Giảm lãi vay cho chủ đầu tư hay người mua nhà?
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đưa ra nhiều kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, HoREA kiến nghị các NHTM giảm khoảng 2% lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và khách hàng mua nhà. Đồng thời đề nghị các NHTM xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn…
![]() |
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên nhiều ý kiến tỏ ra không mấy đồng tình với đề xuất này. Thứ nhất là bởi hiện lãi suất cho vay mua nhà được các ngân hàng áp dụng dao động trong khoảng từ 5%/năm đến 8,5%/năm – thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Thứ hai, để chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bên cạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí theo tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, các ngân hàng cũng đã nhiều lần giảm lãi suất đối với cả các khoản cho vay cũ và mới.
Gần đây nhất, 16 ngân hàng hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đồng loạt giảm tiếp lãi suất để hỗ trợ khách hàng theo lời hiệu triệu của NHNN. Chẳng hạn Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Trong đó đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống, trong đó bao gồm cả các khoản vay mua và sửa chữa nhà ở.
Theo một lãnh đạo của Vietcombank, đây là đợt giảm lãi lớn nhất của ngân hàng này trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với qui mô khoảng 1.800 tỷ đồng. Song song với đó, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.
Tương tự từ 15/7 đến hết 31/12/2021, BIDV cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành. Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, BIDV đã triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với tổng quy mô lên đến 368 nghìn tỷ đồng và đã chủ động giảm thu nhập 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Trong 6 tháng cuối năm 2021, BIDV dự kiến tiếp tục hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng nguồn lực hỗ trợ lên đến 3.600 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay 2.000 tỷ đồng đối với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng đối với dư nợ cho vay mới. Như vậy, tổng nguồn lực BIDV dự kiến hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 lên tới 6.100 tỷ đồng.
Không chỉ các NHTM Nhà nước, nhiều NHTMCP cũng tích cực vào cuộc giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên mức độ hỗ trợ của các ngân hàng có khác nhau tùy thuộc vào quy mô, năng lực tài chính của các ngân hàng.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, ngành nghề và các cá nhân, tổ chức trong xã hội, trong khi nguồn lực ngân hàng chỉ có hạn nên không thể hỗ trợ cho tất cả được, mà các ngân hàng thường chọn những nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh, hoặc những nhóm khách hàng có khả năng phục hồi để hỗ trợ trước, tạo hiệu ứng lan tỏa đến những nhóm khách hàng khác.
Bản thân các ngân hàng dù đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, song cũng cho rằng không nên cào bằng mà chỉ nên giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn. Bởi trong 6 tháng đầu năm nền kinh tế tăng trưởng tốt, rất nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt. Vậy nên, tùy từng tệp khách hàng, ngân hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp gặp khó khăn để từ đó có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp. “Sacombank có khách hàng có dư nợ hàng nghìn tỷ đồng và đang kinh doanh rất có lãi. Những khách hàng như vậy không nên hỗ trợ lãi suất”, ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Sacombank chia sẻ.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, nếu có giảm thì các ngân hàng cũng chỉ nên giảm lãi suất đối với người mua nhà để ở. Việc các ngân hàng giảm lãi vay hướng đến ưu đãi cho người mua nhà cũng là chính sách phù hợp, nhưng phải gạn lọc để hỗ trợ đối tượng có nhu cầu vay mua nhà thật, tránh ưu đãi tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ.
Còn với những đối tượng khác thì không nên giảm bởi với mức lãi suất cho vay bất động sản như hiện nay đã giảm rất nhiều so với trước đây, nếu tiếp tục giảm nữa, nguy cơ rủi ro cho thị trường là rất cao.
Chưa kể, hiện các ngân hàng vẫn đang kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản để phòng ngừa rủi ro khi mà thị trường bất động sản vẫn phát triển chưa lành mạnh, tình trạng đầu cơ, thổi giá vẫn còn nhiều… Trong khi bản chất vốn tín dụng ngân hàng là vốn ngắn hạn, còn các khoản cho vay đối với bất động sản thường có thời hạn khá dài nên rủi ro tiềm ẩn cũng rất lớn.
Vì vậy thay vì trông chờ vào tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động huy động vốn trung dài hạn từ thị trường vốn như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, hoặc huy động vốn từ các quỹ đầu tư.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
