Gỡ vướng xuất hóa đơn giảm thuế giá trị gia tăng
Theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% sẽ được giảm kể từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Cụ thể, cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%; Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.
Nghị định quy định cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT thì không được giảm thuế GTGT.
![]() |
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho rằng, không thể phủ nhận chính sách giảm thuế GTGT trong bối cảnh khó khăn sau dịch hiện nay là rất tốt, vừa giảm áp lực tài chính cho người tiêu dùng cuối cùng, kích cầu tiêu dùng trong nước mà còn giúp các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất có điều kiện thúc đẩy bán hàng tốt hơn. Tuy nhiên, với quy định phải lập hóa đơn riêng cho các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế thì sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, dù hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang hóa đơn điện tử, không quá vất vả như việc quản lý thủ công như trước kia, nhưng doanh nghiệp bán lẻ phải xuất rất nhiều hóa đơn cho người tiêu dùng. Nếu như trước kia chỉ có 3 sắc thuế là 0%, 5%, 10%... hiện nay phát sinh thêm khối lượng hóa đơn 8% sẽ gây tốn kém chi phí và nguồn lực. Chưa kể trường hợp nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng hóa đơn giấy, việc quản lý sẽ càng khó khăn.
Đơn cử hệ thống siêu thị Coopmart tại TP. Hồ Chí Minh trong một ngày phải sử dụng trên 10.000 hóa đơn điện tử. Hiện phần mềm hóa đơn điện tử cho phép tách riêng nhiều thuế suất trên một hóa đơn nên các siêu thị đã xuất hóa đơn điện tử ghi nhiều mức thuế suất khác nhau. Nay nếu phải tách riêng thì rất tốn kém chi phí của doanh nghiệp.
Còn tại TP. Hải Phòng, công ty cấp nước thực hiện thu tiền nước trên toàn địa bàn thành phố, nội dung hóa đơn hiện 2 khoản thu: khoản thu tiền nước (thuế 5%) và khoản thu hộ tiền dịch vụ thóat nước cho thành phố (thuế suất 10%). Với số hóa đơn lập giao cho khách hàng trung bình 1 tháng là 400.000 hóa đơn, nếu phải lập hóa đơn riêng cho khoản thu hộ tiền dịch vụ thóat nước (được áp dụng 8%), thì số hóa đơn lập 1 tháng sẽ tăng gấp 2 lần. Chưa kể, tiền dịch vụ thóat nước xác định căn cứ vào số nước tiêu thụ trong tháng nên việc tách hóa đơn sẽ khó trong đối chiếu, kiểm tra… gây khó khăn trong việc thu tiền nước và tiền phí thóat nước từ phía khách hàng.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trên mẫu hóa đơn của doanh nghiệp, chỉ tiêu thuế suất được thiết kế theo dạng cột nên cơ sở kinh doanh có thể lập nhiều mức thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn, trong đó có hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế. Việc phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa dịch vụ được giảm thuế thì mới được giảm thuế sẽ gây tốn kém về thời gian cũng như chi phí của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn trong ngày như hệ thống siêu thị, trường hợp nếu doanh nghiệp thấy khó khăn khi tách riêng hóa đơn cho hàng hóa dịch vụ được giảm thuế nên không lập hóa đơn riêng thì người tiêu dùng lại không được hưởng lợi từ chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.
Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và không tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cùng đề nghị cho phép doanh nghiệp được lập chung một hóa đơn và trên hóa đơn thể hiện thuế suất cho từng mặt hàng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương xem xét các kiến nghị, phản ánh vướng mắc của Hiệp hội, doanh nghiệp, người dân nêu trên để có hướng dẫn, giải thích kịp thời.
Để tháo gỡ các vướng mắc này, Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế GTGT. Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 15 theo hướng “Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế GTGT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này”. Đồng thời, để nhanh chóng giải quyết vướng mắc trong thực hiện, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định này theo thủ tục, trình tự rút gọn.
Theo ông Dũng, đề xuất của Bộ Tài chính vô cùng kịp thời để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả của chính sách. Tuy nhiên, trong dài hạn, cần tiến tới việc chuyển đổi toàn bộ các doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử, khi đó, việc trên một hóa đơn có nhiều dòng thuế sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng cần kéo dài giảm thuế GTGT tới cuối năm sau để có thể kích cầu tiêu dùng và là động lực để doanh nghiệp có thể mở rộng và phát triển sản xuất, nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19 hiện nay.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
