Giao thương quốc tế: Tận dụng cơ hội để bứt phá
![]() | Ban hành 15 Nghị định về thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt |
![]() | Doanh nghiệp Việt trong vòng xoáy thị trường |
![]() | CPTPP: Cơ hội ngày càng rộng mở cho doanh nghiệp |
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên |
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục “tỏa sáng”. Ước cả năm 2022, xuất khẩu tăng trên 10% so với năm 2021, xuất siêu có thể đạt gần 11 tỷ USD, vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2023, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn.
Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên về các giải pháp để “hóa giải” những khó khăn, đồng thời có những khuyến nghị với doanh nghiệp để mở rộng thị trường, tận dụng các ưu đãi từ các FTA, giúp thị trường xuất khẩu phát triển nhanh và bền vững hơn…
Dưới góc nhìn của mình, xin Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn đáng chú ý nhất mà hoạt động xuất khẩu Việt Nam mang lại cho nền kinh tế trong năm qua?
Điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu cả nước trong năm qua là xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn từ thị trường thế giới. Xuất khẩu tăng cao giúp cán cân thương mại duy trì vị thế xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Ước tính cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh nhóm hàng công nghiệp, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thuỷ sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu khá cao so với cùng kỳ năm 2021 khi mức tăng lần lượt khoảng 11,6% và trên 34,2%.
![]() |
Ước tính cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021 |
Xuất khẩu sang tất cả các khu vực thị trường đều có sự phục hồi so với năm trước. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc với kim ngạch cao và tiếp tục tăng trưởng tích cực. Nhiều thị trường, đặc biệt là các khu vực, quốc gia có ký kết FTA với Việt Nam cũng có tăng trưởng trong kỳ ở mức cao, đóng góp vào tăng trưởng chung như khu vực EU (tăng hơn 19,2%); khu vực ASEAN (tăng hơn 19,5%); Australia (tăng khoảng 32,3%); Canada (tăng khoảng 26,1%); Nhật Bản (tăng khoảng 22%)…
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, bối cảnh tình hình thế giới cũng đem lại nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, kinh tế toàn cầu suy giảm làm giảm sức cầu hàng hóa. Khó khăn đến từ chính các nền kinh tế lớn - vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới. Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia làm sức tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu chịu ảnh hưởng. Tồn kho cao làm các nhà nhập khẩu giảm các đơn hàng mới trong thời điểm cuối năm, vốn là thời vụ cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine và việc Trung Quốc kiên trì theo đuổi chiến lược Zero-Covid khiến chuỗi cung ứng trên thị trường thế giới tiếp tục bị đứt gãy, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của hầu hết các nhóm ngành gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao do giá một số nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là đối với các nguyên vật liệu trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngoài ra, việc một số nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, các yêu cầu, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe...
Bất chấp những khó khăn, bất định trên thế giới, cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam tiếp tục ghi nhận xuất siêu. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân để chúng ta đạt được những kết quả này?
Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2022 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA, nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu.
Đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã vượt khó, thích nghi tốt với những diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu và vai trò của khu vực công trong việc cùng đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thực thi có hiệu quả các FTA đã ký kết.
Xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước cũng thể hiện tính đúng đắn của chủ trương “bình thường mới”, mở cửa nền kinh tế và việc triển khai các chương trình, giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch của hệ thống chính trị, từ Chính phủ đến các bộ, ban, ngành và các địa phương.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khách quan có thể nhắc đến như: thị trường xuất khẩu phục hồi do các nước đã triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin và chung sống với dịch bệnh; lộ trình thuế nhập khẩu của các đối tác FTA đang tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó là sự chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp, đây cũng là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.
Bộ trưởng nhận định như thế nào về diễn biến thị trường xuất khẩu năm 2023. Chúng ta cần làm gì để mở rộng thị trường, tận dụng các ưu đãi từ các FTA, giúp thị trường xuất khẩu phát triển nhanh và bền vững hơn?
Những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiểm soát lạm phát của các quốc gia nhập khẩu, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.
Mặc dù vậy, việc thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định FTA và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu. Chúng tôi hy vọng rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA để duy trì và phát triển xuất khẩu trong năm 2023.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu cần tổ chức theo dõi sát biến động của kinh tế thế giới và trong nước; chủ động đánh giá tác động của các sự kiện thế giới đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp; tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới để giúp doanh nghiệp có phản ứng kịp thời; ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu…
Đối với các doanh nghiệp, cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới với giá cả ngày càng cạnh tranh. Các hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
