghìn tỷ đồng, giảm 27%; thực hiện thủ tục giải thể cho 284 doanh nghiệp, giảm 7%; 842 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 7%. Cộng dồn 7 tháng năm 2022, Hà Nội có 17,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; 7,3 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11%.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư FDI cũng có xu hướng tăng. 7 tháng năm 2022, toàn thành phố thu hút 829,2 triệu USD vốn FDI, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới 185 dự án với số vốn đạt 125,5 triệu USD; có 103 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 246,9 triệu USD; 234 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 456,8 triệu USD.
![]() |
Trong 7 tháng đầu năm, thành phố cũng đã thực hiện giảm 2% thuế VAT cho gần 42.000 doanh nghiệp; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số tiền trên 900 tỷ đồng, hỗ trợ giảm trên 1.700 tỷ đồng lệ phí trước bạ... Triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Thành phố Hà Nội đã quyết định hỗ trợ cho trên 2,63 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh với tổng số tiền là trên 2.500 tỷ đồng.
Theo đại diện NHNN chi nhánh Hà Nội, các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của NHNN và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến hết tháng 7/2022, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 2.834 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước và tăng 9,6% so với thời điểm kết thúc năm 2021. Trong đó, cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 21% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,1%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 9,1%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,2%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,4%. NHNN Chi nhánh Hà Nội tiếp tục triển khai các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, các TCTD trên địa bàn thành phố đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 62,4 nghìn doanh nghiệp và cá nhân với dư nợ 63,4 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 325,5 nghìn khách hàng với dư nợ 536 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đạt 3.795 nghìn tỷ đồng cho gần 217 nghìn lượt khách hàng.
Có thể thấy, niềm tin của doanh nghiệp vào các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ và Hà Nội ngày càng tăng lên. Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong những tháng cuối năm 2022, thành phố triển khai quyết liệt, kịp thời kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp. Thành phố sẽ tiếp tục bố trí 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách, nâng tổng nguồn ngân sách thành phố ủy thác là 6.600 tỷ đồng. Triển khai đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn, thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Hỗ trợ khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp… Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội với phương châm 5 bước "biết, hiểu, đồng thuận, tự nguyện và lan tỏa".
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
