agribank-vietnam-airlines

Gần 900 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội

 - 
Tối 17/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2019. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức nhân Ngày Quốc tế xóa nghèo (17/10) và Tháng cao điểm "Vì người nghèo" (từ ngày 17/10 đến ngày 18/11).
aa
Gần 900 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội
Các đại biểu tham dự chương trình

Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Các chương trình mục tiêu quốc gia Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Đến dự còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương, các doanh nhân, nhà hảo tâm và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Đại biểu TP. Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương.

Gần 900 tỷ đồng đăng ký ủng hộ người nghèo

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, với trách nhiệm, tình cảm và truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Qua 3 năm triển khai (giai đoạn 2017-2019), số tiền ủng hộ là 9.656 tỷ đồng, trong đó, 9 tháng năm 2019 là 2.348 tỷ đồng. Nhờ đó, đã hỗ trợ xây dựng hàng triệu nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất và các công trình dân sinh. Ngay tại chương trình, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ, cam kết ủng hộ số tiền lên tới 877 tỷ đồng, trong đó, TP. Hà Nội ủng hộ 5 tỷ đồng.

Để tiếp tục đẩy mạnh, tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng trợ giúp người nghèo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn kêu gọi các cấp, các ngành, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế hãy tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ người nghèo với tinh thần cao nhất.

“Từ nguồn vận động tại Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 sẽ tập trung triển khai hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo tại một số tỉnh biên giới, miền núi và vùng thường xuyên bị thiên tai, đồng thời, hỗ trợ cho các em học sinh nghèo có điều kiện được tiếp tục đến trường và chăm lo các hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thông tin.

Công cuộc giảm nghèo ấn tượng nhất trên thế giới

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt 74 năm qua, đặc biệt, trong gần 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Gần 900 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chương trình

Hiện thực hóa chủ trương đó, tuy còn nhiều khó khăn nhưng bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước dành khoảng 20% đầu tư hỗ trợ trực tiếp cũng như thông qua các chương trình, các dự án, chính sách cho mục tiêu giảm nghèo. Đặc biệt, đã triển khai mạnh mẽ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm nghèo bình quân từ 1 - 1,5% mỗi năm, ở vùng khó khăn là 4%/năm.

Từ năm 2000 đến nay, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ Vì người nghèo gần 15.000 tỷ đồng và qua chương trình an sinh xã hội hơn 40.000 tỷ đồng. Các nguồn lực này đã cùng với Nhà nước xây dựng và sửa chữa hơn 1,5 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp hàng triệu người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất, xây dựng hàng ngàn trường học, cầu dân sinh…

Thủ tướng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ xấp xỉ 10%/năm vào năm 2015 đã giảm xuống còn khoảng 4%/năm vào cuối năm 2019. Có 8 huyện đã thoát nghèo, 160 xã và 1.300 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới trực tiếp tham gia khảo sát mức sống hộ ở Việt Nam qua nhiều năm và kết luận rằng, công cuộc giảm nghèo của chúng ta ấn tượng nhất trên thế giới.

Ngành Ngân hàng chung tay giúp đỡ người dân thoát nghèo bền vững

Ngành Ngân hàng đã luôn tích cực trong công tác an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo đặc biệt là công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở. Tính đến ngày 30/9/2019, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt 200.813 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác hiện đang vay.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc truyền thông chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khắp các thôn, bản, vùng, miền đất nước, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.

Và năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, toàn thể cán bộ nhân viên ngành Ngân hàng đã ủng hộ trên 21 tỷ đồng qua Quỹ Vì người nghèo trung ương để xây dựng nhà cho hộ nghèo và các hoạt động an sinh xã hội vì người nghèo trong khuôn khổ chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 tổ chức ngày 17/10/2019.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong suốt thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách cho người nghèo, nguồn vốn vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giúp bà con thoát nghèo bền vững. Tính đến cuối tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng với trên 14 triệu lượt khách hàng đang vay vốn; chiếm tỷ trọng hơn 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Đối với tín dụng đầu tư xây dựng nông thôn mới, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đến cuối tháng 6/2019 đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng với hơn 10 triệu khách hàng. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đến cuối tháng 9/2019 đạt gần 201 nghìn tỷ đồng với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác hiện đang vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cho tới nay, hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 7,8 triệu tỷ đồng vốn tín dụng, giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững. Khắp nơi trong cả nước đã có hàng triệu trường hợp thoát nghèo như thế từ đồng vốn hỗ trợ của ngành Ngân hàng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban Lãnh đạo NHNN, sự triển khai tích cực của các ngân hàng thương mại nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng, mức tăng trưởng của tín dụng cho nông nghiệp nông thôn luôn ở mức khá và chiếm tỷ trọng cao trong dư nợ tín dụng. Những kết quả trên đã giúp thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; qua đó góp phần quan trọng tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, đồng thời góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

Mỗi tin nhắn, một tấm lòng vì người nghèo

“Bên cạnh hàng triệu người có cuộc sống ấm no thì cũng còn hàng nghìn, hàng vạn đồng bào của chúng ta đang chịu cảnh thiên tai, bão lũ, nhiều gia đình tang thương, mất người, mất nhà, bị đất đá vùi lấp hoặc nước lũ cuốn trôi. Có rất nhiều hộ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo rồi nay có thể tái nghèo”, Thủ tướng bày tỏ. Chúng ta phải tiếp tục động viên và giúp đỡ họ một cách trách nhiệm, tình thương, chia sẻ và thiết thực. Nỗ lực giảm nghèo cần tiếp tục đẩy mạnh với sự kiên trì, bền bỉ khi vẫn còn hơn 2 triệu hộ nghèo và cận nghèo, còn 2.000 xã, gần 20.000 thôn, bản đặc biệt khó khăn, hàng vạn cháu nhỏ chưa đủ áo ấm, suy dinh dưỡng.

Gần 900 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội
TP. Hà Nội ủng hộ Quỹ Vì người nghèo 5 tỷ đồng

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội đoàn kết, nhân ái để đồng hành cùng đồng bào thoát nghèo, vươn lên, có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần. Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực nhưng rất cần sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, bên cạnh vai trò đồng hành, hỗ trợ không thể thiếu của các tổ chức, cá nhân, doanh nhân trong và ngoài nước.

Gần 900 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội
Đại biểu nhắn tin ủng hộ tại chương trình

“Nghĩ về đồng bào với những khó khăn, vất vả trong cuộc sống lại càng thôi thúc chúng ta phải tận tâm, tận lực, làm hết mình để quyết tâm đưa đất nước vươn lên, trở thành quốc gia thu nhập cao, nhân dân được ấm no, hành phúc, sống trong xã hội dân chủ, công bằng, nhân ái, văn minh”, Thủ tướng phát biểu.

Dẫn 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Thương nhau chia củ sắn lùi. Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, Thủ tướng mong muốn “chúng ta cùng tiếp tục hành động cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thủ tướng đề nghị “tất cả quí vị và đồng bào ta đang theo dõi chương trình hãy cầm điện thoại soạn VNN n gửi 1408 (n là số lần ủng hộ 20.000 đồng), mỗi tin nhắn, một tấm lòng vì người nghèo”.

Gần 900 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội
Cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi) quê ở Thanh Hóa 2 năm liền viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo

“Mỗi ngôi nhà nở hoa là mỗi trái tim nở hoa; khi tình yêu thương, sự chia sẻ được lan tỏa, tình yêu thương, sự ấm áp sẽ đến với mọi người" là một trong những nội dung và cũng là tiêu chí cho hoạt động của chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo năm nay. Qua chương trình, khán giả được biết về những câu chuyện đầy xúc động về các hoàn cảnh khó khăn và tinh thần thoát nghèo.

Đó là câu chuyện của cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi) ở Thanh Hóa, 2 năm liền cụ viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo. Hay 383 lá đơn xin thoát nghèo ở Con Cuông, Nghệ An. Những câu chuyện này cho thấy hành trình thoát nghèo - bên cạnh sự hỗ trợ, chung tay của cả cộng đồng, xã hội - yếu tố chính là sự nỗ lực của chính người nghèo.

Đó là câu chuyện của ông Bùi Công Hiệp ở Quận 9, TP.HCM đã hiến tặng cả gia tài gồm 1 ngôi nhà và 2.500m2 đất trị giá hơn 100 tỷ đồng để xây mái ấm cho những trẻ bị bỏ rơi. Ông Hiệp hiện là “bố” của 88 đứa con...

Đó còn là câu chuyện của những người lính Đoàn KT-QP 379 - những người đã và đang giúp đồng bào dân tộc miền núi Điện Biên phát triển kinh tế, ổn định đời sống, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Đến nay, gần 40 xã ở các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên và một phần của huyện Mường Tè (Lai Châu) hầu hết đều đã có mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi tốt...

HNP

Tin liên quan

Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Trưa 14/4, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 14-15/4, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường.
Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi chiều 13/4, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Nghị định số 20/2023/NĐ-CP về quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi trước ngày 30/4/2025.
Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến Hội nghị.
Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết "CHUNG TAY MỞ RA KỶ NGUYÊN PHÁT TRIỂN MỚI CỦA QUAN HỆ HỮU NGHỊ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC" của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Ngày 13/4, kết luận phiên họp Chính phủ phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, huy động toàn bộ nguồn lực phát triển.
Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025 để xem xét, cho ý kiến về 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 12/4/2025 về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ.
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Thời báo Ngân hàng trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII, ngày 12/4/2025.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ 14 - 15/4. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa chuyến thăm này.
Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghĩ về tư duy hội nhập trong kỷ nguyên mới

Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghĩ về tư duy hội nhập trong kỷ nguyên mới

Hội nhập quốc tế đã trở thành một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển quốc gia kể từ công cuộc Đổi mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đòi hỏi tư duy về hội nhập cũng phải được cập nhật và nâng tầm trong kỷ nguyên mới. Bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm là một chỉ đạo quan trọng, thể hiện cách tiếp cận mới của Đảng về hội nhập trong điều kiện đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
AI
B - Edu
B - Finance
B - Data