Gian lận xuất xứ hàng hóa - hậu quả nhãn tiền
![]() | Có hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc đội lốt hàng Việt xuất sang Mỹ |
![]() | Hà Nội: Tạm giữ 800kg thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ |
![]() | Hà Nội: Trên 1.500 sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm bị tạm giữ |
Mới đây, cơ quan Hải quan TP.HCM đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một container hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại giả mạo xuất xứ từ Việt Nam với giá trị hơn 600 triệu đồng. Cụ thể, Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế thuộc Công an TP.HCM và Biên phòng TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện 2.780 sản phẩm chăn, màn, gối, nệm bên trong 317 kiện carton xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng toàn bộ nhãn mác của sản phẩm bên trong lại ghi tên, địa chỉ nơi sản xuất là Việt Nam. Đại diện Cục Hải quan TP. HCM cho biết, số hàng hóa này do Công ty TNHH Cao su Talalay Việt Nam khai báo và cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ Trung Quốc nhằm xuất khẩu đi quốc gia khác và được hưởng thuế suất ưu đãi. Vụ việc được tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.
![]() |
Có 19 nhóm mặt hàng rủi ro cao, có nguy cơ gian lận về xuất xứ, có kim ngạch tăng đột biến |
Trước đó, cơ quan hải quan cũng đã phát hiện một DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc về lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu có hành vi nhập linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam. Sau đó, lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh, và xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi. Đối chiếu các quy định, sản phẩm của công ty này không đủ tiêu chí để xác định là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.
Theo ông Trần Mạnh Cường, Cục phó Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết, trong xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới, đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam. Từ đó, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, đặc biệt là việc ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế quan.
“Thời gian qua, để lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại, một số DN đã có hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu. Trước đây, cơ quan Hải quan chủ yếu tập trung kiểm tra ngăn chặn gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu trong thông quan cũng như sau thông quan. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, do căng thẳng thương mại, Mỹ đang áp thuế cao lên nhiều dòng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Cơ quan Hải quan đã tập trung nghiên cứu những phương thức, rủi ro về gian lận giả mạo xuất xứ, lấy xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU” – ông Cường cho biết thêm.
Thống kê sơ bộ cho thấy, có 19 nhóm mặt hàng rủi ro cao, có nguy cơ gian lận về xuất xứ, có kim ngạch tăng đột biến vào thị trường Mỹ và EU. Ngoài ra, Cục đã kiểm tra 9 DN và phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ của 4 DN. Đối với các DN còn lại, cơ quan chức năng đang trong tiếp tục củng cố, làm rõ các chứng cứ.
Bàn về vấn đề này, một số chuyên gia cho biết, rất nhiều DN, nhất là DN Trung Quốc đã lợi dụng quy định lỏng lẻo để đến đầu tư tại Việt Nam song chủ yếu là nhắm đến mục đích trục lợi thuế quan. Phần lớn những DN này không tập trung sản xuất mà chỉ thực hiện những động tác đơn giản như thay đổi tem, nhãn, gia cố bao bì sản phẩm… để xuất khẩu sang quốc gia khác, trong đó có những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… nhằm hưởng ưu đãi thuế trong các hiệp định thương mại mà quốc gia nhập khẩu đã ký kết với Việt Nam.
Liên quan đến những vướng mắc về pháp lý, theo Cục Hải quan TP.HCM, chúng ta có Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, tại điều 9 về “Công đoạn gia công chế biến giản đơn” hay quy định về việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại điều 25, Nghị định 31/2018/NĐ-CP, song chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc quy định còn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ dẫn đến việc đấu tranh của cơ quan Hải quan với DN để xác định công đoạn gia công giản đơn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Cơ quan Hải quan kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm rà soát và có hướng dẫn cụ thể về việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá, rà soát, sửa đổi và bổ sung quy định về các công đoạn gia công chế biến giản đơn và sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất giữa Luật xử phạt vi phạm hành chính với Nghị định 185/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
