Hà Nội: Doanh nghiệp trẻ đổi mới để bứt phá
Trong hơn hai năm liên tiếp đối mặt với những khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, nhiều nhà máy dừng sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội bị xáo trộn. Tuy nhiên, trong bức tranh với những mảng màu trầm ấy, nhiều doanh nghiệp đã vẽ nên những nét tươi sáng khi nhanh chóng thích nghi với tình hình mới, linh hoạt thích ứng – chủ động sáng tạo mang đến một loạt các sản phẩm - dịch vụ mới trong giai đoạn khủng hoảng…
Từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã nhanh chóng trở lại nhịp sản xuất, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt trong điều kiện bình thường mới. Với niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn đang có chiều hướng tăng mạnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 2/2022 Hà Nội có 1.487 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 30 nghìn tỷ đồng, tăng 87%; 1.063 doanh nghiệp trở lại hoạt động, gấp 3,2 lần. Cộng dồn trong hai tháng đầu năm, Hà Nội đã có 3,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới đạt 48 nghìn tỷ đồng, tăng 33%. Đặc biệt đã có 4,2 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 31%.
![]() |
Thách thức đối với các doanh nghiệp trẻ vẫn còn rất lớn |
Ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, trong năm vừa qua, chưa bao giờ, tinh thần cùng nhau vượt khó của các doanh nghiệp, doanh nhân lại thể hiện rõ như giai đoạn vừa qua.
Năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, tạo đà để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược đến năm 2030. Hiện Việt Nam vẫn tiếp tục vươn lên, chủ động phục hồi kinh tế và luôn coi người dân và doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng nhất để hướng tới.
Ông Nguyễn Khoa Bảo - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội kiêm Phó Chủ tịch FSI Việt Nam cho biết, để thích ứng với tình hình mới, hầu hết các doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc tự làm mới mình, nhất là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đây được coi là giải pháp được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu. Nhờ chuyển đổi số mà FSI tiết kiệm được hơn 30% chi phí sau hai năm. Bên cạnh đó, chỉ cần 50 người thực hiện trong ba tháng, FSI đã có thể hoàn thành một dự án mà trước đây cần tới 200 người thực hiện trong thời gian 6 tháng.
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng hiện tỷ lệ phủ vaccine ở Việt Nam đang thuộc nhóm đầu thế giới nên các doanh nghiệp cũng không quá lo lắng. Hiện nay nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục và các chính sách kịp thời, hiệu quả và thiết thực của Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân... cho thấy nhiều triển vọng cho cộng đồng doanh nghiệp. Dù vậy, thách thức đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trẻ vẫn còn rất lớn. Theo đó, có bốn việc quan trọng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa cần làm bao gồm tái cấu trúc, chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp (đặc biệt là quản trị rủi ro) và phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 đề ra của Hà Nội là từ 7%-7,5%, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chủ động sản xuất trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, tiếp tục thực hiện các công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2022. Chính quyền thành phố luôn quan tâm và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện rõ trong việc tổ chức các hội nghị, đối thoại, gặp mặt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đồng thời, thành phố đã và đang tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch 246 ngày 1/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế.
Thành phố mong muốn cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng có lợi, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
