Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
![]() |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị đối thoại |
Ghi nhận đóng góp của cộng đồng DN Thủ đô
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng của tình hình thế giới, Hà Nội vẫn đạt 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, trong đó, có 5 chỉ tiêu đạt vượt so với kế hoạch đề ra.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô đạt 8,8%, vấn đề an sinh xã hội được Thành phố duy trì ổn định trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, thành công trên khía cạnh kinh tế và an sinh xã hội có đóng góp to lớn, quan trọng của cộng đồng DN Hà Nội và các tập đoàn, công ty lớn đóng trên địa bàn Hà Nội.
“Thay mặt Ban Cán sự Đảng Thành phố, các sở ngành, quận, huyện, thị xã và người dân Thủ đô, tôi ghi nhận, biểu dương, cảm ơn những nỗ lực đóng góp không mệt mỏi của các chủ DN, lãnh đạo các tập đoàn…”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Chia sẻ tại Hội nghị, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho biết, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn. Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đến 30/11/2022 đạt 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với 31/12/2021. Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến 30/11/2022 đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với 31/12/2021.
Dư địa tăng trưởng trên địa bàn trong tháng 12 vẫn còn 1,3%, chưa tính hạn mức tăng thêm từ 1,5 - 2%. Như vậy trong tháng 12, nếu tăng kịch trần thêm 3,3% sẽ tương ứng với 96,2 nghìn tỷ được giải ngân cho các DN.
Về chính sách tín dụng, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, mới đây NHNN Việt Nam đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các NHTM để tạo dư địa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, dự án, chương trình, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế hiện nay.
Bên cạnh điều chỉnh các chính sách lãi suất, tỷ giá, tín dụng tạo thêm dư địa hỗ trợ khách hàng, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Hà Nội rất tích cực nhiều chính sách hỗ trợ khác.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, những tháng đầu năm các NHTM tiếp tục thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi bổ sung về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2022.
Cũng trong thời gian này, các TCTD đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục cho vay, chủ động tiết giảm chi phí và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp; giảm phí chuyển tiền. Kết quả tính đến tháng 6/2022, trên địa bàn TP. Hà Nội, các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 62.362 khách hàng với dư nợ 63.406 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 325.510 khách hàng với dư nợ 536.253 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến 30/6/2022 đạt 3.794.709 tỷ đồng cho hơn 216.602 lượt khách hàng.
Quyết liệt triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất
Một nội dung được cộng đồng DN của Thủ đô quan tâm là việc thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, mặc dù hệ thống các TCTD trên địa bàn vào cuộc triển khai quyết liệt chương trình HTLS nhưng kết quả không đạt được như kỳ vọng.
Đến cuối tháng 10/2022, doanh số cho vay được HTLS trên địa bàn Hà Nội đạt 5.000 tỷ đồng với 209 khách hàng được hỗ trợ, dư nợ được HTLS đạt khoảng 4.000 tỷ đồng và số tiền đã HTLS là 12.242 triệu đồng. Trước thực tế này, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập đoàn khảo sát liên ngành cấp Bộ, giao NHNN Việt Nam chủ trì, đã tiến hành khảo sát tại 1 số địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Qua đó xác định được một số nguyên nhân chính.
Về đối tượng được HTLS theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, song khi triển khai trong thực tiễn cho thấy các NHTM gặp khó khăn trong xác định đối tượng được HTLS trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.
Hiện nay, các NHTM đang tiếp tục rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách, làm việc với khách hàng để xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định. Bên cạnh đó, có nguyên nhân tích cực là nhiều khách hàng có năng lực tài chính, lịch sử tín dụng tốt, được các NHTM cho vay với lãi suất ưu đãi nên từ chối nhận HTLS do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của NHTM.
Liên quan đến chính sách này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cũng thừa nhận, khi tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% thì đa số doanh nghiệp đã “lắc đầu” vì khó tiếp cận do không đủ điều kiện đáp ứng.
Cụ thể như, không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định… Nhưng bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cho biết họ không muốn đáp ứng và vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán…
Với tinh thần lấy người dân, DN là trung tâm phục vụ, bày tỏ mong muốn, kỳ vọng đối với Thành phố, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh kiến nghị, trong thời gian tới Thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ DN phát triển.
Trong đó, tiếp tục chủ động tổ chức các chương trình, hội nghị đối thoại, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đánh giá thực chất kết quả xử lý những kiến nghị của cộng đồng DN.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ DN năm 2023 và giai đoạn đến năm 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách. Đặc biệt là đẩy nhanh các gói đầu tư công, ưu đãi dành cho dự án phù hợp với năng lực của các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN làng nghề.
Cùng với đó là tích cực triển khai chính sách hỗ trợ DN thành lập mới, và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp DN giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN khởi nghiệp...
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
