agribank-vietnam-airlines

Gieo vốn trên đại ngàn Trường Sơn...

Ghi chép của Nghi Lộc
Ghi chép của Nghi Lộc  - 
Khi tiếng chim Pricoh cất lên lảnh lót, cây rừng nảy chồi non, lộc biếc báo hiệu một mùa xuân mới đã về trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trong tiết trời se lạnh cuối đông, đầu xuân cùng với các cán bộ NHNN Quảng Nam, men theo quốc lộ 14G tôi ngược lên phía Tây để đến với Tây Giang - miền biên giới Tổ quốc.
aa

Nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, vùng đất Tây Giang nơi xa xôi nhất của tỉnh Quảng Nam. Đường lên vùng biên này, mùa nào cũng đẹp, với dòng sông Bung và A Vương uốn lượn, quanh co theo các triền núi. Hai bên đường là những vườn chè trải rộng xanh mướt, lúc lại len lỏi giữa những cánh rừng nguyên sinh đẹp như mơ.

Gieo vốn trên đại ngàn Trường Sơn...
Tây Giang luôn chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống

Càng lên cao, càng hiểm nguy với những con dốc hiểm, trắc trở liên tiếp cua “tay áo”... Sau hơn bốn giờ rung lắc trên xe, chúng tôi đặt chân đến xã A Tiêng, nơi đặt trung tâm hành chính huyện Tây Giang. Vừa đến đây, mệt mỏi như biến mất, như trôi hết vào lớp sương mờ bềnh bồng. Giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, trung tâm hành chính của Tây Giang, đang dần hình thành dáng vẻ của một đô thị vùng cao.

Nhớ lại những ngày đầu mới chia tách huyện, ngày 8/9/2003, khi huyện Hiên được tách thành Đông Giang và Tây Giang. Sau khi chia tách, Tây Giang có 10 đơn vị hành chính. Trong đó, 8 xã có đường biên giới với nước bạn Lào, dài đến 76 km giữa bạt ngàn núi rừng. Ở đây đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm đến 90 % dân số. Sau đó là người Kinh, Mường, Tày, Thái, Tà Ôi, Ca Dong, Hre, Giẻ Triêng, Hoa, Vân Kiều, Cor…

Thời điểm mới chia tách, Tây Giang một trong những huyện nghèo nhất nước. Khi được biết đến là huyện không có điện thắp sáng, không sóng điện thoại, không chợ. Địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, bà con dân tộc thường sinh sống phân tán trên những sườn núi cheo leo. Đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 80%. Đường lên huyện vùng biên này vào thời điểm đó chủ yếu là đường đất lầy lội, trơn trượt, gặp những cơn mưa kéo dài, giao thông đi lại rất khó khăn.

Hạ tầng cơ sở gần như không có gì đã khó, nhưng khó khăn hơn là việc xóa bỏ hủ tục đã ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Để thay đổi nhận thức cho bà con trong làm ăn kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cùng với các cấp ủy, chính quyền địa phương ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tích cực bắt tay vào cuộc.

Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc NHNN Quảng Nam nhớ lại, thời điểm sau chia tách huyện hoạt động ngân hàng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực mỏng. Đặc biệt, bà con chưa có thói quen vay vốn ngân hàng, hoặc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Thậm chí có trường hợp, bà con vay vốn rồi chẳng biết sử dụng. Đem tiền bỏ vào ống tre, ống nứa cất giữ, để rồi tiền bị hỏng do mối mọt...

Để vượt qua những khó khăn ban đầu, anh em cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng như Agribank Tây Giang đã thường xuyên bám địa bàn, bám dân. Anh em đi tới tận từng thôn, từng hộ tuyên truyền để bà con mạnh dạn vay vốn, rồi giúp họ quản lý, sử dụng vốn hiệu quả.

Để đến được với bà con, đặc biệt ở khu vực 4 xã biên giới xa xôi, cách trở như, A Xan, Ch’ơm, Tr’hy hay Gary, cán bộ tín dụng ở đây phải lấy dây xích quấn vào bánh xe máy, mới mong vượt qua được những cung đường trơn trượt, lầy lội gian khổ trên dãy Trường Sơn. Giao thông cách trở, nên mỗi chuyến công tác anh em phải đi đến 3, 4 ngày, thậm chí mất hết cả tuần. Ngày đi làm, tối ngủ lại trong nhà dân, tranh thủ học thêm tiếng đồng bào để giao tiếp với bà con, rồi còn phải lo chuyện bảo quản tiền bạc.

Đặc biệt, đồng bào Cơ Tu có tập tục từ lâu đời sống bằng nghề làm nương rẫy, săn bắt, luân canh từ vùng này qua vùng khác, cuộc sống không ổn định nên việc vận động, tuyên truyền không dễ thực hiện... Khó khăn đủ bề, nếu không có lòng kiên trì, nhẫn nại thì khó ai theo nổi với sự nghiệp gieo vốn trên đại ngàn Trường Sơn.

Tuy nhiên, ngày tháng trôi qua, kiên trì vận động, ý thức của người dân vay vốn ngân hàng cũng có sự chuyển biến. Bà con đã bắt đầu mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, làm trang trại hay lo chuyện học hành...

Để mục sở thị việc sử dụng đồng vốn ngân hàng trên đại ngàn Trường Sơn, từ trung tâm huyện lỵ Tây Giang, chúng tôi ngược về xã Lăng. Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Hường - Giám đốc Agribank Tây Giang, đây là xã có nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả từ vốn vay ngân hàng.

Trên đường đi, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp những ngôi nhà sàn san sát, được dựng trên nền đất mới, mang đậm kiến trúc truyền thống văn hóa Cơ Tu. Những con đường dẫn vào các thôn, đã được mở rộng và bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Gia đình Pơloong Điền, ở thôn Arớh là một trong những hộ vay sử dụng vốn ngân hàng hiệu quả ở xã Lăng.

Theo đó, từ năm 2008 Pơloong Điền đã mạnh dạn vay Agribank Tây Giang 25 triệu đồng để chăn nuôi dê bò, sau đó là trồng rừng và cao su. Nhờ chịu khó làm ăn nên kinh tế gia đình ngày càng khá giả. Đến nay, anh đã vay Agribank thêm 100 triệu đồng để tiếp tục đầu tư vào sản xuất.

Tương tự, ở xã biên giới A Xan có gia đình Alăng Rứih cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng rừng, làm vườn, nuôi trâu bò. Từ khoản vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã tập trung đầu tư mua cây giống, con giống. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay Alăng Rứih đã có một trang trại chăn nuôi trị giá hàng trăm triệu đồng.

Alăng Rứih tâm sự, từ vốn ngân hàng gia đình có điều kiện xây dựng mô hình trang trại để phát triển kinh tế, giảm bớt khó khăn vươn lên làm giàu... Hiện ở Tây Giang, có rất nhiều bà con mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình như Alăng Rứih hay Pơloong Điền, thoát khỏi tập tục canh tác lạc hậu, tồn tại cả ngàn đời nay. Đồng bào chủ yếu vay vốn để trồng rừng, nuôi bò, heo, gà, trồng rừng, phát triển trang trại...

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, các chính sách tín dụng được thực hiện trên địa bàn đã giúp cho người dân có được nền tảng để phát triển kinh tế gia đình, góp phần thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu ở vùng biên cương của Tổ quốc.

Những hiệu quả từ đồng vốn ngân hàng đã góp phần để Tây Giang có nhiều đổi thay. Sau 15 năm tái lập, đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên, tạo nên phên dậu vững chắc phía Tây của Tổ quốc. Hiện, Tây Giang đã có hệ thống giao thông thảm nhựa, bê tông về đến tận 10 xã và các bản làng với tổng chiều dài toàn tuyến là 392 km. Điện lưới cũng được kéo về các xã, mang ánh sáng văn minh và tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế - xã hội.

Tây Giang còn là địa phương vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh trên dãy Trường Sơn. Bên cạnh, phát triển kinh tế, huyện cũng tích cực đầu tư, sưu tầm, gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống, khôi phục các làng văn hóa, nhà gươl, sưu tầm văn hoá làng, chữ viết Cơ Tu, làn điệu dân ca, dân vũ... góp phần tạo nên một Tây Giang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc...

... Chia tay Tây Giang, dọc con đường về xuôi không khí đón xuân nơi miền sơn cước đã thấp thoáng bên những gùi hàng đón tết của bà con. Ngày nay, cùng với sự phát triển từng ngày, người dân Tây Giang cũng đã có những cái tết ấm cúng hơn. Cùng với cơm lam, sắn lam, đồng bào Cơ Tu cũng đã biết gói bánh chưng đón tết như người Kinh.

Trong những ngày tết trên đại ngàn Trường Sơn, giữa ánh lửa bập bùng, trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, những chàng trai, cô gái Cơ Tu lại đắm say trong điệu múa truyền thống tâng tung - za zá. Rộn ràng, tươi mới tràn trề hy vọng như lời một bài hát, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca gửi tới quê nhà bao la biển xanh sóng vỗ hiền hòa. Đường Trường Sơn bát ngát có bao nhiêu ghềnh thác hòa theo trong tiếng hát đem mùa xuân tới cho cuộc đời...”.

Ghi chép của Nghi Lộc

Tin liên quan

Tin khác

Kon Tum đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng

Kon Tum đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng

Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức, việc đẩy mạnh đầu tư công trở thành một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững. “Tại Kon Tum, tỉnh miền núi Tây Nguyên, công tác này đang được nỗ lực thực hiện với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số vào năm 2025”.
Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh TP. Hà Nội, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt 16.794 tỷ đồng với 269.415 khách hàng đang vay vốn, tăng 227 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội chiếm trên 99,9%, với sự tham gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên.
Hà Nội tăng tốc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp

Hà Nội tăng tốc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND, đặt nền móng cho chiến lược phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Thủ đô.
Người dân đổi đời nhờ ngân hàng

Người dân đổi đời nhờ ngân hàng

Trên những triền đồi ở xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, những vựa cam chín vàng óng ánh dưới nắng sớm, tỏa hương thơm dịu ngọt hứa hẹn mang đến một vụ mùa bội thu. Cũng từ nơi đây, cam Cao Phong đã theo những chuyến xe tỏa đi muôn nơi.

Sản phẩm OCOP rộn ràng vào vụ Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề, cả nước lại rộn ràng chuẩn bị cho mùa lễ hội quan trọng trong năm. Hòa vào không khí đó, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP ở khu vực miền Trung cũng đang bước vào giai đoạn cao điểm, tăng tốc sản xuất để kịp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp này.

Nhà băng hướng tín dụng về nông thôn

Tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (HDBank) đã giới thiệu và ra mắt dịch vụ HDBank Nông thôn và chính thức triển khai chương trình cho vay nông nghiệp nông thôn với lãi suất 0% (trong thời gian ưu đãi) trên toàn hệ thống.

Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa

Trồng dừa không chỉ là ngành nông nghiệp mà khai thác các sản phẩm từ dừa còn là một ngành công nghiệp quan trọng của thế giới. Nhưng cũng như mọi ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp khai thác, chế biến dừa cũng phải thích ứng với những bối cảnh mới của công nghệ và môi trường trong xu hướng xanh hóa của nền kinh tế.

“Mỏ vàng xanh” đang dần lộ diện ở Gia Lai

Gia Lai, một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, đang dần trở thành điểm sáng thu hút các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Có được kết quả khả quan đó, chính nhờ sự nỗ lực của địa phương trong việc tập trung khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên và xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện trên địa bàn có 295 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích lên tới gần 3.500 ha.

Băn khoăn nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới

Nhân lực chất lượng cao chính là “chìa khóa” để nâng tầm chương trình xây dựng nông thôn mới tại Bắc Trung Bộ cũng như ở các khu vực khác, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

QTDND Thọ Nghiệp: Điểm tựa giảm nghèo, phát triển nông thôn mới

30 năm hình thành và phát triển (1994-2024), Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định đã phát huy làm tròn được sứ mệnh và nhiệm vụ mà Đảng và Nhà Nước giao cho đó là kênh tín dụng ngân hàng của dân, hoạt động vì lợi ích của các thành viên, góp phần xóa bỏ và ngăn chặn tệ nạn hoạt động tín dụng đen cho vay nặng lãi trong quần chúng nhân dân địa phương.
AI
B - Edu
B - Finance
B - Data