Gần 272 nghìn tỷ đồng để “không ai bị bỏ lại phía sau”
Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ có Tờ trình Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2030 tại kỳ họp thứ 9 sẽ diễn ra hôm nay (20/5). Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 thiết kế thành 10 dự án. Tổng nguồn vốn Chương trình dự kiến khoảng 271.935,65 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2021 - 2025: 137.664,95 tỷ đồng…
![]() |
Cần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Chương trình sẽ thực hiện ở địa bàn vùng DTTS&MN là các xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên nhằm góp phần quan trọng, có tính quyết định để đạt được mục tiêu về phát triển KT-XH vùng DTTS&MN theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ tạo sinh kế, giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn đối với hơn 16.100 hộ, sinh sống ở các tỉnh trong cả nước; hỗ trợ tạo mô hình sinh kế ở 382 xã biên giới đất liền; góp phần tăng thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số trên 2 lần so với 2020. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN hàng năm trên 3%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; nhựa hóa, bê tông hóa hơn 2.600km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở 1.400 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và 8.000 thôn đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II vùng đồng bào DTTS&MN; xây dựng 800 công trình nước sinh hoạt tập trung, giải quyết nước sinh hoạt cho hơn 217.600 hộ. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học ở 316 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 6 cơ sở dự bị đại học và đại học, 3 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú khu vực.
Chương trình cũng đặt mục tiêu sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 12.000 hộ dân tộc thiểu số thuộc diện di cư tự phát; Định canh, định cư bền vững cho hơn 1.300 hộ dân tộc thiểu số; Bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và khu vực nguy cơ cao về thiên tai cho hơn 51.200 hộ; Giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ; Giải quyết nhà ở cho hơn 16.700 hộ; Giải quyết đất sản xuất cho hơn 126.200 hộ; Giải quyết sinh kế cho hơn 227.600 hộ. Đồng thời dạy nghề cho hơn 3 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn...
Chính phủ cho rằng, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là tiền đề thực hiện giai đoạn 2026-2030, là yếu tố quyết định để đạt được các mục tiêu xác định trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội. Chương trình được phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả sẽ đạt mục tiêu: Thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự nghiệp phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã được chỉ ra trong đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH vùng DTTS&MN (giai đoạn 2016-2018), thực hiện đúng các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, mục tiêu thiên niên kỷ, tiến bộ và công bằng xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bên cạnh đó, Chương trình sẽ góp phần thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, qua đó giữ vững ổn định xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia; Nâng cao hơn nữa niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và nhà nước, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để thực hiện việc này, Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban Thường trực; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan là thành viên. Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình. Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ thành lập Văn phòng điều phối đặt tại Ủy ban Dân tộc để tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo...
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới
