Gia công lắp ráp, lấy gì chuyển giao?!
![]() | Nguy cơ nền nông nghiệp gia công |
![]() | Gia công trong sản xuất công nghiệp |
![]() |
TS. Trần Toàn Thắng |
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, lý do khác là công nghệ mà khối DN FDI mang vào Việt Nam không hiện đại như chúng ta kỳ vọng.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hiệu quả chuyển giao công nghệ của khối DN FDI đối với DN trong nước?
Trước hết phải nói rằng chúng ta kỳ vọng DN FDI vào Việt Nam mang theo công nghệ hiện đại để chuyển giao cho DN trong nước, song thực tế là chính năng lực của họ cũng chưa đủ cao để vực dậy DN Việt Nam. Điều này thể hiện ở đóng góp của công nghệ vào thay đổi năng suất của DN Việt Nam là có nhưng không nhiều, thực trạng này đúng với cả khối FDI. Kể cả các DN FDI với tiềm lực về vốn lớn hơn thì năng suất cao hơn một chút, nhưng thay đổi nhờ công nghệ cũng không nhiều.
Để đưa ra nhận định này, chúng tôi đã thực hiện các nghiên cứu đánh giá thực trạng công nghệ hiện nay của DN. Dễ nhận thấy tỷ lệ công nghệ trong vòng 5 năm trở lại khá thấp, khoảng 14%, còn lại chủ yếu là công nghệ trên 10 năm. So sánh giữa DN trong nước và FDI cho thấy không có sự khác biệt đáng kể, ngoại trừ DNNN thì đời công nghệ cũ hơn một chút.
Liên quan đến nguồn gốc công nghệ, tỷ lệ công nghệ hiện đại có nguồn gốc từ các quốc gia Âu Mỹ là khá thấp, trung bình chỉ chiếm khoảng 6% trong các công nghệ mà DN đang sử dụng, và cũng không có sự khác biệt nhiều giữa DN trong nước và FDI. Có chăng đó là sự khác biệt ở phía châu Á, một số nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản có sự vượt trội hơn một chút trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại. Thậm chí là DN FDI sử dụng công nghệ Trung Quốc khá nhiều, tỷ lệ còn cao hơn so với tư nhân trong nước.
Vậy thực trạng của quá trình chuyển giao công nghệ giữa các DN trong nước và DN FDI diễn ra như thế nào và yếu tố nào tác động tới quá trình đó?
Đối với DN trong nước, yếu tố nội lực mới là điều kiện quan trọng nhất đóng góp trực tiếp đến việc DN có nhận chuyển giao hay không. Hầu hết các DN cho biết họ nhận chuyển giao từ các DN khác ngành, tức là có sự chuyển giao công nghệ theo chiều dọc, tuy nhiên không phải từ các DN FDI mà từ chính DN Việt Nam. Chỉ có một số DN tiên phong mới tiếp nhận được công nghệ mới, còn DN thứ cấp thì nhận chuyển giao từ DN cùng ngành với nhau dễ hơn từ chính DN FDI mà họ đi theo.
Một điểm khá quan trọng mà chúng tôi muốn lưu ý là mối quan hệ giữa kỳ vọng tăng trưởng kinh tế với xu hướng đầu tư công nghệ. Về mặt lý thuyết nếu chúng ta tạo cho DN kỳ vọng tốt về tăng trưởng thời gian tới thì kể cả không có chính sách ưu đãi DN vẫn chuyển giao hoặc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Đối với yếu tố này, kết quả nghiên cứu cho giá trị dường nhưng không có ý nghĩa thống kê. Có thể thấy tín hiệu nhà nước đưa ra về kỳ vọng tăng trưởng chưa đủ hoặc chưa thống nhất, khiến DN biết tăng trưởng năm tới có thể cao nhưng cũng chưa có ý định đầu tư công nghệ.
Một điểm quan trọng nữa là thực thi chính sách của địa phương. Chúng ta có các luật khác nhau quy định về chuyển giao công nghệ cũng như một số quỹ nhà nước tạo điều kiện cho DN vay vốn phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên tất cả các yếu tố đó đều chưa đủ. Kết quả nghiên cứu cho thấy thật ra thực thi chính sách ở địa phương mới là điều quan trọng.
Bởi vì hiện nay chúng ta đã phân cấp khá nhiều cho việc quản lý FDI, vì thế việc thực thi chính sách địa phương thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cho thấy các vấn đề như chi phí không chính thức, hoặc các chỉ số liên quan đến phát triển hạ tầng, minh bạch hoá chính sách… có quyết định nhiều hơn cả đến việc DN có thể đầu tư cho phát triển công nghệ cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ hay không.
Trong định hướng thu hút FDI thế hệ mới, chúng ta vẫn đặt chuyển giao công nghệ là mục tiêu quan trọng của thu hút FDI, vậy theo ông chính sách thu hút FDI cần chú trọng tới các vấn đề gì để thực hiện tốt hơn mục tiêu này?
Chúng ta cần nhìn từ phía NĐT nước ngoài, nếu các DN FDI cũng là DNNVV thì bản thân họ không có nhiều năng lực về khoa học công nghệ. Chúng tôi tính toán với các DN đạt ngưỡng trên 2.000 lao động là có hiệu quả để thúc đẩy chuyển giao công nghệ tốt nhất. Vì vậy nếu tập trung được các DN FDI có quy mô lớn thì khả năng chuyển giao công nghệ lớn hơn rất nhiều.
Ở đây tôi cũng lưu ý rằng khuyến nghị này không tính đến các công nghệ quá cao hay quá hiện đại, vì với các công nghệ này thì quy mô lao động không phải yếu tố quá quan trọng. Tuy nhiên nếu khoảng cách công nghệ càng lớn thì khả năng chuyển giao càng thấp. Vì vậy, nếu chúng ta thu hút được các DN có công nghệ phù hợp với DN trong nước thì rõ ràng khả năng xảy ra chuyển giao lớn hơn. Góc độ khác liên quan đến DN trong nước, nếu họ có đủ năng lực thì khả năng nhận chuyển giao cũng dễ hơn so với DN nhỏ hoặc quá nhỏ.
Theo ông chúng ta có nên có các chính sách ràng buộc chặt chẽ hơn để DN FDI phải thực thi cam kết chuyển giao công nghệ của họ?
Các chính sách này đã được Trung Quốc thực thi và đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên ở Việt Nam có đặc thù khác là chúng ta đã cam kết các FTA và trong đó đều quy định không có ràng buộc theo kiểu nâng tỷ lệ nội địa hoá hoặc tỷ lệ xuất khẩu. Những yếu tố tác động trực tiếp tới chuyển giao công nghệ thì chúng ta cam kết mất rồi, phải thực thi thôi bởi nếu chúng ta có động thái vi phạm cam kết thì hệ quả có thể còn lớn hơn.
Tôi cho rằng Việt Nam đã làm khá tốt về tự do hoá đầu tư, độ mở của nền kinh tế với FDI khá cao. Tuy nhiên mặt khác điều đó có nghĩa là dư địa cho việc tiếp tục cải cách chính sách để thu hút thêm đầu tư là không còn nhiều. Thay vào đó nhà nước cần tạo ra kỳ vọng cho DN, nếu họ kỳ vọng thời gian tới nền kinh tế phát triển, đổi mới thể chế chính sách tốt thì họ sẽ đầu tư. Cũng như nếu chúng ta biết áp dụng chính sách vào thực thi hiệu quả.
Tôi cho rằng 2 vấn đề này đều đang là điểm yếu của Việt Nam. Không phải việc chúng ta tạo ra chính sách gì mà là chúng ta thực thi nó ở cấp địa phương như thế nào. Tôi cũng cho rằng chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ không phải thứ yếu, nó chỉ là “vốn mồi” có tác động kích thích một chút thôi, còn về lâu dài việc đổi mới, nhận chuyển giao khoa học công nghệ là của DN chứ không nằm quá nhiều ở chính sách. Và vai trò của nhà nước là làm sao tạo ra môi trường tốt nhất để các DN cùng nhau thực hiện.
Nếu dư địa chính sách về chuyển giao công nghệ ngày càng chật hẹp như vậy thì liệu có nên tiếp tục kỳ vọng vào nhận chuyển giao công nghệ từ FDI, thưa ông?
Chúng ta phải đi cả 2 chân. Mục đích thu hút FDI không chỉ hoàn toàn là vì công nghệ dù chúng ta đặt mục đích đó lên hàng đầu. Không chỉ Việt Nam mà các nước đang phát triển cũng vậy, các bằng chứng thực nghiệm cho thấy các nước đang phát triển nhận được chuyển giao công nghệ từ FDI là không rõ ràng, có nước tác động dương, có nước âm hoặc tuỳ vào từng giai đoạn khác nhau. Vì vậy một mặt chúng ta vẫn phải tìm cách để kênh đó xảy ra, ví dụ qua liên kết DN, mặt khác vẫn phải khuyến khích DN tự đổi mới, vô hình trung họ cũng nâng cao được năng lực để tiếp cận các vòng công nghệ tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
