Gian nan cuộc chiến bảo vệ rừng
Với đặc thù địa bàn hiểm trở, trải rộng qua nhiều huyện, xã, trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng nên tình hình vẫn còn rất phức tạp. Điều đáng nói là lâm tặc thường rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để tẩu tán gỗ và thoát thân. Mặc dù vậy, thời gian qua, các lực lượng chức năng của địa phương đã vào cuộc quyết liệt truy quét, đẩy đuổi, xử lý các đối tượng xâm hại rừng; từ đây nhiều vụ việc vi phạm lâm luật được phát hiện, xử lý theo pháp luật.
Đơn cử, Công an huyện Ea H'leo vừa khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả.
![]() |
Những khu vực có gỗ quý hiếm luôn bị lâm tặc lăm le xâm hại |
Trước đó, đầu tháng 2/2020, tại Tiểu khu 18 và 22, thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả quản lý có khoảng 6,5ha rừng bị lâm tặc chặt phá. Sau khi chặt hạ nhiều cây gỗ lớn, các đối tượng còn đốt nhiều diện tích rừng tại khu vực này.
Liên quan đến vụ việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo phối hợp với chủ rừng và các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.
Hay như tại huyện Krông Bông, địa phương có vườn quốc gia Chư Yang Sin trải dài với diện tích 58.947ha, trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 19.401ha, phân khu phục hồi sinh thái 39.526ha, phân khu hành chính, dịch vụ 20ha… Nơi đây luôn bị các đối tượng lâm tặc nhăm nhe xâm hại.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện này, năm 2019, đơn vị phát hiện và xử lý 73 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (tăng 52 vụ, 78,78% so với năm 2018). Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong năm 2019 tập trung chủ yếu ở hành vi vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép xảy ra 40 vụ, phá rừng làm nương rẫy xảy ra 3 vụ, vận chuyển mua bán động vật rừng trái phép xảy ra 1 vụ, khai thác rừng trái phép xảy ra 1 vụ và hành vi vi phạm khác xảy ra 20 vụ... Cơ quan chức năng tịch thu hơn 40m3 gỗ các loại, 1.125kg phôi đũa, 120kg gỗ bách xanh...
Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2019 tại Krông Bông tăng mạnh so với các năm trước. Theo cơ quan chức năng địa phương, là do các đơn vị chủ rừng chưa làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng được giao, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng không đủ mạnh. Cùng đó, có nơi còn buông lỏng nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra thường xuyên, phức tạp. Công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào H’mông sống gần rừng có ý thức bảo vệ rừng chưa được thường xuyên…
Tương tự, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có diện tích hơn 26.800ha, trong đó có 21.600ha được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là nơi có nhiều loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm như giáng hương quả to, cà te, cẩm lai, trắc, bò tót, bò rừng, nai… Với sự phong phú về các loại lâm sản, nên Ea Sô luôn bị các đối lượng lâm tặc rình rập xâm hại.
Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm lại quá mỏng, công cụ hỗ trợ hạn chế. Các đơn vị chức năng chủ yếu được trang bị súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn cao su, chưa đủ mạnh để răn đe đối tượng. Cùng đó là địa hình phức tạp, hiểm trở, giữa ranh giới 3 tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai và Phú Yên. Cán bộ quản lý rừng phải đi tuần đường bộ mất cả ngày mới tới địa bàn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô lấy dẫn chứng, giữa năm 2019 một nhóm lâm tặc xẻ thịt 1 cây giáng hương, bảo vệ rừng phát hiện, nhưng lực lượng quá mỏng nên bất lực. Bọn lâm tặc tụ tập đến gần 40 đối tượng, khống chế lực lượng kiểm lâm!
Chỉ tính riêng trong năm 2019, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phát hiện và xử lý tổng số 21 vụ vi phạm, với 23 đối tượng. Trong đó, có 3 vụ vi phạm nghiêm trọng. Đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ chuyển Công an huyện Ea Kar (Đăk Lăk) đề nghị điều tra, khởi tố 22 đối tượng...
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
